Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Chợ Ve Chai Độc Nhất Sàigon-Chợ trời Paris


Người Sài Gòn vẫn còn thú nhâm nhi cà phê và la cà ngày cuối tuần. Sau một tuần làm việc người ta luôn cần bè bạn để giao lưu trò chuyện, một nơi để thư giãn đọc sách báo và thú dạo chợ la cà.
Ngày xưa quen gọi xả hơi cuối tuần và cũng là một nét văn hoá rất riêng của dân Sài thành và Saigonvechai với mong muốn tạo nên một sân chơi dành cho bạn bè một quán cà phê kết hợp những nhu cầu trên cùng sở thích sưu tập tại quán cà phê Cao Minh. Một sân chơi mang tính thử nghiệm.

Chủ của phiên chợ ve chai, anh Trần Khắc Dũng cho biết: “Thực ra sàn giao dịch saigonvechai.com đã có từ 6,7 năm trước. Nhưng chỉ là nơi để thỏa lòng đam mê của dân chơi đồ cũ, cũng có khi mua bán, trao đổi vài món đồ ai đó cần. Còn chợ thật thì mới hình thành cách đây hơn năm”.

Đến với chợ ve chai vào mỗi buổi sáng chủ nhật, khách hàng có thể tìm thấy đủ loại mặt hàng, vật dụng đã tồn tại một thời trong lịch sử. Điểm khác biệt giữa những món đồ này với hàng ve chai bình thường chính là giá trị lịch sử và lý lịch riêng của nó.

Theo các tay chơi hàng “độc”, muốn đánh giá một món hàng phải dựa vào niên đại, số lượng, những thông tin liên quan tới nó, đặc biệt là thông tin về người sở hữu hoặc trao tặng món hàng này. “

Hàng” càng lâu năm, số lượng càng ít, chủ sở hữu là những nhân vật “quan trọng” thì “hàng” càng có giá.Theo anh Dũng, có những món đồ với người này không còn giá trị sử dụng nhưng với người khác thì vô giá.

  “Tôi nghĩ, người chủ cũ không còn dùng được món đồ của mình, hoặc không thích dùng nữa, hãy tìm cho nó một người chủ mới, chứ vứt đi thì lãng phí lắm”.Không ồn ào, xô bồ, không có cả những tiếng ì xèo theo kiểu chợ búa hằng ngày… “chợ” saigonvechai còn là nơi thư giãn cuối tuần của những người đam mê thú vui hàng “độc”.
“Chợ” nằm gọn trong khuôn viên quán cà phê Cao Minh ngay trong hẻm cạnh cầu Bằng Ky trên đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh

Chợ toàn hàng "Vip"

Gọi là ve chai, nhưng những ai đã một lần đến với phiên chợ này đều “lác mắt” vì hàng ở đây đều thuộc vào “vip” những mặt hàng khó kiếm và đắt đỏ. 
Một chiếc hộp quẹt zippo chỉ nhỉnh hơn bao diêm có giá hàng trăm USD, những chiếc xe máy hiệu Mobylette, Vespa, Lambretta… được sản xuất từ những năm 40-60 của thế kỉ trước đáng giá hàng ngàn dollar , hay những chiếc máy ảnh, máy hát, đồng hồ, vật dụng tưởng chừng là… đồ bỏ lại khiến không ít người mê mẩn.
Chợ Sài Gòn ve chai được phân ra nhiều không gian trưng bày, bán hàng.

 Mỗi món đồ đưa ra bán đều được chủ nhân thuyết trình về giá trị lịch sử, nguồn gốc. Bất cứ thắc mắc nào của khách cũng được tận tình giải đáp. Và cũng có khi, người xem bổ sung thông tin cho chủ sở hữu món đồ, nên tất cả đều có cơ hội học hỏi lẫn nhau, hiểu biết thêm về thế giới “ve chai”.
Vì thế có những thứ chủ nhân của nó chỉ mang đến… “khoe” chứ không bán, dù được trả giá rất cao. Khách đến chợ ve chai quen có, mới đến lần đầu cũng có, khách thành phố, khách ở các tỉnh, kiều bào, cả người nước ngoài.

Anh Tuấn Linh (quận Tân Bình) là một người đi chợ thường xuyên, cho biết, hầu như chủ nhật nào anh cũng đến “sàn giao dịch”. Anh chia sẻ: “Nhiều hôm…đi chợ không tha về nhà được món đồ nào, nhưng không phiên họp chợ nào tôi bỏ. Bởi không mua bán thì mang về thêm kiến thức, bổ sung ở các lĩnh vực mình thiếu”.

Còn Bác Đại (quận Thủ Đức) cứ mỗi sáng chủ nhật lại đến đây mong tìm được một món đồ cũ nào đó mang về cho bộ sưu tập đồ cũ của mình.

Cũng có người đến chỉ để tìm mua một phụ kiện nào đó cho món đồ mình đang sử dụng. Trần Khắc Dũng còn khoe, các anh còn có hơn 100 đầu sách chuyên về xe, dân sành chơi xe hơi thường đến đây mượn nghiên cứu.
Ngoài ra anh còn có nhiều chiếc Rumi thuộc dòng Scooter rất quý hiếm. Dũng còn một chiếc Vespa đời 1953 do Pháp sản xuất. Chi tiết “Pháp sản xuất” chính là cái đáng chú ý. Vì thời đó, Vespa chủ yếu là do Ý sản xuất, chiếc Vespa trên của anh Dũng được người Pháp mang sang Việt Nam, chứ từ sau năm 60, nước ta mới nhập dòng xe Vespa...

Một thanh viên khác cũng thuộc “ban quản lý chợ” trịnh trọng đặt lên bàn chiếc khung gỗ lộng hai thanh kiếm Nhật sáng loáng (dùng để trưng bày trong phòng khách) và các phụ kiện đi kèm ghi rõ lò sản xuất ở Nhật Bản, “giá $700 dollar

.Kế bên khu vực pha chế cà phê và đồ ăn sáng, một người đàn ông tóc lưa thưa đang khui chiếc hộp gỗ chứa đầy hộp quẹt zippo, đồng hồ đeo tay, bút máy, nhẫn kiểu… xếp vào một chiếc tủ kiếng
.Phía trước sân khấu, một “tiểu thương” đang khệ nệ đẩy chiếc tủ nhựa đựng đầy phụ tùng xe máy cổ ra góc sạp của mình. Dọn hàng xong, anh chàng có vóc dáng đậm chắc, buộc tóc đuôi gà này lại hì hục dùng ống
bơm tay để bơm bánh chiếc xe Mobylette biển số CSQG - KA 0113 do Pháp sản xuất năm 1949.

Ngó nghiêng” trong gánh ve chai Sài Gòn, chúng tôi bắt gặp khoảng vài chục chiếc đàn piano cổ do Nhật, Nga, Pháp sản xuất, đã từng được sử dụng trong các nhà dòng xưa.

Như lời giới thiệu của chủ vựa, đó là những cây đàn âm thanh đầy cảm xúc, tinh tế, cổ kính...

 Trong gánh ve chai có cả những chiếc đèn dầu cổ từ thời Pháp thuộc, có cả bộ ván gõ đỏ mà theo lời người rao bán là có nguồn gốc từ Huế, qua tay thân sinh ông Lý Bá Phẩm, tỉnh trưởng Khánh Hòa trước năm 1975, rồi lưu lạc nhiều đời.
Ai đó vừa mua được một món đồ mới, dù đắt tiền hay không nhưng mang về nhà lại chán không muốn dùng nữa thì nó là ve chai. Muốn đẩy nó đi khuất mắt nhưng chẳng biết bằng cách nào, mà cho không thì lại... tiếc của.

  Đặc biệt với những người dọn nhà, đồ cũ rất nhiều: vài cái bàn ghế cũ, cái tủ tróc sơn, cái giường nệm thủng vài chỗ..., biết đâu mà rao, đành bán tống bán tháo theo dạng đồng nát. Từ chỗ đứng ra làm trung gian giúp bạn bè trao đổi ve chai, anh Danh nhà ở quận 10 cho biết.
Sài Gòn ve chai hiện có tới 300 thành viên, trong đó 50 thành viên cốt cán chia sẻ với nhau sở thích... ve chai và gắn bó với nhau qua các chương trình công tác xã hội, nơi những món đồ cũ như sách vở, áo quần, đồ chơi... cùng bao vật dụng khác trở thành món quà cho trẻ em nghèo.
 t/g Sgtt.


 Chợ trời Paris
Nhắc đến Paris nhiều người sẽ nghĩ đến Tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, hay Khải Hoàn Môn trước đại lộ Champs Élysées nổi tiếng. Ðó là những biểu tượng về văn minh và văn hoá Pháp. Nhưng ở Paris có 1 nơi mà chúng ta không những có thể "nhìn" văn hoá mà còn có thể sống trong văn hoá. Hãy đi chợ ! Hầu như hễ có được chút ít thời gian rảnh rỗi thì người dân Paris xách giỏ đi chợ. Khắp các nẻo đường ở Thủ đô hoa lệ này đều có chợ. Chúng có thể là các khu thương mại cao lớn sầm uất, nhưng thường là các siêu thị nằm trong hệ thống bán lẻ rộng khắp nước Pháp như Auchan, Carrefour, ... 

Nhưng tôi muốn nói ở dây là những khu chợ ngoài trời, mà chúng ta vẫn quen gọi chung là "chợ trời".Thật ra chợ trời ở Paris không phải chỉ là các khu chợ bán đồ cũ. đồ rẻ tiền, kém chất lượng như chúng ta vẫn nghĩ. 
Ở đây có những khu chợ mà người ta đem bán những sản phẩm tươi sống mới thu hoạch từ những vùng ven Paris, mà chúng ta sẽ khó có thể tìm thấy trong siêu thị.Và đương nhiên, giá cả vì thế cũng không rẻ chút nào.
 Cũng có những khu chợ không bán thức ăn mà chủ yếu bán đồ điện tử, quần áo, chén dĩa...có khi là đồ cũ, nhưng đa số thì vẫn còn trong hộp mới tinh. Paris còn có những khu chợ đồ cổ đông nghịt người.
 Ðúng vậy, thật kỳ lạ, thật khó tin khi có ...quá nhiều người quan tâm đến đồ cổ như thế! Mà Paris đâu phải chỉ có một vài khu chợ đồ cổ mà rất nhiều, nhiều đến nỗi dù có ở Paris suốt 1 năm ta cũng không thể đi hết đươc. Vậy mà không có chợ nào vắng vẻ hết.
 Nguyên nhân một phần cũng vì chợ đồ cổ thường được tổ chức vào cuối tuần ngày mà ai cũng muốn ra ngoài sau cả một tuần làm việc căng thẳng,(một ngày làm việc thường kết thúc rất muộn, nên không còn thời gian ra ngoài như người VN).
 Và có những khu chợ chỉ tổ chức vào những khoảng thời gian nhất định trong năm, được quảng cáo khắp nơi và được người dân chờ đợi . Có gì trong những chợ trời đồ cổ đó?
 Dĩ nhiên là đồ xưa, đồ cổ rồi. Nhưng cũng có thể là đồ cũ, đồ giả cổ hoặc là đồ mới 100%, nhưng chúng đều phải ít nhiều mang tính mỹ thuật.
 Người ta vẫn thường bỏ ra cả trăm euros cho 1 chiếc lọ thủy tinh mới nhưng mang nét mỹ thuật cao. Nếu không kể những du khách hiếu kỳ, thì những người đến với chợ trời đồ cổ thường là những người hay sưu tầm, chuộng mỹ thuật và thích cái xưa. Ðương nhiên họ cũng có thể tìm đến những tiệm đồ cổ "trong nhà" chứ không cần ra "ngoài trời" như ở đây.
 Nhưng khó có tiệm đồ cổ nào phong phú hàng hoá và giá cả "dễ chịu" như ở đây.
 Nói vậy chứ cũng không rẻ tí nào, nhất là dưới con mắt người Việt Nam. Chúng ta có thể tìm được những cuốn sách từ đầu thế kỷ 19, những bức tranh trước năm 1800, hay những bộ đèn treo, những bộ bàn ghế , tủ kệ, những bộ ly tách, chén dĩa ...cả trăm năm tuổi mà vẫn sáng loáng và không kém phần sang trọng. 
Ta cũng có thể bắt găp những món đồ có xuất xứ Châu Á. Chúng thường khá "non" tuổi, như các món đồ sành sứ xanh trắng hay ngũ sắc từ Trung Hoa Dân Quốc trở về sau, hay những món đồ sứ Nhật in rập vẫn thường thấy ở VN. 
Cũng như nhiều nơi buôn bán đồ cổ khác trên thế giới, ở đây cũng không thiếu loại đồ giả cổ: từ sành sứ, pháp lam Trung Hoa đến tượng Phật Thái Lan, tượng gỗ Indonesia, đồ nữ trang của thổ dân ... Có lẽ người Pháp có "máu" sưu tầm, có khi là những vật nhỏ nhặt như những cái móc khoá, tem, bưu thiếp...thậm chí người ta thích đến chợ đồ cổ để mua...rượu! Những chai rượu vang (Vin-rượu chát) của những vùng nổi tiếng nhất như Bordeaux, Côtes du Rhône, Médoc...được cất đưới hầm rượu từ mấy năm trước, nay đem lên bán. Mỗi thứ một ít...vài chục chai sản xuất năm 1994, 1995...cho đến tận những năm 1982 hay lâu hơn nữa. Dĩ nhiên giá cả còn phụ thuộc vào loại rươu, nhãn hiệu và mức độ "cổ" của chai rượu.
Người Pháp sành về ăn uống, chuộng cái đẹp cổ kính, thích mỹ thuật, và hơn hết họ biết giữ gìn vốn văn hoá của mình.
 Cũng vì thế mà chính phủ không ngăn cấm việc buôn bán ngoài trời, ngược lại còn tổ chức, phân luồng giao thông để người dân đi chợ thuận lợi hơn. Nhiều nơi còn được miễn giảm thuế, có lưc lượng bảo vệ an ninh...Do đó chợ trời càng ngày càng phát triển, mở rộng cả về không gian lẫn thời gian họp chợ. Và đi chợ trời từ lâu đã trở thành một hoạt động không thể thiếu cùa người dân Pháp và là một nét văn hoá rất sinh động của Paris. 

t/g Hirondelle.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét