Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Khánh Ly: Ngồi Gần Nhau Hơn


Tôi du học ở Nhật từ năm 1965 cùng với một số bạn trẻ. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, đa số sinh viên học tại đây đã tìm cách đi định cư khắp các quốc gia khác như Úc, Mỹ, Pháp hoặc Canada. Những người bám trụ lại còn rất ít. Có người nay đã giàu sụ vì làm ăn buôn bán.- ngay cả với Việt Nam. Có người tuy không khá nhưng cuộc sống cũng không đến nỗi- dù nơi này được tiếng là đắt đỏ nhất nhì địa cầu.Tôi là người thuộc loại thứ hai. 


Đi dạy học, và đương nhiên lấy vợ Nhật. Trước đây, việc gái Nhật lấy người ngoại quốc còn là vấn đề. Nhưng bây giờ xã hội Nhật đã Tây phương hóa rất nhiều - đàn bà có thể được xem ngang hàng với đàn ông - dù bên ngoài họ vẫn tỏ ra sự kính trọng. Vợ chồng tôi đã rất hòa đồng với họ hàng của đôi bên. Dầu 2 nền văn hóa có khác nhau một chút.Tuy lấy vợ Nhật, ăn cơm Nhật khá lâu - nhưng những cái gì thuộc về Việt nam vẫn làm tôi xao xuyến bồi hồi - như khi thuyền nhân dạt vào bờ biển Nhật- tôi đã hăng hái cùng một số bạn tiếp tay giúp đỡ - chỉ cách điền giấy tờ để xin Nhật cho định cư - ngày nào chúng tôi cũng lấy xe lửa tới trại làm thông ngôn hoặc phụ những công việc, còn xa lạ với đồng bào. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ những bữa ăn thuyền nhân nấu, và mời ăn. 

Chỉ vài lát cá kho tiêu, một chén canh cải xanh - cũng đủ làm chúng tôi muốn rơi lệ.Nhưng có một ấn tượng tôi không bao giờ quên là, vào năm 1970, ca sĩ Khánh Ly qua Nhật để thâu dĩa 2 bài Diễm Xưa và Lời Mẹ Ru của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chị và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có tới thăm sinh viên Việt Nam ở nhà hội Đông Du 
- Chúng tôi đã được hưởng một đêm say sưa với giọng hát liêu trai của chị.
 Một tháng sau bài Diễm Xưa và Lời Mẹ Ru được hãng Nippon Columbia phát hành- bài Diễm Xưa đã leo lên bảng Tophit tại Nhật. Điều đó khiến chúng tôi hãnh diện điên cuồng - vì đi đâu cũng được nghe mở trên các đài phát thanh - nhất là đài Bunka Honso - có khi họ phát một ngày rất nhiều lần.Thú thật lúc đó, qua gia đình, tôi chỉ biết được chị rất nổi tiếng ở việt Nam.

 Nay tôi càng sung sướng khi biết chị nổi tiếng và được khán giả yêu mến tại Nhật. Qua báo chí, tôi biết chị có trở lại Tokyo mấy lần trước 75- nhưng rất tiếc, anh em chúng tôi không được gặp chị.
                Mãi tới năm 1980, đài NHK (đài truyền hình lớn nhật Nhật bản) thực hiện một bộ phim chiếu nhiều ngày về một người đàn ông Nhật lấy một cô vợ Việt Nam- anh ta đón cô sang ở chung với gia đình- sự khác biệt văn hóa lẫn phong tục đã tạo ra những tình huống cười ra nước mắt.

 Cuốn phim có số khán giả xem kỷ lục và nhà sản xuất đã chọn bài Diễm Xưa làm bản nhạc chính cho bộ phim này, nên ngay lập tức, Diễm Xưa đã trở thành bản Tophit lần thứ hai. Năm ngoái, trường Đại học Kanzai đã đưa Diễm Xưa và chương trình giáo dục của nhà trường.Năm 1981, ca sĩ Khánh Ly được mời tham dự Đại Hội Âm Nhạc Á Châu tổ chức ở Tokyo cùng với vác danh ca của Nam Hàn, Hongkong, Thái lan, Nam Dương và Nhật bản.
 Vợ chồng tôi cố gắng mua vé để xem chương trình này - nhưng rất tiếc. 10 ngàn vé đã sold out từ một tháng trước - chúng tôi đành phải kêu gọi bạn bè bà con tới nhà xem Tivi, vì đài NHK chiếu trực tiếp cho khán giả khắp nước Nhật theo dõi. Tôi đã rưng lệ sung sướng khi chị trình diễn trên sân khấu và khánh giả Nhật (đa số rất trẻ) đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng chị dài tới 15 phút. 
Ngay ngày hôm sau, hình chị xuất hiện trên tất cả những tờ báo lớn của Nhật.

 Có báo gọi chị là "ca sĩ hoa hậu áo dài".
Có báo viết với tựa đề "Mặt trời Việt Nam vẫn hát"…Còn Tivi - đài TBS - đã mời chị lên chương trình" Chào bình minh Tokyo" cùng với một nữ ca sĩ rất nổi tiếng của Nhật, cô Takiko Kato.
 Đây là điều hiếm thấy - vì đài này dường như chưa từng mời một người ngoại quốc nào lên chương trình này. Tôi đã thâu lại cả chương trình và cất giữ tất cả những tờ báo viết hay phỏng vấn chị. Từ hôm đó, qua báo chí, tôi được biết cô Takiko Kato đã xem chị như em, và tình thân của họ tiếp tục cho tới bây giờ. 
 Những năm sau đó, vẫn chỉ qua báo chí và Tivi, tôi được biết chị trở lại Nhật rất nhiều lần, khi thì thâu đĩa cho hãng Nippon, khi thì thâu nhạc cho những phim dính dáng tới cuộc chiến Việt Nam- bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt. 
Kỳ chị qua thâu nhạc cho phim Boatpeople, được biết chị ngụ tại khách sạn Century ở khu Ginza (một khu sang trọng bậc nhất thế giới) tôi đánh liều gọi điện thoại để mừng và hỏi thăm. Chị vui vẻ mời tôi và một số bạn tới dùng cơm tối với chị và anh Nguyễn Hoàng Đoan, chồng chị.

Chúng tôi ngẩn ngơ trước sự tráng lệ của khu khách sạn, trong bữa ăn, chị cho biết hãng phim lớn Toei sản xuất cuốn phim này, họ đài thọ tất cả mọi sự, và yêu cầu chúng tôi thoải mái muốn ăn uống gì cứ tự nhiên. 


Tôi có nói nếu không có chị thì không bao giờ chúng tôi dám đặt chân đến khu Ginza này - dù là người đã ở Nhật nhiều năm như chúng tôi. Chị cười và lái câu chuyện trở lại cái đêm ở Đông du.
 Một đêm hạnh phúc mà chị không thể quên trong đời. Chị nói, đêm đó đã mở cho chị cánh cửa đi vào thế giới.Năm 1997, đài NHK thực hiện cuốn phim về cuộc đời của chị dài 1 tiếng đồng hồ - cuốn phim có tựa là "Khánh Ly, tiếng hát của sự Đoàn tụ".
 Đài đã chọn chiếu cuốn phim đúng vào ngày 29 - 4, ngày chị phải hớt hải ôm đứa con nhỏ rời Saigon 25 năm trước đó. Theo sự yêu cầu của khán giả, cuốn phim được chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Và qua câu chuyện về đời chị, chúng tôi mới thấy dù trải qua biết bao vinh quang và tuyệt vọng, chị vẫn cố gắng gìn giữ gia đình mình, vẫn nay đây mai đó cất tiếng hát kêu gọi mọi người "ngồi gần nhau hơn".Mới đây, trong buổi hát từ biệt khán giả của nữ ca sĩ Takiko Kato, bà có mời chị sang cùng trình diễn, chị đã hát lại Diễm Xưa, rồi Quỳnh Hương và Hạ Trắng.
 Khán giả đã lên tặng hoa nhiều đến nỗi chị ôm không nổi - đó là chưa kể những bó hoa được gửi trước đến phòng thay quần áo chị. Lần này, hai vợ chồng tôi may mắn mua được vé đi xem - cả hai chỉ biết hòa theo tiếng vỗ tay kéo dài của hàng ngàn khán giả. Bà Takiko đã sáng tác tặng riêng cho chịị một bài hát. Bài Don't say goodbye - see you again. Thật sự tôi đã lặng người khi họ song ca bài hát - để từ biệt khán giả.
 Buổi hát cũng được đài NHK trực tiếp phát đi khắp nước Nhật. Và cũng được phát lại rất nhièu lần sau đó.
 Tôi không biết chị có giới thiệu những bài chị đã trình diễn ở Nhật cho mọi người Việt Nam chia sẻ niềm vui với chị không? Nhưng riêng tôi, các người bạn ở Nhật, rất hãnh diện - vì không chỉ chị đã làm rạng danh hai chữ Việt Nam - mà chị còn tặng cho chúng tôi một món quà vĩ đại nhất, trong đời.

                                   Lê Hoài Ngọc
(Viết thay cho các sinh viên VN du học ở Nhật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét