Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Nghìn trùng xa cách, Người đã đi rồi

Một đêm vào đầu tuần trước không hiểu sao trằn trọc mãi tôi vẫn không ngủ được.
Cũng có thể vì tôi vừa mới từ bên châu Á về lại Mỹ nên người vẫn còn bị jet lag, trái giờ.
 Cũng có thể vì thằng cu Trịnh Phi nằm bên cạnh đang bị bệnh nên hơi thở khi ngắn, khi dài, lúc lại khò khè. Mà tôi thì tính lại khó ngủ nếu có tiếng động.
Thế là tôi đành quyết định đem cái laptop ra lướt trang mạng FB. Mong là mình sẽ sớm tìm được giấc ngủ trong cái ồn ào, náo nhiệt của thiên hạ trên FB từ bốn phương đổ về.
Họ là một số bạn trẻ ủng hộ kiến nghị về việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành của Việt Nam.

 Mặc dù họ bảo là họ dư biết kiến nghị của họ sẽ không đi đến đâu. Thế nhưng họ vẫn phải làm. Thế mới...bảnh.
Nhưng có một tin cập nhật của một nghệ sĩ tôi quen thân đã làm tôi lặng đi ít lâu. 

Đã mang tôi về lại quá khứ của một thời mới lớn. 
Của những cuộn băng casette cũ kỹ. Của những suy nghĩ vẫn vơ. 
Và tiếng hát buồn đến não lòng của Thái Thanh trong nhạc phẩm 'Quê Nghèo':
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũ tre già tả tơi
Ruộng khô
Có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày


Thưở thơ ấu tôi không có dịp tận mắt thấy được những cánh đồng ruộng khô, không nghe được tận tai tiếng o nghèo thở dài. Tôi cũng chẳng được biết là tre nó có thể tả tơi đến độ nào.

 Vì cây tre ngoài sau nhà Ngoại tôi ở Thủ Đức, Sài Gòn lúc nào tôi thấy nó cũng rậm rạp xanh tươi.
Nhưng ở cái tuổi xấp xỉ đôi mươi ấy, tôi đã hoàn toàn có thể cảm nhận được cái nghèo của những làng xã Việt Nam trong buổi giao thời vào những cuối thập niên 1930, 1940. Khi công cuộc kháng chiến dành độc lập ngày càng trở nên khốc liệt.
 Và ở làng chỉ còn những ông già áo rách vai, phải bừa thay trâu, phải cày thay trai trẻ.
Đối với tôi lúc ấy hai chữ Phạm Duy không chỉ là tên của một nhạc sĩ nổi tiếng của những bản nhạc tình trước năm 1975 mà nó còn là một nhịp nối rất hữu hiệu trong việc mang tôi đến gần làng xã, chiến tranh và âm điệu Việt Nam qua từng thời kỳ.
Tôi vẫn còn nhớ mình đã từng phải vặn đi, vặn lại cuộn casette đến nhão băng chỉ để được nghe hỏi:

Nhưng mỗi khi
Dưới mái nhà mêng mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
Rằng: Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho con, mẹ ơi


(Nhớ Người Ra Đi)

Hay buồn hơn khi nghe tin xóm làng kêu gào:
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chiều gieo

(Bà Mẹ Gio Linh)
Ở đây tôi không muốn lạm bàn về tài năng sáng tác nhạc của Phạm Duy. Vì tôi nghĩ đã có rất nhiều người viết về đề tài này.

 Và thú thật tôi cũng hoàn toàn không có đủ khả năng để làm chuyện đó.
Nhưng điều mà tôi muốn nhắc đến mỗi khi tôi nghĩ đến Phạm Duy, nghĩ đến những gì mà ông đã từng để lại dấu ấn trong tôi lúc tôi lần đầu tiên biết tự tìm đến âm nhạc Việt Nam đó là: thứ nhất, không phải lúc nào mình cũng sẽ đoán được đấy là tác phẩm của Phạm Duy.

 Không phải bài hát nào của ông của có cái “air” của Phạm Duy như chúng ta có thể tìm được ở những nhạc sĩ khác. 
 Thứ hai, ông là một dịch giả rất trung thành với nguyên bản của tác phẩm. Khi ông dịch một bài hát từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tôi nhận thấy từng câu, từng chữ ông dịch ra tiếng Việt đều khởi nguồn từ nguyên bản tiếng Anh. Chứ không phải tự ông cắt bỏ ở đâu đó để thêm vào cho nó trơn tru theo giai điệu. 
Đây hoàn toàn không phải là một điều dễ làm và nó chứng tỏ khả năng hiểu biết và sử dụng từ ngữ của ông trong tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
 Quan trọng hơn nó thể hiện sự tôn trọng của ông dành cho tác giả của bản gốc.
Thứ ba và cũng là điểm cuối cùng tôi muốn nhắc đến đó là cái tài viết...sách của ông.

 Chỉ là hồi ký thôi và tôi đã đọc nó cách đây chắc cũng đã hơn hai mươi năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ là nó rất hấp dẫn, rất chi tiết và rất... thật. 
Một cái thật mà không phải người Việt Nam nào cũng dám nói ra chứ đừng nói là dám viết ra. Như ông.
Đối với những thằng con trai lớn lên ở hải ngoại như tôi, đó thật sự là một khám phá lý thú về con người thật của ông, về một trong những nhạc sĩ thành danh nhất, về những người đi trước mình. Để từ đó từng bước một chúng tôi đã tự tìm về cội nguồn, về quê hương, về dân tộc. Về hai tiếng nói sau cùng khi lìa đời.
Vĩnh biệt ông. Cảm ơn bác đã để lại cho chúng con một di sản Việt Nam nguyên bản nhất.

                                      Trịnh Hội 
                               @@ tks ,LS TH !!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét