Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

TÔI VỀ - Bích Xuân

 Mùa hè ở Sài Gòn buổi chiều thường có những cơn mưa phùn làm dịu bớt cơn nóng trong người. Tôi nằm lì trong khách sạn chờ mặt trời lặn rồi mới bước ra đường. 
Ở Pháp trên hai mươi năm, lần đầu tiên về thăm quê hương, nhớ lúc máy bay vừa hạ cánh rồi dừng hẳn lại, lòng tôi cảm thấy hồi hộp, lo âu điều gì viển vông ... 
 Các cửa quầy hộ chiếu của nhân viên làm việc trong phi trường Tân Sơn Nhất được che ngang tấm kính, họ mặc đồng phục màu xanh lá mạ biểu tượng màu xanh của Tầu Cộng. Tôi nhìn chung quanh, nhân viên làm việc trong phi trường, hết chín mươi phần trăm là người miền Bắc.
 Có được một chỗ làm nơi đây không phải là dễ, nghe đâu phải mất trên mười cây vàng, nhưng cũng chỉ làm được vài năm thôi, chỗ làm của họ cũng sẽ được “bán” lại cho một người khác sắp vào.
Tôi đưa passport hồi hộp chờ đợi...Người nhân viên ngước nhìn tôi, rồi nhìn vào tấm hình trong hộ chiếu không nói gì rồi trả lại passort cho tôi. Tôi đã đi lung tung khắp nơi không sợ, ấy vậy mà khi về VN tôi lại... run , y như là nhõng nhẽo với mình chưa từng đi đâu bao giờ !
 Hai ngày đã quen với sinh hoạt ở Sài Gòn, nhưng tôi chưa dám ra mua một thứ gì, hay ăn một món gì trong các quán cơm bên cạnh.
 Hai ngày đầu tôi chỉ ăn hủ tiếu và cơm cá kho mặn tại khách sạn, không dám ăn uống vô tư ở ngoài, sợ bị đau bụng như báo chí trong nước thường nói đến. Tôi ít thích ăn cơm, ăn tiếp ba ngày là thấy ngán. Tôi ăn trái cây thì khỏi phải sợ bị trúng độc.
Khách sạn ở đường Lý Thường Kiệt, phòng còn mới nên rất sạch sẽ ở gần chợ Bến Thành. Khách sạn có camera đặt ở mỗi hành lang. Ban đêm có hai bảo vệ canh gác. Để cạnh tranh, giá thuê phòng cá nhân khách sạn 30 đô, tụt xuống còn 25 đô một ngày, còn ở đường Phạm Ngũ Lão và đường Bùi Viện thì giá 10 đô, phòng sạch sẽ, nhưng hơi cũ đã có mùi ẩm ướt.

 Con đường nhỏ rất ồn ào vì người qua lại rất nhiều. Nghe đâu có khách ngoại quốc đã mất máy vi tính cầm tay (laptop) và máy camera, không phải kẻ lạ vào phòng mà chính là khách đến thuê phòng rồi thừa cơ phá cửa vào lấy trộm. 
Chuyện du khách mất đồ trong khách sạn đòi chủ nhân bồi thường là chuyện không tưởng. Để cho bảo đảm, vật sở hữu nào có giá trị nên gởi lại cho khách sạn mỗi khi ra ngoài, ngay như cả passport cũng vậy. Ngày đầu mướn phòng tôi chỉ đưa bằng photocopy, sau thì tôi gởi passport cho khách sạn giữ luôn. 
Trước khi ngủ hoặc đi đâu, tôi đều khóa valise lại (cẩn thận vẫn hơn).
 Về ở trên quê hương của mình mà lòng cứ nơm nớp phập phồng như đến một xứ nào lạ hoắc lạ huơ...
“ Chợ Đêm” ở Bến Thành bắt đầu sáu giờ chiều người ta che “tăng” để làm quán ăn, nấu nướng ngay tại chỗ, đủ các món ăn kể cả món thịt ếch còn sống treo tòng teng trên bếp, chờ khách thích con nào đem xuống chặt đầu, lột da bỏ vào chảo dầu.

 Ui chao, giữa trung tâm đô thị về đêm mà nhìn mấy chàng ếch đang treo cổ, đưa cái bụng trắng tinh nằm chờ chị bếp cho vô vạc dầu, để làm khoái tỷ cái lưỡi của bợm nhậu làm tôi bỗng lạnh mình.

 Nằm san sát quán ăn là các hàng bán áo quần, đủ loại, đa số là hàng của Trung quốc và đồ lưu niệm . 
Trời về đêm, sau cơn mưa có mùi âm ẩm, tôi đứng (không dám đứng lâu) nhìn chị bếp xào nấu giữa bếp lộ thiên, bị muỗi chích một phát đau điếng vội vàng bỏ đi, vừa đi vừa nhìn những món thịt, tôm, ốc, trứng v.v... chưng bày trong tủ, được bao che bởi một miếng kính nhưng cũng thấy rõ những con muỗi và bù hong bu chung quanh đống thịt nguội.
 Hèn chi mà khách nước ngoài ăn vào bị trúng độc, bị tiêu chảy, đau bụng ói mửa đến mật xanh, ruột gan đau đớn như muốn bung ra ngoài.
 Ăn uống không cẩn thận là vậy ! Ngày cũng như đêm, ở quận nào người và xe chật ních.
 Xe gắn máy, xe hơi, người đi bộ đầy trên đường phố, mạnh xe ai nấy chạy, mạnh người nào nấy đi bất kể khi đèn đỏ.
 Hôm nay tôi cũng muốn đi tìm cảm giác lạ nên cũng nhảy lên xe gắn máy, ngồi phía sau thằng em để nối đuôi chạy theo đoàn xe hít thở bụi đường.
 Thỉnh thoảng tôi hét “ái ái” rồi co chân lên tới cằm, sợ chiếc xe bên kia gần như muốn húc vào chân mình chỉ còn trong gang tấc... Khói xe hòa bụi mờ trong rừng người, tạo thành một khung cảnh hỗn độn vô trật tự giữa trưa hè bỏng rát.
 Mồ hôi nhễ nhại trên mặt mỗi khi xe ngừng lại, thấm ướt không biết mấy cái khăn giấy.
 Khăn giấy ở Việt Nam chùi một cái đã bỡ ngấy, vụn nát.Đang trên đường, bỗng một người đi xe ngược hét lớn: “ Có công an anh ơi !” thằng em định quay đầu lại thì đã trễ, anh công an đứng ở góc đường, đưa tay ngoắc bảo nó tấp xe vào lề. Thằng em tôi lẩm bẩm:“Chết! đi ngược chiều rồi”. 
 Tôi ngồi phía sau vội nhét “tờ trăm xanh ” vô túi nó. Xe ngừng, anh công an nói: “Anh có biết đã vi phạm luật đi đường không ? ” 
Thằng em tôi lí nhí: “Dạ biết! ”Anh công an hỏi “Biết tại sao anh đi ngược!” Tôi có tính tinh nghịch tiếp lời thằng em:“ Dạ, vì nó không thấy anh đứng đây, nếu thấy anh nó không dám vào đâu !”
 Anh công an bỗng bật cười, thằng em tôi cười theo và nhanh tay nhét vội tờ trăm xanh vào tay anh công an. Anh công an ra dấu biểu nó đi đi ...
Xe Honda của Trung quốc bảy triệu đồng một chiếc, (chừng $450 đô) Honda Nam Hàn thì mười triệu (chừng $700 đô ) nhưng cũng còn rất nhiều người nghèo, nên việc mua xe Honda không phải là dễ...
Hàng nội hóa của Trung quốc nhất là áo quần bán ở VN so ra rẽ rề, nhưng sờ đến máy móc ví dụ như máy ảnh, máy vi tính (Laptop) v.v... mắc hơn giá bán ở nước ngòai . Một tuần ở Sài Gòn đi đâu tôi cũng đi bằng taxi, con đường gần mà mấy ông taxi chạy vòng thành đường xa, một tuần lễ tính ra hơn hai trăm đô.
 Sài Gòn các cô đi xe máy, xe đạp sợ nắng ăn da nên ra đội mũ tai bèo, găng tay gần nách, mặt che kín chỉ chừa đôi mắt, thoạt nhìn giống như đàn bà của xứ Ả Rập.
Tôi mướn xe Honda mỗi ngày  $ 5 đô nhưng họ đòi passport, tôi không chịu đưa, nên nhờ người quen đứng thuê xe dùm.
 Cuốn sổ passport là “linh hồn”, chớ dại mà đưa bất cứ ai trong bất cứ trường hợp nào. 
Tôi luôn luôn có hai, ba tờ phoyocopy trong xách, cần hỏi là có sẵn. Tôi có tính cẩn thận nên trước khi về VN cũng đã photos vé máy bay và passport gởi đến tòa Đại sứ Pháp ở VN, nếu có gì thì tôi đã có tất cả hồ sơ trong sứ quán Pháp rồi. 
Khi đến Việt Nam tôi không bị một trở ngại gì với .., nhưng bị “Việt gian” (từ để gọi những người Việt Nam buôn gian bán lận) trong giới thương mại đụng đâu “chém” đó và giới taxi cứ chạy vòng vo khi trả tiền méo...mồm luôn.
 Chuyện này cũng là thường tình đối với Việt kiều thôi .Đi một vòng Sài Gòn ban đêm nhất là các quán cóc trên các vĩa hè, giới buôn thúng bán bưng đủ loại.
 Thành phố xô bồ như cái chợ. Ban đêm hay ban ngày, dù mưa hay nắng, dù ruồi muỗi bên đống sình, người dân ở thành phố họ ăn đứng, ăn ngồi, ăn chồm hỗm dưới đất thật ngon lành, nhìn họ ăn như một lối...thiền .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét