Trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

BÌNH THUẬN, HIỀN HÒA .. ( t .theo )

 Lại có lắm thằng trở thành sĩ quan “lính nước”, có khi trục quay bị kẹt, quan lính hì hục kéo sợi dây xích mỏ neo to tổ bố đến phỏng cả tay.
 Có khi trời làm phong ba, con tàu chao đảo chồm lên hụp xuống, vì chưa quen sóng nước, chàng sĩ quan chạy không kịp nên bám cửa vói đầu ra ngoài để “hét ra cơm mửa ra nước” cả boong tàu. 
Phong ba bão tố không thể chìu theo, người “sĩ quan” đệ đơn xin phục vụ ở căn cứ, cấp trên cũng thông cảm cho về trên các giang đỉnh, hoặc thuyền trưởng để bớt bị sóng gió và không còn được hát bài Hoa Biển nữa. 
Tiếc đến thế thì thôi!
 Còn phần tôi cứ lầm lũi với nghề cạo giấy, mãi về sau mới tập tành làm thợ săn... tin và viết lách để cho đời bớt cô đơn!Bây giờ tôi với bạn thả bộ dọc theo đường Trưng Trắc, hai bên bờ sông là những dãy nhà sàn, ghe thuyền đậu san sát kéo dài tới bến cá Cồn Chà với hàng ngàn ghe thuyền đủ loại. 
Bên kia là bến Đông Hải, hàng ngàn ghe thuyền cũng chen chúc nhau. Đây là cửa biển, lối ra đại dương để hành nghề “hạ bạc thâu vàng”.Cũng như các vùng biển Việt Nam, ngư phủ Phan Thiết đi đánh bắt cá bằng nhiều dụng cụ và phương tiện khác nhau.
 Nghề bắt cá đi nổi thì có các loại lưới cước từ thân hai để bắt cá trích, cá mòi, cá lẹp.
 Hoặc lưới thân tư, thân năm để bắt cá cam, cá lầm, cá ngừ, cá thu... Ngư phủ chạy ra biển khơi, tùy theo con nước để bủa những dàng lưới dài từ một cây số đến bốn năm cây số. 
Neo ghe và chờ con nước đứng, ngư phủ kéo lưới lên, cá đóng đầy đặc, họ chỉ xủ lưới cho cá rơi xuống khoang chứ không thể nào gỡ kịp, khi về đến bến giăng lưới lên bãi cát và gỡ hết cá ra.
 Có khi làm không xuể, ngư phủ cho dân hôi cá lại gỡ lấy phần. Bạn có biết không mỗi chuyến đi như vậy thu hoạch cả tấn cá, đó là chỉ một ghe thôi mà bạn chịu khó nhân lên cho hàng trăm chiếc ghe đánh cá về như thế. Ngư phủ Phan Thiết còn đánh bắt cá bằng lưới chà, mỗi năm vào mùa có thể chở về hàng vạn tấn cá nục, cá lầm, cá bạc má, cá kình, cá chim trắng, cá chim đen, cá sòng, cá cam... 

Vào mỗi mùa đánh bắt cá, ghe thuyền ra vào tấp nập, trưa, chiều và cả đêm tối nữa. Những ngọn đèn măng xông, đèn điện phát ra từ bình ắc qui, hoặc kẹt quá thì đốt đuốc để đong cá.
 À, mà bạn có nghe bên này la “cò”, bên kia la “cò” và đôi khi có tiếng cãi vã nhau nữa không?
 Cãi lộn mà vui lắm bạn ơi! 
Bởi vì mỗi khi ghe đánh cá về, các ông bà đầu nậu xuống ghe, trao cho ông bà chủ ghe, có khi trao cho ông “chèo dọc”, còn gọi là tài công, một bó đũa hoặc bó thẻ. Không phải là “thẻ bài” đâu nhé, mà là thẻ làm bằng tre, giống như thẻ xin xăm vậy đó. 
Mỗi một lần đong cá vào thùng, đổ xuống xuồng cho đầu nậu thì hô lên một tiếng “cò” nghe đến điếc lỗ tai.
 Có nghĩa là mỗi tiếng “cò” là một thùng cá đã đong và đổ xuống xuồng, ông bà chủ ghe trao lại cho đầu nậu một thẻ. Cứ như thế cho đến khi đong hết cá, kiểm lại số thẻ thì biết số lượng đã là mấy trăm thùng cá. 
Rồi cứ hàng tuần, đầu nậu tính thành tiền, rồi chở hàng bao bố tiền đến nhà chủ ghe, và ngư phủ đếm tiền thoải mái. Còn nghề dã cào có hai phương cách là dã cào đôi bởi hai chiếc ghe cùng kéo một lưới dã.
 Nghề này cũng nặng vốn vì mỗi chủ ghe ít nhất phải có hai dàng dã, xấp xỉ cả triệu đồng, rồi dây cáp cũng không rẻ dưới nửa triệu. 
Đến mùa, thường từ tháng tư đến gần cuối tháng mười một thì hai chiếc ghe đã có giao kết với nhau, cùng ra khơi, thả lưới dã, cùng kéo mỗi bên một dây cáp, cùng một tốc độ để cân bằng mặt dã.
 Sau vài ba tiếng đồng hồ, cũng có lúc trời thương, một tiếng đồng hồ thôi. Hai ghe cùng quay lại, trục dã lên và xúc cá lên ghe.
 Lặt lựa xong thường cũng được vài chục giỏ cần xé cá, tôm, mực... mỗi giỏ có thể cân nặng hàng trăm kí lô. Nghề dã cào đôi thường đánh bắt được cá lù đù, cá phèn, cá đổng, cá mối và được rất nhiều loại hải sản ngon tuyệt như ốc giác, ốc gai, sò, điệp, tôm hùm, tôm vỗ, mực tuộc, mực nang, tôm thẻ bạc.
 Có khi đánh bắt xong chạy về đến bến, các loại hải sản này vẫn còn ngọ ngoạy, thả vào nồi nước sôi, vớt ra thì chỉ còn thấy lưu linh chờn vờn trước mắt. Nào hãy khà một tiếng rồi gắp miếng điệp, hay miếng ốc thái mỏng, hoặc con tôm nướng bỏ vào miệng để biết... sống cả một cuộc đời ngon ngọt.
Có nhiều phương cách đánh bắt cá của ngư phủ Bình Thuận nữa bạn ơi! Diễn tả cho hết thì rất là miệt mài, đành xin lỗi bạn.
 Tôi chỉ xin vắn tắt, ngư phủ ở đây còn nghề dã tôm, dã ruốc, lặn bắt sò huyết, sò lông với những số lượng tôi không thể cân được... và cuối cùng là nghề kéo lưới rùng, dàng lưới dài cả vài nghìn mét, được giăng ra bao vây một vùng biển, cách xa bờ có khi dăm cây số. 
 Mỗi đầu dây vài chục người, phăn kéo. Có khi cả nửa buổi mới kéo xong một vát rùng. 
Ôi chao, cá ve, cá cơm, cá mai trắng hếu, mỗi vát rùng gom được hàng tấn cá. Các loại này đặc biệt dùng để làm mắm nêm, nó ngon tuyệt cú mèo.
 Bạn thích ăn thịt ba rọi luộc cuốn bánh tráng rau sống không nhỉ? 
Hãy làm một chén mắm nêm trộn tỏi, ớt đâm nhuyễn. Bảo đảm bạn sẽ quên cả chất “cô-lét-tê-rô” để mà cuốn rau sống, trộn rau thơm, mấy miếng thịt ba rọi trong miếng bánh tráng và... chấm lia lịa!
 Có lẽ bạn khát nước lắm rồi phải không? Tôi đưa bạn đến một khu làm nước mắm điển hình của Phan Thiết dọc theo đường Huyền Trân Công Chúa.
 Vừa đi hết khúc đường chợ sắt, mà chợ này không có bán sắt, chỉ vì trước đây là những đoạn đường rầy xe lửa rồi thành cái tên bị thừa nhận đấy thôi. Những dãy nhà lều, hay còn gọi là nhà thùng rộng lớn san sát nhau. Trong đó có hàng trăm cái thùng được ghép bằng cây ván, rất kín không thể rỉ nước ra được. 
Chiều cao mỗi thùng khoảng bốn năm thước, đường kính có thể sáu bảy thước. Với một kích thước như thế, mỗi thùng có thể chứa đến mấy tấn cá.
 Mỗi một mùa cá, các nhà thùng vô cùng tấp nập, bận rộn vì người gánh cá, gánh muối ra vào nườm nượp.
 Các nhân công đổ cá vào thùng, trộn muối và chờ thời gian để rồi biến những thùng muối cá này thành nước mắm đủ loại. Từ nước mắm nhĩ, loại tuyệt nhất, rồi đến nước nhì, nước ba.
 Thì tiền nào của nấy đó mà! Cứ đến từng chu kỳ, hàng đoàn xe cam nhông nối đuôi nhau để nhân công nhà thùng chất những tỉn, những thùng sắt tây đủ các loại nước mắm để cung ứng cho Sài Gòn, các tỉnh Miền Đông và Cao Nguyên Trung Phần. Đây cũng chỉ là một đơn vị làm nước mắm mà thôi.

 Nếu kể ra hết các “nhà thùng” tại Phan Thiết, Thanh Hải, Hải Long, Phan Rí Cửa... thì chắc chắn tôi và bạn nếu có giỏi bơi lội thì cũng bị chết chìm vì khối lượng nước mắm này. Tại sao ở đâu đâu cũng đều khen nước mắm Phan Thiết ngon nổi tiếng.
 Mà theo tôi hiểu vì là lượng cá do ngư dân đánh bắt về còn tươi xanh, lại nhờ muối sản xuất từ nước mắm thiên nhiên, không pha chế hóa chất, và dĩ nhiên cũng nhờ bàn tay của những người biết muối cá và chế biến thành mắm nêm hay các loại nước mắm khác nữa.
 Đặc biệt thêm nữa, nối sau các nhà lều, nhà thùng chế biến nước mắm thì cũng tại đây của Phan Thiết còn có một nhà máy sản xuất cá đóng hộp tương đối tối tân của thời điểm thập niên 60. 
Như đã trình bày ở trên, khối lượng cá đủ loại do ngư phủ đánh bắt về hằng hà vô số. 
Cá được vận tải cung ứng cho Sài Gòn, Miền Đông, Miền Cao Nguyên Trung Phần vẫn không hết, hàng trăm ngàn tấn cá để biến chế thành nước mắm vẫn không xuể và do đó nhà máy đóng cá hộp này cũng phải hoạt động quanh năm, và phần nhiều là xuất cảng đi các nước.
 Để khối lượng cá ngoài biển khơi còn chờ ngư phủ Bình Thuận chở về, để nuôi người dân no ấm và giàu có.Đối diện với quán nước sinh tố này là ấp Vinh Phú, một nơi mà tôi đã được thân sinh ấp ủ, nuôi dưỡng dạy dỗ thành người từ ngày di cư vào Miền Nam Việt Nam năm 1955. Ấp Vinh Phú được thành lập từ thời đó trên một bãi cát ven biển.
 Vinh Phú có một ngôi Thánh Đường uy nghi, đồ sộ với ngọn tháp chuông cao đến năm mươi mét, và... tôi có quá nhiều kỷ niệm ở đó.
 Đến một lúc nào, tôi sẽ kể bạn nghe, dài lắm... cả những chuyện “ma”. Những câu chuyện truyền tụng “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận”, bạn đã nghe hết chưa? 
Thôi để một đêm tối trời có mưa dầm gió hú, tôi sẽ kể cho bạn nghe.
 Trước mắt chúng ta đó là bãi biển Thương Chánh, nó không được đẹp lắm. Nhưng là một nơi mà dân thành phố không thể thiếu, nhất là vào mỗi mùa hè.
 Thương Chánh được che kín bởi những cây bàng cành lá vươn giăng như một ông khổng lồ mà ánh nắng mặt trời có khi phải ganh tuông. 
Phía đồi cát là “Đài Khí Tượng” với những trụ “ăng ten” cao ngất nghểu. Đi thêm ra nữa, bãi cát vàng trải rộng và từ cồn đá mọc dọc theo triền nước trông nó hấp dẫn làm sao! Người người chen chân từ cụm đá này nhảy lên ghềnh đá khác. 
Sóng biển mùa êm phủ lướt giòng nước mặn mát lên đôi bàn chân, cũng có lúc sóng giỡn đùa hất tạt lên ướt mặt và tiếng cười khúc khích vọng lên.
 Trên làn nước êm êm mát rượi là cả một khối người nô đùa bơi lội hoặc nằm phơi mình trên bãi cát. Những bụi phi lau, có kẻ gọi là cây dương cũng đủ che ánh nắng cho những anh chị thích tự tình và... chong mắt ra biển cả để nhìn chiếc thuyền trôi nổi theo từng đợt sóng.Bây giờ tôi và bạn đang ở Tuy Phong, phố quận cuối cùng của tỉnh Bình Thuận. 

Ở đây quán chợ sinh hoạt cũng rất tấp nập và bến thuyền ở đây cũng ồn ào vào những buổi ngư dân đánh bắt cá trở về. Chúng ta ghé dãy sạp bên hông chợ, ăn một tô “bánh căng” để thấy nó khác hẳn mì vịt tìm, phở bắc... đây là món ăn rất bình dân, làm bằng bột gạo, nhưng nó khoái khẩu vô cùng.
 Ta cứ thủng thỉnh để cô hàng bánh đổ bột vào những cái khuôn đúc bằng đất sét nung.
 Trong cái “nồi đất” ấy là lửa than đang đỏ rực.




 Chờ bánh hơi sém vàng một chút, cô hàng quán sẽ xoáy ra bỏ vào tô, bạn cứ chan nước kho cá, hoặc nước mắm tỏi ớt. Ăn miếng bánh trong miệng với vị cay, mằn mặn, chua chua cứ tưởng rằng ăn một món gì cao lương mỹ vị. Đây là một lối biến chế đặc sản của Tuy Phong đó bạn. Miếng bánh mới đúc sém vàng nóng lắm phải không? Nhìn kìa, cô hàng quán đang đỏ hừng đôi má, có lẽ bạn ăn vội vì quá bắt miệng phải không? 
Nấu nướng cũng rất là văn hóa đó.
 Biết gia giảm, biết hòa trộn, biết làm cho người ăn ham mê là cả một nghệ thuật.Long Hương trước mặt chúng ta đó, mấy trăm nóc gia ở đây chỉ sống duy nhất bằng nghề đánh bắt cá, bằng ghe lưới chài, bằng thúng giăng lưới cước và kéo giàng rùng. 
Bà con ở đây rất hiền lành, chất phác và rất là hiếu khách. Dù bạn là người xa lạ họ gặp và chào hỏi vồn vã, nhất là gặp lúc họ đang ăn cá hấp, gỏi tôm hùm, cá ngừ nướng lửa than và những lít rượu đế, rượu nếp than, cũng có cả bia con cọp nữa.
  Nếu rảnh rang thì cũng nên nhập cuộc cho vui. Ngoài xa kia là những dãy đồi cát nối chân nhau dài thăm thẳm. Nơi đây đã được nhiều nhiếp ảnh gia đưa những bức hình nghệ thuật vào nền văn học Việt Nam mà chúng ta đã từng thấy những bức hình, mà chúng tôi không thuộc hết các chủ đề của các nhiếp ảnh gia, nhưng đại để như dấu chân trên cát, quang gánh qua đồi, trượt dốc, gợn sóng trên đồi cát...
 Chạy dài theo bờ biển, những đồi cát vun cao, có đồi cát trắng xóa, có đồi cát màu trắng ngà. Đứng trên những đồi cát này chúng ta mới thấy con người nhỏ tí như những hạt cát nhưng đam mê như ở một sa mạc bao la, vào mùa hè gió biển phây phây thổi.
 Đứng trên những đồi cát này ta cảm thấy tâm hồn như chơi vơi, trắng xóa, không tì vết bụi trần. Đôi khi nó vắng lặng, im lìm như ở một chốn linh thiêng của trời đất.
 Ở cuối đỉnh đồi cát bên kia, những đứa trẻ chạy theo các chàng thanh niên đang nới những sợi dây cho con diều vút cao và tiếng sáo vi vu cả một vùng trời xanh.
 Tuột xuống khỏi những đồi cát cao ấy, chúng ta chạy theo những chàng thanh niên và bầy trẻ dễ thương đến những dãy ghềnh đá bao vòng một vùng rộng lớn, nhảy nhào xuống vùng nước biển trong veo, chúng ta có thể thấy những con tôm hùm đang cong đuôi bám vào tảng đá, có lẽ chúng đang say mê gặm rong rêu hoặc những con hàu. 
Chúng ta cũng có thể thấy từng bầy cá hanh, cá mú đá đang lao vút rượt đuổi theo con mồi.
 Mùa hè ở đây rất lý tưởng cho những ai thích thú lội trên mặt nước để nhìn những cảnh trí ấy vì nước xanh trong như cả một khối thủy tinh.
Những đồi cát ở đây cũng bị truồi phủ lấp các chòm cây nhưng vẫn không làm cho dãy đồi mòn thấp vì vào mùa gió chướng từ hướng bắc bồi cát lên cho đỉnh đồi.
 Mỗi mùa gió bấc ấy, chúng ta đi trên những dãy đồi này phải vén tà áo che mặt để cát khỏi bay vào “cửa sổ linh hồn” vì gió mạnh thổi cát từ bãi biển vung lên.
 Nếu bạn mặc quần áo cụt sẽ cảm thấy hơi ran rát như bị muỗi vắt chích.
 Mà không phải đâu, đó là những hạt cát tí ti bị gió thổi mạnh bắn vào tay chân bạn đấy thì thử hỏi làm sao việc của thiên nhiên tạo hóa lại có thể để cho những đồi cát ấy bình địa được!
Tôi nhớ thương trìu mến Bình Thuận quá đi thôi! Con người thì hiền lành chất phác mà đất đai khí hậu như những tấm lụa là êm ái ru người.
 Hai mươi mấy năm rồi, vừa phải trốn nhui trốn nhủi những kẻ say máu chiến thắng, vừa bị giam hãm chốn lao tù, lại dài thêm những tháng năm lưu vong nơi xứ tình người khô cằn như dãy sa mạc Nevada.
 Bây giờ về lại chốn đó ư? 
....Tôi khao khát một ngày nào bọn sơn tặc, hà bá tiêu tan, tôi sẽ về quê tôi, Bình Thuận, Việt Nam để ăn những con cá, ốc, tôm, mực tươi xanh.
 Tôi sẽ say mê những dĩa “lòng heo bánh hỏi Phú Long”.
 Tôi sẽ ra lầu Ông Hoàng để tìm lại mảnh đời thơ ấu và tôi sẽ chạy ra Long Hương, leo lên những đồi cát, lấy hai bàn tay bụm lại làm ống loa hú gào đồi núi, trời đất sông biển bao la hãy cùng tôi hát bài quê hương hòa bình tự do và no ấm!

                           HOÀNG ÂN PHẠM LƯU VONG

                                 @@ ,tks t/g ,hay qua'!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét