Trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

BÌNH THUẬN, HIỀN HÒA NHƯ TÊN GỌI

Gia đình chúng tôi, người thì mang những mo cơm vắt sẵn, kẻ thì khiêng những khúc bương chứa đầy nước lạnh. Nhỏ bé như anh em tôi thì ôm những cục đường tán hoặc mật ong, âm thầm lặn lội xuống thuyền.
 Bố tôi cùng những người lớn kẻ chèo, người chống cho đến khi chiếc thuyền rời khỏi cửa Vạn Phần và kéo buồm xuôi theo cơn gió.
 Gần hai tuần lễ lênh đênh trên biển cả với sóng đập gió gào, chiếc thuyền buồm mỏng manh có lúc như gần bị nhận chìm xuống lòng biển cả.
 Chung quanh toàn là biển cả mông mênh, không định hướng được đâu là bờ bến. Tất cả mọi người chỉ còn biết phú thác định mệnh cho Trời.
 Cuối cùng thì cho dù chiếc thuyền bị nhận chìm ở cửa Thuận An, nhưng chúng tôi được người dân Huế hết lòng cứu vớt lên bờ được mọi sự bình an.
 Từ đó chúng tôi thoát ra khỏi vùng đất cay nghiệt , nơi mà các ông vô thần đang tiến chiếm.Sau khi tạm cư tại Huế được ba tháng, rồi như tuân theo Thiên ý, bố mẹ tôi quyết định xuống Miền Trung để tìm nơi lập nghiệp.
 Chuyến xe lửa từ Huế chở hàng ngàn người, trong đó có gia đình chúng tôi đến ga Phan Thiết.
 Sau khi từ giã bà con và những người đồng cảnh ngộ di cư tìm đất sống, chúng tôi được chính quyền chuyển đến làng Vinh Phú, và cuối cùng bố tôi “nhận nơi này làm quê hương thứ hai” để tái tạo cuộc sống mới, dù nơi đây rất hoàn toàn xa lạ.
Cho đến hôm nay, sau hơn hai mươi năm xa rời mảnh đất, mà nơi đó nhờ công ơn cha mẹ cần cù hy sinh nuôi dưỡng, nhờ cơm cá, nhờ phong thổ của Bình Thuận mà tôi được khôn lớn và hãnh diện làm người Việt Nam.
 Dù có thể nhiều phần không đúng khi muốn nhắc đến một nơi mà tôi đã thọ ơn, nhưng tôi vẫn muốn viết lại một nơi mà tôi yêu quí trong cuộc đời.
Bình Thuận, một tỉnh thuộc duyên hải Trung phần Miền Nam Việt Nam, nằm dọc theo Quốc Lộ số 1, cách Sài Gòn 195 cây số về hướng Bắc.
 Thời chế độ Tự Do, tỉnh Bình Thuận gồm có các quận là Hàm Thuận, Thiện Giáo, Hải Long, Sông Mao, Hòa Đa, Phan Rí, Tuy Phong... và phải công tâm nhìn nhận rằng người dân Bình Thuận vô cùng hiền hòa, chất phác và bao dung đúng như tên gọi của đất Bình Thuận. 
Bởi vì chỉ cần nói đến từng danh xưng của mỗi quận, mỗi xã, mỗi làng thì chúng ta nghe toàn những từ ngữ êm ái, dịu dàng.
 Bình Thuận lại còn là một vùng đất đầy danh lam thắng cảnh như bờ biển Hải Long, Lầu Ông Hoàng, Mũi Cà Ná, Ghềnh Đá Long Hương, Đảo Phú Quý, Bãi Thương Chánh và, nhiều, nhiều lắm.
    Bạn có thể thấy Bình Thuận là một vựa lúa khổng lồ cò bay cũng phải mỏi cánh bởi nó trải dài từ quận Hàm Thuận, vòng lên quận Thiện Giáo, xuyên lên tận Sông Mao, tràn xuống Hòa Đa,     chạy thấu mạn tây bắc Tuy Phong. 
Chẳng những lúa gạo mà cả đến mọi thứ ngũ cốc khác như khoai lang, khoai mì, đậu xanh, đậu phộng, bắp, dưa hấu... và không những nuôi dân Bình Thuận mà còn nuôi dân Miền Trung no ấm nữa. Bạn còn phải vô vàn thích thú khi biết được ngư dân Bình Thuận cung cấp nguồn hải sản ngon tuyệt và vô tận với một giải bờ biển với bãi cát trắng phau nối nhau miệt mài từ Mũi Đèn, tức là hải đăng Phan Thiết, tràn qua Vinh Phú, Vinh Thủy, Thanh Hải, Long Hải rồi lướt ra Tuy Phong và theo sóng lượn tới Mũi Cà Ná để rồi ngưng ở đó vì không dám “xâm lăng” qua hải phận Phan Rang. 
Vùng biển Bình Thuận là một kho tàng hải sản đã nuôi dân, làm giàu cho dân... mà bây giờ chỉ mới thoáng nhắc, tôi nghe thèm nhỏ giãi mùi thơm ngon ngọt của những con điệp, những con tôm thẻ bạc, những con sò, ốc, những con mực mà dòng giống kéo dài như mực nang, mực tuộc, mực sim, mực ống...
 Ôi nghe thèm quá, cho tôi nuốt nước bọt một chút rồi còn phải tưởng thèm mùi vị của cá nục, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá bạc má, cá cơm, cá mai, cá mú tươi rói... và, và để cho tôi một giây hít ngửi mùi “nước mắm Phan Thiết” nữa chứ!
Nhưng chưa phải hết đâu. Ngoài những kho tàng ngũ cốc, nguồn hải sản bất tận như lời ca tụng của nhân gian “đồng vàng biển bạc”, mà tỉnh Bình Thuận còn biết bao nhiêu nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như muối, trải dài trắng như tuyết, cao như núi, không bao giờ chấm tận. Có ai đã từng uống nước suối thiên nhiên, có sùi bọt lên như ga, mà rất êm dịu tươi mát, nguồn nước quí ấy cứ phun lên mãi, chưa ngừng, và có lẽ không bao giờ ngưng. Đó là nguồn nước suối Vĩnh Hảo của tỉnh Bình Thuận đó bạn ơi! 
Tất cả, một giải đất sung túc, mầu mỡ, phì nhiêu và vô cùng hiền hòa như thế làm sao không lại là nơi cho chim làm tổ bạn nhỉ! 
 Chim muông còn biết được như thế huống chi bố mẹ tôi đã chọn nơi này để cho các ngài và con cháu có được cuộc sống thanh bình no ấm. 
Tôi muốn mời bạn về thăm lại nơi này, trong không gian của hai mươi lăm năm về trước, dù tạm thời trong trí tưởng, để có thể cảm nghiệm được chút nào nơi tôi đã khôn lớn nhờ hít thở không khí của đất lành, nhờ ăn những miếng cơm, những miếng cá của đất Bình Thuận có được từ công lao to lớn như trời biển của bố mẹ tôi tảo tần. Nào ta thử nhắm mắt cùng... đi...


PHAN THIẾT VÀ... MÙI CÁ
Thị xã Phan Thiết là thủ phủ của tỉnh Bình Thuận, không rộng và chiều dài từ bến xe đi lục tỉnh vòng đến ngã ba chữ Y theo trục Quốc Lộ số 1 ra tới cầu Sở Muối.
 Phan Thiết có diện tích nhỏ mà tiếng tăm lại lớn nhờ những sinh hoạt náo nhiệt buôn bán trong thành phố đến những ồn ào náo động của các bến ghe thuyền và nổi tiếng nhất nhờ mùi cá và mùi... nước mắm vô vàn thân thương. Bạn đừng vội cười trên mũi tôi vì lời ca tụng mùi nước mắm này đấy nhé!
 Bởi nó không thân thương làm sao được vì khi bạn ăn cơm, ăn bún, ăn phở, ăn lòng heo, bánh hỏi và đủ thứ thức ăn khác mà thiếu nước mắm, đặc biệt là các loại mắm Phan Thiết thì kể như bữa ăn của bạn đã mất phần hương vị thơm ngon đậm đà rồi phải không?
 Thế thì đừng cười tôi nữa bạn nhé để tôi đưa bạn đến xem những vựa mắm khổng lồ.
 Nhưng trước tiên nên đi xem sinh hoạt và thắng cảnh xong, khi nào cảm thấy khát nước, chúng ta sẽ ghé những vựa sản xuất các loại mắm...
Quốc lộ số 1 từ Sài Gòn chạy ra Miền Trung hồi trước phải chạy trên đường Trần Quý Cáp, vòng qua đường Gia Long giữa thành phố Phan Thiết, mà hai bên đường phố là nơi buôn bán sầm uất nhất.
 Bên này là khu thị tứ, băng qua cầu sắt và bên kia là khu Hành Chánh Tỉnh được ngăn chia thành hai phần rõ rệt bởi giòng sông Cà Tót nhập với sông Mương Mán chảy xuyên qua thành phố và đổ ra biển.
 Chính nhờ giòng sông này tạo cho thành phố Phan Thiết một cảnh đẹp và dễ thương vô cùng. Bên nguồn nước khi đục khi trong theo từng mùa của tạo hóa, công viên Phan Thiết với những cây cổ thụ vươn cành rợp lá, những cây kiểng được những bàn tay nghệ thuật tác tạo thành hình những con công, con đại bàng xem đẹp đến mê man. Lầu nước cao chót vót mà khi bọn chúng tôi còn để tóc “đờ mi cua” thường hay xi xô cái chữ Tây là “Sa-tu-đô” in hình trên làn nước sông trong xanh vào mỗi mùa hè, trộn lẫn với những hàng cây phượng vĩ đỏ chói dọc theo trường Nữ Trung Học.
 Hình ảnh này không bao giờ chúng tôi quên được. Bóng dáng của lầu nước cao, bóng dáng những tà áo dài nghiêng nghiêng vành nón, bóng dáng của những cậu học sinh áo trắng quần tây xanh cùng lũ lượt băng qua cầu và in trên giòng sông Mương Mán, nó miên man và tình tứ lắm đi thôi!Sau này trong chương trình mở mang kiến thiết, xe cộ xuyên tỉnh không còn chạy trong lòng thành phố nữa vì một đoạn xa lộ được nối tiếp từ đường Trần Hưng Đạo, vượt qua cầu đúc xi măng cốt sắt, cũng gọi là cầu Trần Hưng Đạo thông ra cầu Sở Muối trên trục Quốc Lộ số 1 và xe cộ cứ thế bon bon xuyên qua các tỉnh Miền Trung. Xin dừng một phút ở đây để nói về ngôi trường và một vài kỷ niệm khó quên của thuở học trò.
 Đó là trường trung học Ngô Đình Khôi được xây 2 tầng rất khang trang trên vùng đất rộng gần ba mẫu tây, phía sau cũng một dãy hai tầng làm ký túc xá cho học sinh nội trú, một sân chơi bóng rổ rộng rãi. Sau chính biến 1-11-63, tên trường được đổi thành Chính Tâm. 
Ngôi trường này là nơi mà chúng tôi cũng như hàng chục ngàn học sinh đã từng mài rách mươi lăm bộ áo quần để kiếm mớ vốn liếng cho cuộc đời.
 Thời đó, quả thực như dân gian ghán ghép “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò!” Mỗi lần vào lớp học, có đứa siêng năng cắm mũi nghe thầy cô giảng dạy, có lắm đứa thì say mê xé giấy tập vở xếp thành máy bay rồi phóng lên, có lúc trúng đầu thầy cô tóc đang trắng dần vì... bụi phấn. 
 Lại lắm đứa xếp giấy thành những chiếc tàu, lấy mực đen bôi lên ống khói và thả... neo trên bàn. Các thầy cô rất buồn bực, có khi lẩm bẩm “nhỏ không chịu học lớn lên đòi làm quan...”.
 Cái đám học trò cũng cứ mặt chai mày đá cho đến khi thầy cô cầm cái thước bảng dài thoòng lên thì cái bọn học trò ngoan đáo để, cắm bút nhìn ra ngoài cửa sổ, bảo rằng thưa thầy cô em đang suy nghĩ!
 Cho đến sau khi thi cái bằng tú tài hai (nặng), không biết là có bao nhiêu cô cậu đi tướt. Nhưng về phía mắt phượng mày ngài lăm le thượng đài mai cúc, vì bọn chúng tôi tuy mang tiếng là tu mi, nhưng rất lắm thằng chỉ mới lưa thưa vài cọng ria mép, trông không có một chút phong độ nào cả.
 Rồi tin tức truyền đi mau chóng, đứa thì xin chui vào mái trường... Chiến Tranh Chính Trị, có đứa nộp đơn vào trường Võ Bị.
 Còn hàng chục đứa thì tự nhiên bị mặt xanh da vàng, lưng gầy bụng ỏng... cho đến khi cầm chắc được tờ giấy “miễn dịch vĩnh viễn”, tự nhiên chúng mập khỏe hẳn ra và đua nhau... cưới vợ.
 Hầu như đám học sinh này đã giao kết với nhau thúc vợ đẻ cho mau hết lứa, cho nên đứa nào cũng tay dắt nách mang, cõng trên lưng, đội trên cổ một bầy quý nương, công tử xem ra rất rộn ràng. Cũng có nhiều thằng đã từng bị thầy cô khện thước bảng trở thành kỹ sư cầu cống, kỹ sư đào mỏ. Lắm thằng biết lái trực thăng, L.19, khu trục. Cũng đảo lên lộn xuống, nghiêng cánh đổi hướng bay trông cũng rất là phi cơ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét