Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Ít mảnh vụn trong đời Lệ Thu


Lệ Thu nổi tiếng từ lâu lắm rồi. Tên tuổi cô gắn liền với rất nhiều ca khúc như “Hương xưa” của Cung Tiến, “Ngậm ngùi” của Phạm Duy, “Thu hát cho người” của Vũ Ðức Sao Biển, “Tình khúc thứ nhất” của Nguyễn Ðình Toàn ố Vũ Thành An,...
 Cho đến bây giờ, sau gần 50 năm cuộc đời ca hát, cô vẫn là giọng hát được đứng lên vỗ tay tại nhiều đêm ca nhạc. Người ta đã viết nhiều, ca ngợi nhiều về cô. Hôm nay, chúng ta chỉ nhắc với nhau đôi nét vui vui trong cuộc đời cô.Lệ Thu nguyên quán ở Hà Ðông, nhưng ra đời ở Hải Phòng. Tên thật là Bùi Thị Oanh.Một buổi sáng mùa Ðông, Lệ Thu đã kể chuyện thời thơ ấu của cô: 
Bố mẹ Thu có 8 người con nhưng không biết tại sao các con cứ đến 2, 3 tuổi là đã qua đời. Ðến lượt Thu, mới ra đời là các cụ vội gửi vào trường các bà soeur. Mẹ kể rằng lúc mang bầu Thu, cụ đi chùa, nằm mơ thấy một ông mặt đỏ trao cho một bọc, trong có đứa bé.
 Chẳng biết vì ông cụ đó hay vì các bà soeur mà Thu sống được sau 4 anh chị đã qua đời. Thu học đàn, học nhạc từ nhỏ trong trường bà soeur.
Thực ra, tên Thu theo các cụ định thì không phải là Bùi Thị Oanh. Thầy Thu làm chức tước nhỏ gì đó ở làng hay huyện Ðông Xá. Mẹ Thu là thiếp, thua thầy đến gần 30 tuổi. 
Thầy dặn mẹ là nếu sinh con gái thì đặt tên là Bùi Trâm Anh, còn nếu con trai thì đặt là Bùi Gia Bảo. 
Thế lúc đi làm giấy tờ, Tây nó hỏi, cụ sợ, theo nếp cũ là con trai thì lót tiếng “Văn,” con gái thì lót chữ “Thị,” nên bèn khai đại là Bùi Thị Oanh.


 Cho nên trong nhà vẫn gọi Thu là Trâm chứ không gọi là Oanh.Trong gia đình, họ hàng của Lệ Thu có rất nhiều người hát hay. Theo Lệ Thu, “Nếu dễ dãi mà cho rằng Lệ Thu hát hay, thì những người kia phải là hát cực hay. Lệ Thu không ăn thua gì so với những người đó.”
 Thí dụ ông cậu Lệ Thu tên là Phúc mà anh Hoàng Hải Thủy cũng có biết, hoặc anh Ðoàn là anh họ của Thu cũng vậy. Không ai trong gia đình Thu đi hát cả vì các cụ khó lắm.

 Ông bà ngoại Thu có 9 người con, rất nhiều người hát hay trong đám con cháu các cụ, nhưng không ai dám đi hát.Lệ Thu vào Nam năm 1953. Hằng ngày đến trường, ở nhà, lúc nào cũng ê a hát vài câu. Ðược mọi người khen lại càng hát tợn, nhưng dĩ nhiên là các cụ không biết. Khoảng năm 1960, 1961, lúc đang học thi tú tài, bạn bè hay rủ Thu lên ăn uống ở nhà hàng Bồng Lai.
 Nhân buổi sinh nhật hay gì đó của một cô bạn, bọn bạn bè tự động giới thiệu Thu lên hát một bài. Thu kể: “Mình tuy thuộc loại bạo gan và hay nghịch, nhưng tự nhiên bị xách đầu lên hát cũng thấy e ngại. Sau khi hát xong vừa trở về bàn là ông Lê, giám đốc nhà hàng đến tìm Thu.
 Ông ta hỏi Thu muốn đi hát không, sẽ có thù lao như thế này này. Mới tý tuổi đầu, thấy kiếm được tiền nhờ ca hát là Thu nhận lời. Kệ, cứ đi hát xem sao.
 Nhưng phải dấu các cụ.”Lúc đầu Thu hát ít thôi, đến hát xong là về, nói dối là đến nhà bạn bè họp bài, làm bài chung. Nhưng rồi có một anh chàng, trước đây vốn vẫn thích Thu, bắt gặp Thu đi hát bèn mách cụ bà rằng “Con Oanh cuối tuần nó vẫn đi hát đấy, chứ không phải đi học hay đi chơi với bạn bè đâu.” Cụ sợ quá, đang chứa “một trái bom nổ chậm trong nhà,” nay nó lại tự động gắn thêm một đống ngòi nổ nữa! Thế là cụ tống Thu đi lấy chồng. Nhưng Thu vẫn mê hát.Lúc thành hôn, Thu còn bé, mới có 18 tuổi, chẳng biết bổn phận làm vợ là cái gì cả, lại còn thích hát, gia đình nhà chồng cho rằng, Thu thuộc loại “xướng ca,” như vậy không được. Thế là chỉ có vài tháng, chồng bỏ mất rồi. “Ai biểu lấy con nít về làm vợ làm chi,” Thu cười.Về tên Lệ Thu, trong một lần đến chơi bệnh viện Cộng Hòa thăm ông cậu làm việc ở đó, gặp dịp lễ lạt bệnh viện dự định tổ chức văn nghệ cho thương bệnh binh giải trí. Ông cậu hỏi Thu: 
Cháu muốn hát không? Lúc đó Thu chưa đi hát bao giờ, nhưng vẫn gật đầu bừa, nhưng lại sợ mẹ. Cậu hứa sẽ về “nói với mợ cháu là đi chơi với cậu thì mợ yên tâm.”Ðến lúc lên hát, bất ngờ người ta hỏi tên là gì để còn giới thiệu. Thu ú ớ, nói bừa là Mộng Thu. Sau thấy chữ Mộng có vẻ mộng mị quê mùa quá, nhưng lỡ dính chữ “Thu,” nên lấy tên “Lệ Thu” cho rồi.
 Thu vội nói với ông animateur, bây giờ gọi là ông MC, “Này ông ơi, tên tôi là Lệ Thu nhé.” Thực ra không biết từ bao giờ, thuở còn bé lắm, Thu cứ thích tên Thu. Còn chữ Lệ thì lúc sắp lên hát cuống quá, lấy đại cho rồi, nhưng chắc cả hai chữ đó lởn vởn đâu đó trong tiềm thức.

Lệ Thu cho biết: Ðọc sách Thu cũng biết chữ “lệ” có nghĩa là vẻ đẹp, cũng có nghĩa là nước mắt. Không biết lúc bật ra cái tên tiền định đó, Thu suy nghĩ theo chiều hướng nào. Khi đang hát độc quyền ở phòng trà Queen Bee, dư luận cho rằng Thu hát đặc biệt hay một số bài của Phạm Duy như “Ngậm ngùi, Bên cầu biên giới, Thuyền viễn xứ...”Mấy nhà văn nhà báo như anh Duyên Anh, anh Hà Huyền Chi cũng khen ngợi.

 Có lẽ vì vậy anh Phạm Duy làm bài “Nước mắt mùa Thu” sau khi nghe mọi người khen hát hay bài đó, cũng tặng Thu luôn. Còn anh Nguyễn Mạnh Côn thì phê bình Thu một câu, rằng là cô rất xinh, cô hát rất hay, nhưng khi hát bài “Ngậm ngùi,” thơ của người ta là “Tay anh em hãy tự đầu,” tại sao cô lại hát thành “Tay em anh hãy tựa đầu,” sao có chuyện ngược đời như vậy.

Lúc đó Thu mới biết hóa ra chữ nghĩa cũng rắc rối lắm chứ, chỉ vì mình còn nhỏ, chẳng chịu học hỏi tìm tòi gì cả. Từ khi bị anh Côn mắng như vậy, Thu đã cẩn thận hơn nhiều. Lúc đó khoảng năm 1969 thì phải. Anh Hà Huyền Chi cũng làm bài thơ “Lệ đá,” anh Trần Trịnh phổ nhạc, Thu hát được anh khen rồi tặng luôn cho Thu.Tên tuổi Thu gắn liền với một số bài vừa mới kể trên, nhưng hình như còn một số bài Thu hát đặc biệt hay như bài “Hương xưa.” Lệ Thu kể chuyện: “Thu còn nhớ có lần hát bài ‘Hương xưa’ với chỉ một người đệm đàn dương cầm. 
Sau này mới biết là hôm đó có anh Mai Thảo cũng đến nghe. Anh Mai Thảo có nói với Hoàng Dược Thảo là ‘Lệ Thu bất tử với Hương Xưa.’”Nhưng các bạn có biết là sau khi hát xong bài đó, mồ hôi Thu ướt đẫm.
 Ði qua ông La Thoại Tinh, dương cầm thủ, Thu nói: “Trời ơi, tôi run quá. Ông ta bèn xòe bàn tay cho coi, cũng ướt đẫm mồ hôi.
 Bởi vì hồi đó rất hiếm khi người ta hát với chỉ một người đệm piano, thường bao giờ hát cũng với một ban nhạc, nhờ đó tiếng hát của mình dễ được nâng cao hơn, cái khiếm khuyết của mình dễ được che dấu hơn. Nhưng hát với chỉ một cây đàn dương cầm thì rất đáng ngại vào thời buổi đó. 
Lệ Thu kể lại chuyện vui buồn trong đời ca hát 
Ngay từ những ngày chập chững đi hát cho vui, như hôm hát ở Tổng Y Viện Cộng Hòa chẳng hạn, đã nhiều chuyện vui rồi. Hôm đó, có một bài Lệ Thu phải hát hợp ca với các anh chị thuộc Ban Nhạc Tổng Y Viện Cộng Hòa, hình như bài “Tiếng hò miền Nam” thì phải.
 Ðến phần solo, Lệ Thu hùng dũng hát “Ðây có đoàn người dân di cư, vang câu hát tình quê dạt dào,...” 
 Tự nhiên Thu nghe ở dưới cười ồ lên, chẳng biết tại sao.Ngay lúc đó tự nghĩ mình hát được mà, có sai nhịp, sai nốt nào đâu, sao thiên hạ lại cười nhỉ. Nhìn lại quần áo mình đang mặc có gì là lố bịch đâu. Hóa ra Thu đã hát: “Ðây có một người dân di cư,...” 

Lúc sắp hát, mình lo sợ, chỉ sợ trật nhịp, sợ sai nhạc, thành ra không để ý đến lời. Sau đó mấy anh mới nói: “Ai chẳng biết một mình cô di cư!” Ngay từ lúc tập tễnh hát, Thu đã tự nhủ một điều là luôn luôn phải hát rõ lời bài hát, thì rõ ràng là chữ “một” chắc chắn phải khác chữ “đoàn” rồi.Về chuyện nhạc lý, Thu chỉ nhớ hồi bé học nhạc trong trường bà soeur.
 Sau này học nhạc với một bà đầm khi nhà ở đường Võ Tánh. Bà ấy dạy piano, nhưng Thu chỉ học classic.Lệ Thu ở lại sài Gòn sau 1975 vì mẹ không đi.
 Lúc đó cụ khoảng 65 tuổi. Thu cũng theo chân bạn vào đủ các nơi, từ Tòa Ðại Sứ Mỹ đến bến Chương Dương. Lúc đó Thu còn ở với Hồng Dương. Vào một dịp khác, Lệ Thu sẽ kể chúng ta nghe về những ngày còn kẹt lại Việt Nam.    Năm 1980, Lệ Thu đến Mỹ.
                                        Lan Anh

                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét