Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

CHIỀU CHÚA NHẬT


 Tôi không biết cái ngày cuối tuần này goi là gì, Chúa Nhật hay Chủ Nhật, hay là cả hai chữ đều đúng. Tôi thì từ khuya đến giờ vẫn quen gọi ngày này là Chúa Nhật hàm ý ngày này là ngày của Chúa Giê Su mặc dù tôi không phải là con chiên của Chúa vì không phải tôi không có đức tin mà vì tôi lười biếng, không muốn đi xem lễ ngày cuối tuần.Tôi ngại nhất là đang ngồi lại lật dật đứng dậy, rồi đang đứng lại phải vội vã quỳ xuống. 
Thật là rắc rối cuộc đời!Thú thật cho đến nay, sau bao nhiêu năm học trường của các linh mục Thừa Sai mà dân Việt Nam ta thường có thói quen gọi là “Trường Đạo”, tôi vẫn không biết lúc nào thì được ngồi, khi nào thì phải đứng và khi mô thì phải quỳ.
 Năm thì mười hoạ, vì lễ nghi bắt buộc, tôi vào nhà thờ dự các thánh lễ mà cứ nơm nớp nhìn các tín đồ của Thiên Chúa để ngồi, đứng và quỳ theo họ cho đúng nghi thức.Tôi cũng gần như chẳng bao giờ đi Chùa dù các thiện nam, tín nữ Phật Giáo không bắt buộc phải đi Chùa ngày cuối tuần hay ngày Rằm, Mùng Một.
 Chẳc các độc giả của tôi tưởng tôi là kẻ vô thần. Không, tôi tin Chúa Giê Su và tôn kính Mẹ Maria vì tôi thuộc lòng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng.
    Thời gian tôi ở trại tỵ nạn Galang bên Nam Dương, đêm nào tôi cũng đứng trước tượng Đức Mẹ trước sân nhà thờ đảo Galang   để đọc kính Kính Mừng, cầu xin Đức Mẹ cho gia đình tôi nhanh chóng được định cư nơi xứ Cờ Hoa.Tôi cũng thờ Phật trong lòng, (Phật tại tâm!) vì tôi thuộc bài chú Lăng Nghiêm và hằng ngày vẫn trì tụng bài chú này.
Tôi lằng nhằng tự giới thiệu “đạo đức” của tôi để nói về ngày Chúa Nhật hay chính xác hơn là chiều Chúa Nhật.
 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã viết một ca khúc mang tên: “Chiều Chủ Nhật buồn” trong lời ca có câu: “Chiều Chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu…” Không biết tôi trích dẫn có đúng không.
 Mà đúng hay sai thì cũng không thành vấn đề vì tôi có viết ngâm cứu hay khảo cứu về nhạc Trịnh Công Sơn đâu mà phải thận trọng từng chi tiết.
Với lại Trịnh Công Sơn cũng đã có thời gian học cùng trường cùng lớp với tôi, dù là một thời gian rất ngắn thì tôi có trích dẫn sai lời nhạc của anh ta, tôi nghĩ cũng không thể bị “hắn ta” trách móc gì thằng bạn đã thích nhạc của hắn mà không nhớ rõ lời.

 Chẳng phải tôi “thấy sang bắt quàng làm họ” vì chính thực là tôi có biết Trịnh Công Sơn dù không thân thiết gì vì Sơn nổi tiéng như cồn mà tôi thì chẳng ai biết mặt nghe tên.Trịnh Công Sơn không phiền trách gì tôi nếu tôi trích dẫn sai lời ca của Sơn vì Sơn nay đã là người thiên cổ. Nhưng đã có lần Trịnh Công Sơn trách tôi vì đã không “tranh đấu” cho ông em rể của Sơn cùng dạy một trường với tôi tại Huế. 
Ông này được dân Thần Kinh biết tiếng là thiên Cộng. Một hôm ông ta không đến trường và được xem như là mất tích vì chẳng ai biết tin gì về ông ta. Nhà trường nghĩ là ông ta đã đi vào “bưng”.
 Một số người trong đó có Trịnh Công Sơn nghĩ là ông giáo sư N.K. này đã bị công an cảnh sát VNCH thủ tiêu. 
Cho đến nay vẫn chưa thấy tài liệu khả tín nào nói về sự mất tích của N.K!
 Lúc bấy giờ, tình cờ tôi gặp Trịnh Công Sơn đang ngồi xem Tennis tại Câu Lạc Bộ Thể Thao Huế.Tôi còn nhớ rõ Sơn đã nói đại khái: Tụi mầy hèn! Một thằng bạn đồng nghiệp mất tích mà không hề lên tiếng “tranh đấu“để tìm ra sự thật.Tôi mĩm cười bảo thẳng với Sơn:
 Mầy nổi tiếng khắp nước, mầy có một hậu thuẫn văn nghệ sĩ, sao mày không tranh đấu bảo vệ N.K. vừa là một văn nghệ sĩ vừa là em rể của mày. 
Tau chỉ là một công chức quèn, tau làm được gì trong trường hợp này nếu không muốn bị buộc tội thân Cộng như N.K. để rồi mang thân tù tội một cách oan ức vì tau không thân Cộng. 
Từ lần đó nói chuyện với Trịnh Công Sơn tôi không còn gặp lại anh ta cho đến lúc anh ta được nhà cầm quyền ỏ Saigon tổ chức đám tang thật trang trọng, nổi đình, nổi đám.Vừa rồi tôi lại nghe tin  tên Trịnh Công Sơn đặt cho một tên đường ở Huế vùng Gia Hội. Không hiểu nổi!
  Tôi không đồng chính kiến với Trịnh Công Sơn nhưng tôi có một nỗi buồn giống Sơn về ngày Chúa Nhật. Cùng một nỗi buồn nhưng tính chất không giống nhau, nguyên do hoàn toàn khác biệt. 
Trịnh Công Sơn buồn vì cô đơn, nằm trong căn gác đìu hiu, buồn vì thân phận hữu hạn của con người, buồn vì con người sinh ra đã bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử. 
Sơn buồn vì thể xác không tráng kiện, “ngón tay gầy guộc nhỏ”, ngày tháng “xanh xao” nên bù lại đầu óc Sơn phong phú lời thơ, tiếng nhạc. Đấy là nỗi buồn lãng mạn, nỗi buồn thường khi vô duyên cớ, nỗi buồn mà văn nghệ sĩ thuộc trường phái lãng mạn thường vương mang, “tôi buồn không biết vì sao tôi buồn” hay nỗi nhớ dịu êm, bỗng dưng mà nhớ mà thương không đối tượng nên: “Tôi gọi tên tôi cho đở nhớ.”vv ...
Riêng tôi, con người trần tục, không thanh cao, không “nghệ sĩ”, không làm dáng trí thức, nên nỗi buồn của tôi vào những buổi chiều Chúa Nhật rất tầm thường: Ngày xa xưa , tôi là học sinh nội trú “trường đạo”.
 Suốt tuần, từ thứ Hai đến chiều thứ Bảy tôi cùng bạn bè vui đùa, ăn, ngủ, học hành trong một kỷ luật khắt khe.
 Đúng giò chơi mới được ra sân chơi đùa với bạn bè, mỗi học sinh nội trú phải biết chơi ít nhất một môn môn thể thao.Nếu vào giờ chơi mà cứ tà tà đi loanh quanh trong sân trường là “có chuyện ngay với giám thị. 
Đến giờ ăn mới được vào phòng ăn. “Nhà bàn” của trường cho ăn món nào thì dù nuốt không trôi cũng phải nhai, phải nuốt. Chưa muốn ngủ nhưng đến giờ ngủ thì cũng phải lên giường dỗ dành giấc ngủ: một con cừu, hai con cừu, ba con cừu… đếm miết cho đến lúc nào mệt thiếp rồi đi vào giấc ngủ. 
Đến giờ vào phòng học là phải vào ngồi học bài hay làm bài (mà ngày nay gọi là homework) dù bài vở đã thuộc lòng như cháo, homework thì đã làm xong đâu vào đấy hẳn hoi.Thế có bực mình không cơ chứ?
 Không có giờ học nào buồn nãn bằng giờ học chiều Chúa Nhật! Học sinh nội trú chúng tôi chỉ được phép về thăm gia đình ngày Chúa Nhật. 
Các học sinh ở ngoại tỉnh muốn ra khỏi trường ngày Chúa Nhật bắt buộc phải có một người bảo lảnh đã ghi danh trong hồ sơ của học sinh mà nhà trường gọi là “Correspondant”.
  Người bảo lãnh này phải ký vào giấy ra trường chứng nhận rằng học sinh mình bảo trợ đã có đến nhà của mình trong ngày Chúa Nhật
. Chỉ là một vấn đề hình thức vì học sinh chỉ cần tạt ngang nhà người “correspondant” nói dăm ba câu để xin chữ ký về trình lại với nhà trường, sau đó thì tha hồ la cà bất cứ nơi đâu. 
Ngày Chúa Nhật, do đó là một ngày thần tiên đối với lũ học sinh nội trú chúng tôi. Về thăm gia đình được Mẹ cho ăn những món ăn khoái khẩu, được cưng chiều, han hỏi công việc học hành trong tuần vừa qua.
 Nếu lại mang về trình cha mẹ một học bạ được lời phê tốt của các giáo sư thì tha hồ mà vòi vĩnh tiền thưởng hay quà cáp. Còn gì vui thú, hạnh phúc bằng một ngày nô đùa tự do, quên bài vở, phấn trắng, bảng đen, quên kỷ luật khắt khe của nhà trường, không có đôi mắt “xoi mói” nghiêm khắc của thầy giám thị trong nội trú! 


Và vì thế mà chiều Chúa Nhật, lục tục kéo nhau về lại trường để sống trong khuôn khổ, kỷ luật, thật không có gì buồn chán bằng! Việc trước tiên là phải vào phòng học để chuẩn bị bài vở cho ngày thứ Hai, bắt đầu một tuần mới, chăm chỉ học hành để khỏi phụ lòng Cha Mẹ đã gửi gắm vào trường nội trú.Ngồi trong phòng học mà tâm trí chỉ nghĩ đến ngày vừa qua đã sống thoải mái trong tình thương yêu của Cha, Mẹ, anh chị em. Thương nhớ đầy vơi!
Tiếp sau buổi học buồn chán là thánh lễ cuối tuần.
 Trong không khí trang nghiêm, trong bóng tối âm u của giáo đường đêm Chúa Nhật, giọng nói trầm trầm của vị linh mục rao giảng lời Chúa đã làm tăng thêm nỗi buồn trong tôi, một nỗi buồn vô duyên cớ có đôi chút hơi hướm lãng mạn.
 Tôi nhớ là chiều Chúa Nhật nào tôi cũng lòng buồn rười rượi, nước mắt chỉ chực tuôn rơi.Nỗi buồn này đến với tôi suốt những tháng năm ở trường nội trú.
 Không biết vì tôi đa cảm, đa sầu hay vì tôi lười biếng học hành hay tại tính tình tôi phóng khoáng, ưa thích tự do bay nhảy theo ý muốn chứ không muốn phải khép mình trong vòng kỷ luật.
Chiều Chúa Nhật đối với tôi là một nỗi buồn triền miên, một “bất hạnh” khó thể nguôi ngoai. Và do đó mà tôi chỉ ở nội trú một vài năm rồi năn nỉ 
Mẹ tôi cho ra khỏi nội trú với lời hứa chắc như đinh đóng cột rằng tuy là học sinh ngoại trú nhưng hàng tháng tôi sẽ mang về “thành tích biểu” với thứ hạng cao trong lớp. .Sau này lúc rời khỏi ghế nhà trường, lao vào trường đời, tôi những tưởng tôi sẽ không còn chịu đựng nỗi buồn chiều Chúa Nhật. Nhưng tính nào vẫn tật nấy, nỗi buồn chiều Chúa Nhật vẫn bám riết tôi.
 Một phần vì đây là một thói quen đã bám rễ trong tôi và một phần khác, tôi phải thú nhận rằng do sự lười biếng của tôi. 
Sau 5 ngày làm việc hay nói một cách bi quan là đi cày để sinh nhai, hai ngày cuối tuần là hai ngày thần tiên để tôi sống thoải mái theo sở thích, không câu thúc, không ràng buộc, sống tự do, tự tại cho riêng mình.

 Tôi vui nhất là ngày thứ Bảy vì ngày Chúa Nhật thực sự bắt đầu từ ngày thứ Bảy và thứ Bảy thì còn cách ngày thứ Hai đầu tuần một ngày Chúa Nhật chứ không như Chúa Nhật là sát nách với ngày thứ Hai, bắt đầu cho 5 ngày cày để kiếm cơm.
 Ôi, hạnh phúc thay ngày thứ Sáu được lãnh lương, ngày thứ Bảy được vui chơi, nghỉ ngơi “thảnh thơi thơ túi rượu bầu” và buồn thay chiều Chúa Nhật chấm dứt những cuộc vui!
 May mắn thay, nỗi buồn chiều Chúa Nhật đã không còn đeo dính theo tôi kể từ lúc tôi quyết định về hưu non.

 Tôi sung sướng, tôi vui vẻ, tôi hạnh phúc một cách ích kỷ khi nhìn “bà chủ nhà tôi”, nhìn các người trẻ hơn tôi đang băn khoăn chuẩn bị cho ngày thứ Hai trong tuần.
 Đôi lúc tôi cười thầm khi nhớ đến một thằng bạn của tôi đã kết thúc bài luận văn bậc tiểu học tả cảnh trời mưa bằng lời tự thú đại khái là: 
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi đứng trong nhà nhìn những người đang dầm mưa, ướt át, lạnh lẽo”
Câu kết luận này đã bị thầy giáo phê: Ích kỷ!
Vâng, tôi ích kỷ thật vì không còn Chiều Chúa Nhật vương mang nỗi buồn!

                                    Hoàng Đức

                        @@ Ah, beautiful sunday ,lalalala!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét