Tôi
quen bà đại sứ Dougan từ cuối năm 2006, lúc bà ấy chuẩn bị thực hiện
chương trình “Next Gen Awards” cho giới trẻ ở Việt Nam vào năm 2007, và
qua sự quen biết với ban lãnh đạo của National Geographic, bà ấy đã mời
tôi làm thành viên trong ban cố vấn của chương trình. “Cuộc thi NextGen
[Next Generation] được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, dẫn dắt, trao
thưởng cho thế hệ trẻ tài năng có ý tưởng sáng tạo và những đề án thực
tiễn trong việc sử dụng hiệu quả điện thoại di động nhằm nâng cao chất
lượng cuộc sống trong cộng đồng và hơn thế nữa…”
Bà đại
sứ Dougan chỉ muốn tôi gọi bà là Diana, nhưng vì trong văn bản chính
thức người ta vẫn giới thiệu bà là “The Honorable Diana Lady Dougan” nên
lúc nào tôi cũng gọi bà là Ambassador Diana hoặc Ambassador Dougan cho
phải phép. Tôi gọi thế vì bà đã nhận được tước vị “the permanent rank of
Ambassador” và tôi cũng không biết cái chức đó trong tiếng Việt là gì
nên “tạm dịch” là đại sứ mặc dầu bà đã về hưu và cũng chưa bao giờ làm
đại sứ chính thức của Hoa Kỳ tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Sau khi
làm việc chung với nhau một thời gian, tôi biết bà ta quen rất nhiều
nhân viên kỳ cựu đã từng làm trong ngành Ngoại Giao nên chính thức nhờ
bà ấy tìm lại một vị ân nhân đã cho tôi 20 Dollars trên chuyến bay từ
Tokyo tới Seattle vào ngày 1 tháng 8 năm 1984.
Mặc dầu tôi đã ra sức tìm kiếm từ bao
nhiêu năm nay, kể cả việc liên hệ với một vài người quen biết đang làm
việc ở Bộ Ngoại Giao, nhắn tin trên internet và bulletin của Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ nhưng vì tôi chỉ có một vài chi tiết rất mơ hồ về vị ân nhân
của mình nên cuộc tìm kiếm đã không mang lại kết quả gì.
Ngoài những
chi tiết ở trên, tôi chỉ biết vị ân nhân ấy tên là Barbara (tôi đã quá
khù khờ nên không hỏi tên họ) và năm 1984 bà Barbara đang làm việc trong
văn phòng một tòa đại sứ nào đó của Hoa Kỳ ở Á Châu!
Khi nghe tôi kể về
câu chuyện hy hữu đã xẩy ra cho tôi trong ngày đầu tiên đặt chân tới Mỹ
và những cố gắng của tôi để tìm lại vị ân nhân đó, bà đại sứ Dougan đã
thốt lên “đúng là mò kim đáy biển” nhưng cũng hứa sẽ cố gắng hết sức và
hy vọng sẽ tìm được vì “lòng thành” của tôi.
Ngày
đó… Tôi được bầu làm trưởng đoàn hướng dẫn gần 200 người tỵ nạn Việt Nam
từ Galang và Hong Kong đáp chuyến bay của hãng Northwest Airlines rời
Tokyo sang Seattle bắt đầu cuộc sống mới trên đất Mỹ.
Tôi được chọn vì
“đồng bào” biết tôi đã từng làm thông dịch viên cho văn phòng Cao Uỷ ở
trại tỵ nạn Galang, Indonesia.
Tất cả
chúng tôi được lên máy bay trước những hành khách bình thường, và ngồi
gần hết phía cuối máy bay, nhưng cho tới khi máy bay chuẩn bị cất cánh,
bà con ta vẫn cãi nhau chí chóe vì chỗ ngồi lộn xộn, kẻ thích gần cửa
sổ, người khác lại muốn gần lối đi hay dăm ba người bạn muốn được ngồi
bên nhau…
Nhân viên phi hành đoàn, sau nhiều lần cố gắng vẫn không ổn
định được tình hình, đã nhờ tôi dùng hệ thống âm thanh trên máy bay nói
tiếng Việt giúp họ giải quyết vấn đề.
Tôi cầm máy nói vài lời xin lỗi
hành khách trên máy bay bằng tiếng Anh, rồi nói lớn bằng tiếng Việt:
- Tôi
xin tất cả mọi người ngồi xuống ghế, cài dây an toàn. Ai không muốn ngồi
tại chỗ của mình, xin bước lên đây, tôi sẽ dẫn ra đi chuyến sau.
Chúng
ta không thể đánh mất danh dự của người Việt Nam chỉ vì một chỗ ngồi
trên máy bay.
Như một
phép lạ, cả mấy trăm người đều im bặt, chỉ còn nghe tiếng lách cách cài
dây an toàn…
Tất cả hành khách trên máy bay và phi hành đoàn đều trố
mắt ngạc nhiên nhìn tôi.
Tôi nói cám ơn rồi trở về chỗ ngồi. Trớ trêu
thay, chỗ ngồi của tôi đã bị chiếm mất!
Mấy cô chiêu đãi viên cũng đi
lên đi xuống, nhìn trước ngó sau nhưng không tìm thấy ghế trống nào ở
phần dành cho người tỵ nạn nên đành dẫn tôi lên ngồi một ghế trống ở
phía trên, bên cạnh một phụ nữ trung niên với một gương mặt rất phúc
hậu…
Sau khi tôi cài dây an toàn, bà ta vừa bắt tay tôi vừa nói:
- Tôi là Barbara. Anh bạn trẻ tên gì?
- Tôi là Nguyễn Duy-An.
Bà ta lặp lại tên tôi vài lần rồi hỏi tôi xem bà ấy phát âm có đúng không. Tôi thành thật nói không. Bà ấy cười lớn:
- Tiếng Việt Nam khó đọc quá. Tôi chịu thua. Thôi, cứ gọi là “anh bạn trẻ” nhé.
- Tuỳ bà.
- Cám ơn. Mà này, anh bạn trẻ đang làm việc cho Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, phải không?
- Dạ không. Tôi chỉ là một người tỵ nạn đang trên đường đi định cư tại Mỹ.
- Thế hả? Tôi thấy trên áo anh có in phù hiệu Liên Hiệp Quốc và mấy chữ UNHCR (United Nations High Commissioner for Refugees).
- Đây chỉ là món quà của Cao Uỷ cho những người làm việc thiện nguyện trong trại tỵ nạn thôi.
- Mà
này, anh bạn trẻ…
Lúc nãy anh nói gì mà tất cả đều im lặng tuân theo
vậy? Mấy người tiếp viên hàng không sắp xếp cả tiếng đồng hồ không xong,
còn anh chỉ nói một câu thì mọi việc đều êm. Anh bạn trẻ giỏi quá.
- Tôi có tài giỏi gì đâu. Tôi chỉ nhắc cho họ đừng làm mất danh dự dân tộc của mình vì tranh dành chỗ ngồi trên máy bay.
Chúng
tôi còn nói nhiều chuyện trong suốt chuyến bay dài qua đêm, và tôi được
biết bà Barbara là nhân viên ngoại giao làm việc ở Á Châu đang trên
đường về Mỹ nghỉ hè. Vừa tới Seattle, trước khi xuống máy bay, bà
Barbara trao cho tôi một tờ giấy 20 Dollars, nói nhỏ:
- Cứ
cầm lấy, đừng ngại nhé anh bạn trẻ. Đường về Miền Đông còn dài, biết đâu
anh cần một ít để mua đồ ăn thức uống trong lúc chờ đổi chuyến bay.
Tôi chưa kịp nói lời cám ơn thì bà ấy đã bước vội ra phía trước như sợ tôi sẽ từ chối.
Tôi
theo đoàn người tỵ nạn đi ra theo lối dành riêng để xếp hàng làm thủ tục
giấy tờ định cư.
Tôi là trưởng đoàn nên phải đứng ở cửa giúp “điểm
danh” và “nhận diện” từng người vì có nhiều người trùng tên, trùng họ và
danh sách đánh máy lại không có dấu tiếng Việt.
Mặc dầu
máy bay đáp xuống phi trường Seattle lúc 10 giờ sáng nhưng mãi tới quá
trưa tôi mới bước ra khỏi văn phòng của sở thuế vụ và di trú vì tôi là
người cuối cùng trong đoàn.
Tôi bị trễ chuyến bay về Pittsburgh!
Tôi bị trễ chuyến bay về Pittsburgh!
Nhân
viên hãng United Airlines bảo tôi ngồi chờ họ sắp xếp cho đi chuyến sau.
Tôi đến ngồi ở dãy ghế gần mấy cái máy bán thuốc lá, bánh kẹo, nước
uống… ngắm ông đi qua bà đi lại.
Tôi đói lắm vì lúc đó đã hơn 3 giờ
chiều. Tôi để ý thấy người ta bỏ tiền vào máy, kéo một cái nhẹ để mua
nước, kẹo sô-cô-la và có khi còn được thối lại mấy đồng tiền cắc.
Tôi
chờ lúc vắng người, rụt rè bỏ tờ giấy 20 Dollars bà Barbara cho sáng nay
để mua thử mấy thỏi kẹo sô-cô-la nhưng máy không nhận.
Tôi mua thử lon
nước Coca-Cola cũng không được. Tôi vừa đẩy tiền vào, máy lại đẩy ra.
Vừa đói
vừa khát, tôi ngồi “chửi thầm” con mẹ Mỹ già chơi đểu mình, giả ân giả
nghĩa cho mình đồng bạc giả! Tôi chờ tới lúc có một cụ già tới mua thuốc
lá, dò giẫm lại gần chìa tờ giấy 20 Dollars hỏi:
- Nhờ ông xem đây có phải là tiền “thật” hay không?
- Thật chứ. Sao cậu hỏi ngớ ngẩn thế?
- Tôi bỏ vào máy mua kẹo không được, mua nước nó cũng không nhận.
Cụ ấy cười lớn rồi giải thích:
- Cái máy này chỉ nhận tiền cắc hay giấy $1 hoặc $5 thôi. Để tôi giúp cho. Lần đầu tới Mỹ hả? Cậu cần gì?
- Tôi
là người tỵ nạn Việt Nam hôm nay đi định cư ở Pittsburgh.
Tôi tới đây từ
sáng nhưng bị trễ chuyến bay. Tôi chỉ muốn mua ít kẹo Sô-co-la và lon
nước Coca-Cola cho đỡ đói.
Ông cụ
chẳng nói gì, bỏ tiền vào máy mua 3 thỏi kẹo Sô-cô-la và một lon nước
trao cho tôi.
Tôi đưa tiền ông ta không chịu lấy, chỉ cười cười bảo tôi:
- Có
mấy chục xu thôi, đừng bận tâm. Nếu còn chờ lâu, cậu đi ra phía ngoài
kia mua bánh mì mà ăn. Tôi phải chạy cho kịp chuyến bay. Chúc cậu may
mắn.
Ông cụ
đi rồi tôi mới hối hận đã trách oan bà Barbara. Chính lúc đó, tôi nhận
ra giá trị đích thực của tấm lòng của bà ấy khi trao tờ giấy 20 Dollars
cho một người xa lạ, và tôi cũng thấu hiểu ý nghĩa của câu nói “một
miếng khi đói bằng một gói khi no!”
Đã bao
nhiêu năm qua rồi, tôi vẫn miệt mài tìm kiếm vị ân nhân SỐ MỘT của tôi
trên đường đi định cư tại Mỹ. Với tôi bây giờ, tờ giấy bạc 20 Dollars
của bà Barbara đáng giá gấp trăm gấp ngàn lần giá trị đích thực của nó
trên thị trường tài chánh.
Tôi đã an cư lạc nghiệp nơi vùng đất mới và
chỉ ước mơ được một lần kính cẩn nói lời cám ơn tới bà Barbara. Chính bà
đã dạy cho tôi biết chia sẻ những gì mình có với những người kém may
mắn dù quen biết hay không.
Đó cũng chính là tâm tình của tôi mỗi lần
mừng Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving).
Tôi hy
vọng mùa Lễ Tạ Ơn năm nay bà đại sứ Dougan sẽ giúp tôi tìm lại được vị
ân nhân tên là Barbara, một người đã từng làm việc trong văn phòng một
tòa đại sứ nào đó của Hoa Kỳ ở Á Châu năm 1984.
Tôi cầu xin được một lần
mời bà đến thăm gia đình và nói cho bà biết rằng tất cả những gì tôi có
được hôm nay cũng không giá trị bằng tờ giấy bạc 20 Dollars bà ấy đã
cho tôi trên chuyến bay đưa tôi đến định cư nơi vùng đất mới Hoa Kỳ.
Nguyễn Duy-An
2010
@ tks t/g NDAn ...!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét