Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

BẮC GIANG

Chiều, trời lại mưa lất phất. Chúng tôi lần ra bến xe cạnh chợ Đồng Xuân để đi Bắc Giang. Người tài xế cho biết đây là chuyến chót. Xe đã nổ máy nhưng chưa chạy, có ý chờ thêm khách. 
Thực ra xe cũng đã đầy, trong xe lổn chổn đủ thứ hàng hóa. Tôi chỉ mong xe rời bến cho đỡ ngột ngạt, vì ngồi trong cùng như nhốt trong rọ. Lên xe ai cũng dành ngồi ngoài cho thoáng. Tiếng anh lơ xe giục :- Nhanh lên cô ơi.Một người phụ nữ bước lên. Xe lăn bánh.- Vào trong.- Vào nữa.Ai cũng nghiêng mình cho người khách len vào. Cuối cùng là tôi, tôi ép mình sát vào góc thành xe để có một chỗ cho người mới lên.
 Dù biết mình sẽ khó thở hơn nhưng chẳng lẽ tôi cũng đẩy người ta vào nữa sao.
 Vừa ngồi xuống, cô khách gật đầu chào nhẹ như có ý cảm ơn tôi. Cô còn trẻ, khoảng 30 là cùng.
 Hẵng còn làn da con gái. Chiếc mũi thon cao, đôi mắt không lớn nhưng rất sáng, làn mi dài tự nhiên, những sợi tóc không kẹp, rơi xuống bên má, một khuôn mặt nhẹ nhàng khả ái.
 Tôi nghe rõ hơi thở của nàng, có lẽ do anh phụ xe thúc hối. Qua cầu Long Biên, gió từ sông Hồng thổi lên, không khí trong xe thoáng hơn.
 Tôi cố nghiêng đầu ngắm cảnh bên ngoài. Tự nhiên thấy có một hơi ấm êm đềm đâu đó.
 Lúc xe chạy qua một cánh đồng lúa xanh, tôi quay sang hỏi người con gái (bây giờ thì rõ người khách chưa phải đàn bà, vì ngón áp út tay trái vẫn còn bỏ ngõ):

- Cô cũng đi Bắc giang ?

- Thưa vâng.

- Đây là cánh đồng Bắc Ninh phải không cô nhỉ ?

- Thưa đúng đấy ạ.

- Chà, thế là tôi đang đi qua quảng đường ngày xưa của Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên đây.

- Ông bảo gì?

- À, tôi nói "con đường ngày xưa" ..

- Ngày xưa sao ạ?

- "Ngày xưa em đi", tôi nói đùa, xin lỗi cô.
Nghe lối lịch sự của tôi, cô gái mĩm cười. 

 Tôi lại thầm luận đoán: “Cô không biết Hồn Bướm Mơ Tiên thì chưa chắc đã được ba mươi”. Cánh đồng lúa xanh mướt, chạy tít tận chân trời.
 Dọc bờ ruộng đôi em bé đang cho trâu bò gặm cỏ, vài con cò trắng nhởn nhơ. Cảnh buồn hiu, không vui như cảnh đồng lúa chín trong truyện của Khái Hưng:

Hỡi anh đi đường cái quan,

Dừng chân đứng lại cho em than vài nhời.
Công việc đã có chị tôi ở nhà.

Đúng là gái Bắc Ninh không phải vừa. Bổng cô khách hỏi tôi :- Thưa ông đi Bắc Giang chơi, hay có việc ?- Sao cô biết tôi đi chơi ?- Vì ông không phải người vùng này.Tôi cười và hỏi lại :- Cô chắc như thế ?- Vâng, ông đã không biết mình đang đi qua địa phận Bắc Ninh. Ông lại mãi mê ngắm cảnh thì hẳn là từ phương xa đến.

Tôi thầm nghĩ, cô bé này thông minh thật. Và cảm thấy vui vui khi có người gợi chuyện.
- Cảnh miền Bắc đẹp như trong truyện cô nhỉ.
- Vâng, lên vùng cao như Lạng Sơn, Sapa, cảnh còn đẹp hơn nhiều.Xe chồm qua một ổ gà, cô gái chúi người vào tôi. Câu chuyện trở nên tự nhiên thân mật làm cho lộ trình ngắn lại. - Thưa ông đi một mình ?
- Vâng, tôi có người quen ở phố Ngô Quyền.- Em cũng ở gần đấy .Thế là câu chuyện có đà ngon trớn như xe bon bon trên đường. Tôi nhớ mang máng cô bạn kể nhiều chuyện về cuộc sống của mình, giọng càng lúc càng thân mật, làm tôi xúc động thật sự. 
Thường những gì xa lạ mới mẻ cũng làm cho ta dễ động lòng. Kết thúc đoạn đường tâm tình cô nhìn tôi:- Ông thấy sao khi đến những nơi xa lạ như xứ Bắc Giang hiu quạnh này?
- Như cô biết, tôi thích đi, mỗi chuyến đi đều cho tôi những điều mới mẻ.- Tôi muốn biết ý nghĩ của ông, cụ thể về con người.Tôi cảm thấy mình như người học trò trả bài cô giáo.
 Vừa thích thú vừa phải đắn đo. Trả lời khách sáo, có nghĩa là nói tốt chung chung thì thường quá. Làm sao gói ghém được ẩn tình của câu hỏi mới "đạt". Khó chứ chẳng chơi. Mãi một lúc tôi nói như gợi thêm tình:- Người ta thường ca tụng "giang sơn gấm vóc", đất nước là "rừng vàng biển bạc", nhưng tất cả đều thông qua con người. 
Tôi muốn nói con người đẹp trước hết thảy. Khi một người thấy được giá trị những thứ chung quanh mình, người đó phải là tuyệt vời.Người con gái hơi cúi đầu xuống và như có tiếng cười khe khẽ. Tôi chờ kết quả câu trả lời của mình. - Phải là những người như ông chứ hạng như em chẳng qua chỉ biết qua sách vở mà thôi...
- Ấy, chính nhờ vốn liếng sách vở mà con người dễ gần gũi nhau, dễ nhận ra nhau cho dù sinh ra ở những nơi cách xa nghìn trùng.
- Đôi lúc em mơ hồ nghĩ thế, nhưng chắc gì người khác đã nghĩ như mình.Trời tối dần, cảnh vật xám đen. Trong xe không còn nom rõ mặt nhau.
 Xe không vào bến mà đỗ lại bên đường, cạnh một cột đèn ánh sáng vàng vọt. Xuống xe, tôi tần ngần đứng cạnh người con gái một lúc, cả hai muốn nói điều gì đó mà không biết nói gì. Đợi khi hành khách đi xong, tôi bổng đưa tay ra từ giã:
- Thôi, tạm biệt Tâm nơi đây ...Người con gái không kịp phản ứng đã đưa tay cho tôi bắt. 
Tôi giữ bàn tay nhỏ nhắn và ấm thật lâu.- Thế nào tôi cũng có dịp trở lại thăm Tâm...Tôi cố tìm vài lời để thời gian được nối dài thêm. Nhưng "khôn ba năm dại một giờ", lúc cần thật cần thì chữ nghĩa chạy đâu hết. Tôi buông tay nàng từ từ...Nàng yên lặng quay đi.
 Tôi chạy lại chỗ người bạn đang đứng chờ, nói mấy câu xin lỗi. Từ chỗ xuống xe về nhà trọ đi bộ chừng mươi phút. Trời đã sụp tối, đèn đường lù mù, đường vắng tanh y như ở một phố huyện chứ không phải thị xã. 
Thành phố Bắc Giang không lớn, chỉ có một phố chính là phố Ngô Quyền. Bắc Giang là nơi có nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống.
 Có gốm da chu làng Vẽ. Làng Vẽ còn gọi làng Thành, nằm ngay phía đông thành phố. 
Chuyện kể thời quân Minh bên Tàu tràn sang Cao Bằng Lạng Sơn, quân ta chống không nổi, từ biên giới rút về Bắc Giang và trong một ngày đêm đã dựng một bức trường thành cao lớn bằng hình vẽ. Quân Tàu tràn xuống thấy vậy tưởng gặp đại quân Việt Nam nên sợ rút lui.Ngày hôm sau nhờ bạn chỉ đường tôi đến thăm "lò gốm" ở xóm dưới không xa mấy.
 Con đường vào nhà lò đặc nét quê miền Bắc, lối đi lát gạch, nhà tường cổng xưa. Gọi là lò, thực ra, có mấy anh em trong nhà, xúm xít làm với nhau.
 Họ thật khéo tay, mỗi người một khâu, công việc thu gọn trong một túp lều nhỏ. Lò nung ở ngoài vườn. Đa số sản phẩm là tượng Phật và những chiếc bình nhiều dáng đẹp và lạ mắt. Anh Thơ ( thợ cả) cho biết khó nhất là khâu làm da chu. Đúng màu và màu không đổi sau khi nung, màu phải đều mới hay. Hỏi thăm “đầu ra đầu vào”, anh cho biết tạm sống qua ngày.
 Thỉnh thoảng có người trong Nam ra đặt, còn thì bán lẻ không được mấy.Bắc Giang còn có món bánh đa (bánh tráng) đặc biệt nổi tiếng : Bánh đa làng Kế. Mỗi buổi sáng các bà bày bánh nướng ngay bên lề đường vào thành phố để bán.
 Chiếc bánh to và dày, nướng rất đều lửa. Bánh phơi giữa bụi bặm nắng nôi, thế mà đến chiều bán sạch. Tôi lấy làm lạ về tên bánh nên hỏi người bạn:- Sao lại gọi Bánh Đa Làng Kế hả ông?- Thời trước làng Kế có một ông đỗ Trạng Nguyên, mà chỉ mỗi bánh đa làng ấy là ngon có tiếng.- Tôi nghĩ bánh đa làm cũng đơn giản thì đâu mà chẳng giống nhau ?- Ấy thế mà người ta vẫn truyền nhau, thi nhau mua, khách từ Hà Nội lên chơi, mua từng xâu đem về làm quà. Mấy ngày ở Bắc Giang, tôi gặp nhiều bạn trẻ “làm văn nghệ”, họ có cái nhìn rất thoáng, dù lúc ấy (1992) còn nhiều ngăn cách với thế giới bên ngoài. 
Tôi gặp Hoàng Kỳ, con trai của thi sỹ Hoàng Cầm tại nhà bác Minh Ngọc. Bác cho tôi nghe một đoạn của đài BBC phỏng vấn Hoàng Cầm về nhận xét bài thơ Lá Diêu Bông của Phạm Duy. Hoàng Cầm bảo mối tình có thật chứ không có ẩn ý như nhạc si họ Phạm suy diễn.Trọ nhà Bác Ngọc tôi được thưởng thức món vó bò chấm tương, ngon, ăn no mà không ngán.
 Miền Nam nổi tiếng nhậu lại không có món này.Bắc Giang có một ngôi chùa khá lâu đời : Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa tọa lạc tại xã Đức Lai nằm về Tây Nam thị xã Bắc Giang.
 Đây là ngôi chùa Tổ chính gốc, nhiêu nơi cũng có chùa Vĩnh Nghiêm nhưng đấy chỉ là tên gọi thôi. Hôm chúng tôi đến vãn cảnh, chùa vắng tanh, xin vào xem người giữ chùa không cho, bảo Đại Đức Trụ Trì về quê chưa lên. 
Đang hỏi chuyện lanh quanh thì có tiếng xe Honda chạy vào. Hai thanh niên mặc áo nâu sòng đèo nhau, người ngồi sau ôm con gà trống khá lớn. 
Vừa xuống xe họ đã to tiếng quát tháo bà già đang bằm rau heo. Chúng tôi được ông già giới thiệu với Đại Đức Trụ Trì (người mới chạy xe vao), Đại Đức còn trẻ, giọng ái nam ái nữ. Tôi chào hỏi sơ rồi xin phép vào thăm chùa. Chùa có từ 300 năm, một kiến trúc cổ. Mái chùa bốn góc cong vút lên theo dạng mũi hài.
 Trong chùa, không nhang đèn, ánh sáng bên ngoài hắt vào mờ mờ, không khí lạnh lẽo hoang phế. Chánh điện thờ Tổ Trúc Lâm, và các ngài Huyền Quang, Pháp Loa.
 Bên phải chánh điện, một dãy nhà ngang làm nơi ở và tiếp khách.
 Trước nhà ngang che thêm mái phụ, kê một chiếc phản lớn. Ngoài cổng chùa có năm Bảo Tháp của năm vị Tổ đời trước. Chùa nhìn ra một cánh đồng, có vị thế rất phong quang.Nhưng chùa đã không được giữ gìn đúng mức, còn dùng mái chùa làm giàn trồng bầu bí, xem nhẹ giá trị lịch sử của một di tích.
Tôi dạo quanh một vòng trong khung cảnh vắng vẻ, ngoại trừ tiếng bằm rau heo đều đều của u già thay cho tiếng mõ. Tôi bồi hồi chợt nhớ đến sư cụ chùa Long Giáng, nhớ chú tiểu Lan trong Hồn Bướm Mơ Tiên. Lịch sử luôn luôn nói đến bốn ngàn năm văn hiến, song văn hiến đã không được gìn giữ còn để hao mòn tàn tạ dần.

                                  Trần Công Nhung

                         @@ tks t/g TCN. !! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét