Ông bạn tôi yêu hoa phượng tới độ lên hẳn một kế hoạch qua mặt luật pháp Mỹ.
Ông về Việt Nam thăm gia đình nhưng chọn đúng dịp hè chỉ để nhặt vài hạt phượng rơi ở sân trường cũ như nhặt lại mối tình học trò ấp ủ bao năm.
Sau đó, gỉa bộ vô tình quên chung với mớ bạc cắc trong cái túi phụ của cái xách tay, thế mà ông qua được sự kiểm soát tinh vi ở phi trường Los Angeles lúc ông trở lại Mỹ.
Về tới nhà ở Dallas, ông trân qúy ba hạt phượng như bảo vật. Ông bỏ vào hũ miểng, bỏ thêm mấy túi chống ẩm lấy lại từ những hũ thuốc tây đã hết.
Từ đó, ông ngắm nhìn ba hạt minh châu (cụm từ của vợ ông) trong hũ miểng như ngắm lại một thời đã qua. Bao nhiêu tâm tình với dĩ vãng đã xa thì chắc chỉ ông với Trịnh Nam Sơn biết! “Người ơi! dĩ vãng đã xa…” Ông khoe bạn bè khi có ai nhắc lại thời đi học.
Ông nói về hoa phượng, mùa hè và tuổi nhỏ thao thao bất tuyệt như cố chứng minh rằng: Tôi ít nói vì chưa đúng chủ đề đó thôi! Nhưng khi mọi người không còn muốn nghe về chủ đề cũ rích thì chả ai để ý đến sự thẫn thờ, đôi mắt buồn vời vợi của ông. Tôi cũng vô tình nhận biết ra điều đó thôi chứ nào giờ tôi đâu phải người tinh tế gì đâu.
Tôi khuyên ông nên gieo xuống đất để một ngày nào đó những người yêu hoa phượng nơi đây, bất ngờ thú vị thấy đỏ tươi trước sân nhà một người đồng hương.
Báo chí địa phương thể nào chẳng đến chụp vài tấm ảnh, thơ phú tràn lan trên báo chí cho mà xem.
Chuyến này tha hồ đọc văn thơ nữ giới vì hoa phượng gắn chặt với những kỷ niệm đầu đời, tuổi thần tiên của họ.
Mấy ông mãnh đã gìa không mặn với hoa phượng lắm đâu vì ngày xưa mấy ông hái hoa phượng chỉ để mưu đồ người nhận, đàn ông chỉ yêu hoa biết nói, ít ai yêu hoa kỷ niệm như ông đây…
Ông nghe bùi tai nên quyết định hạ thổ ba hạt minh châu. Ông đợi sang xuân là gieo hạt xuống chậu đất phân đã chuẩn bị sẵn sàng.
Chậu đất đặc biệt tới một anh bạn trẻ gọi là Hoàng Châu Cát Cát bởi loại đất gì vàng vàng, chiếu chiếu cát mịn trong đó để cho tơi, cho xốp.
Tôi có thể viết thành sách nếu gom hết những chuyện kể của ông từ khi đặt ba hạt minh châu vào hoàng-sa-thổ. Đại khái là từng ngày đi làm về, ông cầm ly rượu đỏ hay chai bia, đến ngồi bên người tình học trò còn chưa nứt mắt.
Ông tưới, ông trông, ông nom… sợ từ cái kiến tới con sâu. Ông nhớ nhiều về thời niên thiếu, thuở quần xanh áo trắng lê la khắp thị thành. Nhớ từng đôi mắt đã hớp hồn ông để thương hoài ngàn năm, nhớ người ơi! dĩ vãng đã xa nào đó bằng thơ như tất cả những người Việt Nam (mỗi người Việt Nam là một nhà thơ).
Ông biết tánh tôi ưa cả nể nên ông cho xem chứ đưa cho mấy ông bạn khác thì sợ họ cười.
Tôi thích bốn câu trong bài tứ tuyệt, lê thê: “có lần tôi với hơi qúa tay/ bởi người tôi thích thích hoa bay/ qúa đà tôi té trong đôi mắt/ tay cầm hoa phượng tới hôm nay…” đọc rồi tôi tưởng tượng ra thời niên thiếu của ông: ngổ nghịch, phá phách… chắc cũng thuộc loại
“làm học trò không sách vở cầm tay/ có tâm sự đi nói cùng cây cỏ*” mỗi năm đến hè nghe được lên lớp thì mừng húm vì những tên linh tinh cỡ đó thì thường ba năm hai lớp. (Kinh nghiệm bản thân tôi như vậy!)
Tôi lại nghĩ lan man: Khi tuổi tác cảm nhận được chỉ có sự yên lặng là tử tế thì người ta trôi về miền qúa khứ nhiều hơn vươn tới tương lai.
Ông hên là gặp được bà nhà cũng thuộc tuýp người hiền lành, cam chịu, có lãng mạn hay không thì hạ màn phân giải. Nhưng bởi cuộc sống, công ăn việc làm, gia đình, chồng con, họ hàng bên đây bên kia biển đã đánh cắp từng ngày hết những mộng mơ.
Nhìn bà cơ cực trên xác thân, mệt mỏi trong ánh mắt… đâu ai biết được gì ẩn khuất bên trong. Lòng dạ đàn bà bí hiểm như biển Thái bình hiền hoà, bao dung nhưng nổi sóng thì nhận chìm tất cả!
Trong từng đời người không ít thì nhiều những bâng khuâng một thuở khi trao ai cành hoa phượng với tha thiết mong cầu; không ít thì nhiều những bâng khuâng khi nhận hay không nhận một cành hoa để nhiều lần tự trách sao mình không độ lượng.
“Rồi ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại, cuộc tình nào đã ra đi khi ta còn ngồi mãi nơi đây…*” Khi tất cả chỉ còn là kỷ niệm thì kẻ chôn chặt trong lòng, người mượm thơ văn nói ra những thương mong.
Khi đời sống (cơm áo gạo tiền) không còn làm khó được người ta thì người ta làm khó nhau!
Hai người đồng hành đi qua gian lao cuộc sống để cùng hưởng an nhàn, thành qủa sau năm tháng cực nhọc chứ đâu phải để hết trách nhiệm với nhau.
Tình cảm không thăng hoa thì đừng để nguội lạnh theo đà cấm khẩu của nguyên lý: chỉ có sự im lặng là tử tế. Ông tâm sự với tôi như một người hiểu biết nhưng hành động như một người ích kỷ.
Từ ngày hạ thổ ba hạt minh châu, ông trút bầu tâm sự với người tình học trò chỉ còn là dư ảo thì nhà ông không còn tiếng cãi nhau loạn xị.
Ví như trước đây, về đến nhà là ông la toáng lên chuyện giày dép vợ con để không đúng quy cách như ông quy định, ai uống ly nước đá mà không có miếng napkin hay cái dĩa con phía dưới, làm hơi lạnh in dấu lên bàn kiếng, hay nước tươm ra làm hư mặt bàn gỗ bóng loáng mà ông lau chùi mỗi cuối tuần.
(Những linh tinh, lẩm cẩm khác nữa… nhưng chớ có ai dại bảo ông gìa sinh tật khó khăn là khốn đấy!)
Ông rầy la không để cho ai sợ, ông cũng không theo đạo thờ vật chất mà chỉ cốt ý giáo dục ý thức trách nhiệm trong đời sống cộng sinh, nề nếp vệ sinh trong cuộc sống chung với hy vọng con cái ông sau này đi đâu, sống ở đâu cũng được người khác không coi thường chứ cũng chả cần kính trọng.
Nhưng thường là ông bị bà cự nự khó khăn, khắt khe qúa đáng! Thế là ỏm tỏi trong nhà
. Nhưng từ hôm ông gieo ba hạt minh châu vô chậu đất thì về đến nhà, ông không quát nữa! Có gì chướng mắt ông, ông tự tay dọn dẹp để khỏi la, khỏi cãi thì mới còn thời giờ tâm sự với ba hạt minh châu. Ông ngồi sắp lại những đôi giày dép lung tung, bà gọi con gái ra nói nhỏ.
Con gái ông lặng lẽ đến sau lưng bố: “Con xin lỗi bố. Bố để đó con.” Hôm sau ông về, giày dép ngăn nắp đúng như ông muốn. Thế ra la lối om xòm bao nhiêu năm là vô ích?!
Ông hài lòng về cô con gái còn ở nhà với cha mẹ chứ anh chị nó thì đi không muốn về, đã rõ.
Ông chợt nhớ ngoài những đứa con, ông hình như có vợ nữa?!
Bà vẫn hiện diện qua từng bữa ăn, món ăn mà ông ưa thích.
Ông tính công sơ sơ để trả công bà nhưng tiền nào trả nổi mấy mươi năm, từ ngày da trắng tóc xanh đã da nhăn mắt xếp. Ông hối hận nhiều đêm nên tự dọn bàn sau khi ăn, xắn tay áo rửa chén thì bà không cho.
Thế là bà rửa ông úp, tình ơi là mùi nhưng mùi chuột chết. Bởi xong chuyện, ông đi đọc báo, xem tivi thì bà xắp lại cái máy rửa chén vì ly ông úp với nồi, dao kéo cứ nghểng lưỡi lên trời như chờ tay ai sọc vô máy rửa chén là đổ máu. Ông gài bẫy bà đấy chăng?
Chén ông úp lên cái phin pha cà phê, rồi sáng mai ông lại la lối om xòm: “Cái phin pha cà phê của tôi đâu rồi?” ông không bao gìơ tìm được vật gì ngay trong nhà ông nên ông giải quyết bằng cách la toáng lên thì bà sẽ tìm cho ông. Ông kết luận nhẹ hều: “Thì ra cả đời. Tôi chỉ tìm được mỗi món qùa thượng đế giành cho tôi là tìm được vợ tôi.”
Ông nói ra câu nào nghe cũng phải nhưng đừng nghe những gì đàn ông nói mà hãy nhìn kỹ những gì đàn ông làm! Toàn ngược.
Đàn ông thương vợ khi đã để trong hòm chứ lúc còn sống thì thương bồ cũ nhiều hơn (lại kinh nghiệm bản thân…).
Lúc này thơ phú nhặng cả lên vì ngày nào cũng đi mây về gió với ba hạt minh châu.
Chẳng nghe ông nói tới những than phiền, càm ràm của bà nữa và cũng không nghe ông kể công bà giáo dục con cái. Dạy con là chuyện của mẹ, con hư tại mẹ cháu hư tại bà nhưng con ngoan là đức của bố. Khoe con mình là việc của đàn ông, đàn bà biết gì mà khoe, không khéo lại thiếu điểm của con ông.
Đứa con còn lại trong nhà lúc này cũng ít ở miết trong phòng hơn. Nó lượn tới lượn lui nói cười rôm rả làm ông vui theo. Hóa ra đàn bà con gái thích nói!
Bà cũng bớt im ỉm như người tù khổ sai chung thân.
Từ những lời lẽ đã nói ban đầu về ba hạt minh châu của ông: “… tào lao”; “… làm chuyện không đâu”; “… dư tiền thì cứu đói nạn nhân bão lụt mà để đức cho con cháu, tiền đâu dư mà tốn hai ba chục bạc đi mua đất tốt nhất để ươm trồng phượng vĩ ngày xưa”; “Gìa rửng mỡ…”; “…gìa sinh tật”… Nếu bà nhà còn nhớ những gì mình đã nói thì bà không tự tay bưng chậu phượng ươm ra phơi nắng cho có nắng để ông hú hồn hú vía! Đi làm về không thấy chậu phượng ươm của ông đâu.
Ông lo rồi điên tiết quát ầm lên như vỡ chợ. Sau đó hối hận, lại lo bệnh la tái phát rồi hứa với mình đừng la lối om xòm nữa nha, ta.
Tôi không tài nào kể hết chuyện gia đình ông bạn vì chuyện dài như Chương trình gia đình bác Tám trên đài truyền hình Sàigòn trước ’75. Chỉ biết từ đó. Sân sau nhà họ có đôi ghế tình nhân với cái đôn dã chiến là khúc cây nhà kia cưa cây, đốn cây. Ông khệ nệ nhặt về để cho chậu phượng ươm của ông ngự tọa.
Ông ngồi một mình không hề chán chỉ thấy cô đơn trong những buổi chiều tàn. Giữa ngổn ngang những ký ức đã xa đến rò rỉ dư lệ thì người chia sẻ duy nhất với tâm tư ông cũng chỉ có bà
Ông không nhớ tự bao giờ đã không ngồi bên nhau một cách ôn hòa như hiện tại. Ông bị cô con gái nháy lén tấm ảnh ông đưa tay vuốt mấy cọng tóc mai đã bạc của bà. Mặt mày ông trơ trẽn, chẳng xứng với nụ cười trong héo ngoài tươi chút xíu nào. Ông nói rồi không biết phải mình nói hay không? “Em vào rót cho anh ly rượu”.
Bà không quang quác như con qụa gìa, như mọi khi mà đi đỏng đảnh như hồi con gái, bưng ra nửa ly hồng hồng: “… đủ rồi đó nha! Chiều nay ly rưỡi rồi đấy!” ông không nổi khùng với kỳ phùng địch thủ như hôm qua mà ông lại nhớ đã bao lâu ông không hề hỏi… nên ông hỏi: “em uống gì không?” rồi ông đi lấy.
Mặt trời mọc rồi lặn để lại mọc, nhưng đây là lần đầu ông thấy chói qua con tim mình chân lý phượng yêu. Phượng ươm chưa hé mầm nảy đọt mà hoa đã nở trên môi cười. Những bông hoa biết nói trong nhà ông lúc này ưa tủm tỉm. Cô con gái ù lì dù chưa từng bệnh hoạn nan y nhưng không khéo: con này á khẩu vì chẳng nghe nó nói bao giờ! Biếng cười như biếng ăn, biếng ngủ.
Bây giờ nó ưa luyên thuyên, kể lể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Bao lâu rồi nó mới đứng sau lưng bố, quàng tay ra trước ngực ông mà hôn lên gò má nắng mưa chai xạm của người cha lạnh nhạt. Ông mừng, con ông đã biết nói dù hơi muộn. Tới tuổi đi Đại học nó mới biết nói câu: “mời bố mẹ vô xơi cơm, con đợi.” Ông ăn bữa cơm ngon nhất trong đời từ khi sinh ra con bé èo uột này.
Ba hạt phượng buồn trong chậu đất tốt nhất trên nước Mỹ mà vẫn không sao hé mầm nảy đọt. “Qúa khứ đã xa không trở lại bao giờ! Qúa khứ chỉ còn là kỷ niệm cho lòng trân qúy nếu mình trân qúy.
Không thể nào bắt qúa khứ sống lại như hiện tại dù tốt hay xấu hơn cũng là hiện tại hiện hữu một lần thôi như hạnh phúc đang có là tiếng cười, nước mắt của hôm nay. Một lần té trong mắt người để tay cầm hoa phượng tới hôm nay chỉ nên giữ gìn như kỷ niệm.
Đừng tìm kiếm trong vô vọng mà quên những hiện tại đang từng ngày hóa thành kỷ niệm. Hãy làm cho hiện tại vui lên để sau này kỷ niệm vui”. Tôi đã trả lời cho ông câu hỏi: “Ba hạt minh châu của tôi có bị trụng nước sôi hay không mà không hé mầm?”
Tôi biết đó là câu hỏi của lòng người từng trải! Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho gia đạo ông bình an!Rồi bỗng dưng tôi được mời đến nhà họ uống ly rượu ba mươi năm “nắng vàng bị nhốt trong mây”. Hai đứa con lớn tự về tổ chức tiệc mừng Anniversary cho cha mẹ, chuẩn bị cho cô em út đi Đại học trong năm học tới. Một không khí gia đình bừng tỉnh sau tháng năm dài âm u. Bà giải thích cho tôi hiểu câu thơ mà ông đã giết chết tim bà. Ông để trong lòng đã mấy mươi năm hình bóng người chị họ của bà.
Chàng lớp 10 nhìn theo bóng liền chị khuất dạng sân trường mà mình thì đã té trong đôi mắt ấy nên tay cầm hoa phượng tới hôm nay - sống một đời ngáp ngáp.
Còn bà, cũng năm lớp 10 lại đi xin hoa phượng của chàng 12, đâu biết người ta hái hoa phượng rồi ngồi dưới gốc cây là tưởng nhớ hai cái ao thu lạnh lẽo nước trong veo đã dông mất biệt, hai cái hồ thu mà chàng thi sĩ đã té ngập hồn trong đó.
Bà tội nghiệp người hái hoa mà không có ai để tặng nên bà xin-làm phước.
Bà đâu biết chung huyết thống nên bà cũng có hai cái ao thu lạnh lẽo nước trong veo như liền chị.
Vậy là hắn té thêm lần nữa, lần này chết chìm luôn trong đôi mắt. Ba mươi năm dài lặn hụp miễn phí trong bể oan cừu mà tay cứ khư khư cầm cành hoa phượng cũ.
Bà không ghen, thậm chí thương cảm ông ở tính thủy chung nhưng giận ông đã làm cho bà chị họ chẳng dám bén mảng đến nhà bà từ khi biết ra mối tình câm của ông em rể họ.
Tôi hỏi ông: “Sao ông lì qúa vậy?” ông trả lời thật hết ruột gan thì phải: Ông không ngờ có người giống người đến vậy! Thoạt đầu, ông mượn hình nhớ bóng.
Rồi thân thằng chỏng chết trôi trong bể oan cừu thì cho gì lấy nấy! Bóng trong hình, hình trong bóng, bóng hình trù quến đến thánh cũng không phân biệt được, đến ngày thành hôn mới biết hình là em đôi con dì với bóng, té ra tình chị duyên em.
Ông nói đến đây thì tôi cắt lời: “Bia 33 với bia Sàigòn chung hãng sản xuất.
Ông được uống bia Việt Nam là phước lắm rồi còn phân biệt gì nữa đây?” ông trả lời có lẽ vừa lòng bà và các con sau cuộc hành trình đăng đẳng: “Tôi xin lỗi về câu hỏi mà tôi đã hỏi anh. Thật không ngờ mình cứ tưởng mình đại trượng phu nhưng rốt ráo thì tiểu nhân hơn mình nghĩ về mình nhiều lắm!
… Lòng dạ hẹp hòi nên nghĩ ai cũng gian manh, nhà tôi ra tay chăm bón cho ba hạt minh châu của tôi hoàn toàn bằng lòng thương mà tôi đâu biết!
Bà ấy muốn chứng minh với tôi hoa có nở thì cũng không phải là hoa của ngày tháng cũ.
Tôi ngộ ra rồi anh ạ! Ba hạt minh châu không nở ra hoa trông thấy được nhưng hoa lòng đã nở. Con cái tìm về là một hạt đã nở, từ nay không nghi kỵ người phối ngẫu là hạt thứ hai đã nở.
Hạt thứ ba là nụ cười trong héo ngoài tươi của nhà tôi đã trong tươi ngoài héo do thời gian và ích kỷ của tôi. Tôi cám ơn vợ con, gia đình và bạn bè”. Ông xúc động.Tôi ra về, hít gió tháng 5 vào hạ.
Bông cỏ bay ngập trời chiều làm men bia trong tôi cũng ngất ngây với màu hoa phượng nhớ.
Qúa khứ trong mỗi chàng thư sinh thể nào không có màu hoa phượng đi kèm với một hình bóng mờ nhạt nhưng quyền uy tối thượng, bắt nhớ là nhớ, bắt thương là thương mà thường là bắt hồn thư sinh khi tháng 5 về.
Dù thơ lai láng trong tôi nhưng không dám viết ra từ khi ông cụ Tầm Xuân ở quê tôi (Dallas) đã hạ chiếu: “thời bây giờ có qúa nhiều người làm thơ nhưng lại qúa ít nhà thơ.” Tôi đành viết lại mớ văn xuôi cho màu phượng vĩ trong trái tim khô của thế hệ sinh ra trên quê hương điêu linh nhưng sống lình bình như… trôi sông trên khắp qủa địc cầu. Tháng 5 vào hạ với phượng hồng dĩ vãng đã xa.
Phan
@ Ai cũng có kỷ niệm đẹp về thời học sinh với ngôi trường ,thấy cô bạn bè nhất,hình ảnh hoa phương đỏ rực trong sắc nắng sân trường & còn là dấu ấn khó quên trong quãng thời gian đẹp nhất trong ký ức mổi chung ta .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét