Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Chu Kỳ Xe Đạp

 Ngồi tính sổ cuộc đời, hắn thấy đúng hắn đã từng lên voi xuống chó mà nói theo văn chương hoa lá cành hay hoa lá hẹ thì cuộc đời của hắn đã trải qua 3 chìm, 7 nổi, 9 cái lênh đênh, diễn dịch ra tiếng Mỹ là “Three downs, Seven ups, Nine upside-downs”Từ ngày sang Mỹ định cư , đi đâu cũng gặp người đồng hương nên trình độ tiếng Anh của hắn vẫn dậm chân tại chỗ, chẳng tiến được bước nào.
Hắn tìm mãi trong cái đống bầy nhầy chất xám của hắn mà không biết phải dịch hai chữ lênh đênh như thế nào.
 Rồi, bỗng phúc đáo tâm linh, hắn chợt nghĩ rằng lênh đênh tức là bồng bềnh trôi nổi không định hướng mà như thế thì chắc chắn là sẽ có lúc đầu đuôi xuôi ngược, đầu dưới, chân trên và “upside-down” là từ ngữ dịch sát nghĩa nhất chữ “lênh đênh”. 
 Các giáo sư Anh Văn chắc là phục hắn sát đất! Lạ một điều là ngay trên đất Mỹ, hắn rất lười nói tiếng Mỹ thế mà mỗi lần về thăm quê hương, mồm miệng hắn tía lia tiếng Anh, tiếng Mỹ. 
Tiếng mẹ đẻ quên đâu mất hết nên phát ngôn luôn là hình thức thịt ba rọi, nửa nạc, nửa mỡ, nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt, khiến bạn bè và thân nhân hắn đôi lúc ngẩn tò te, chẳng biết hắn nói tiếng gì.
 Một hôm hắn đang ba hoa chích chòe Việt Anh lẫn lộn, Việt nhiều hơn Anh, thì bỗng một con chó nhà ai bên đường nhảy xổ ra. Hắn thất kinh hồn vía, tuôn ra một tràng tiếng mẹ đẻ thổ âm xứ Quảng: “Chó kén! Chó kén!”
 Mọi người hôm đó được một phen ôm bụng cười quên chết. Trở lại với cuộc đời ba chìm bảy nổi của hắn!
 Quả đúng là lênh đênh! Hắn 8 lần vượt biên, leo lên được “ghe taxi” xuôi ngược trên sông Cần Thơ tìm “cá lớn”.
 Năm lần thất bại, chạy rớt giép, rách quần. Hai lần bị lũ “bò vàng” tó, phải “ủ tờ”.
 Vì tội vượt biên không bao giờ được tuyên án nên không biết được ngày về, hắn đành phải uống thuốc liều tìm cách tự “thanh lý”, danh từ  có nghiã là tự tìm cách giải quyết đời mình bằng cách vượt ngục.
Dùng chữ vượt ngục cho đao to búa lớn chứ  thường gọi nhà tù là “trại giam” để giảm bớt ý nghĩa của tù ngục.
Vì thế, hắn đã hai lần vào trại giam và hai lần hắn vượt trại! Đấy là chưa kể một lần hắn lênh đênh trên biển lúc tàu vượt biên của hắn mắc cạn ở cửa biển Đại Ngãi thuộc tỉnh Sóc Trăng, hắn phải ôm một can nhựa bơi trên biển tìm vào một nông trường nhác thấy xa xa một vùng cây xanh. 
Hắn may mắn được một chiếc thuyền chài vớt khi hắn đang bơi hướng về một chỗ nước xoáy mà sau này hắn mới biết hắn suýt làm mồi cho cá biển nếu hắn cứ tiếp tục bơi về hướng đó.
  Những thuyền nhân khác cùng nhảy xuống biển với hắn để bơi vào bờ đều bị bắt lại vì vùng cây xanh kia là một khu kinh tế mới . Hú hồn, hú vía!
Nghỉ một thời gian cho quên đi những nhọc nhằn gian khổ, hắn lại tiếp tục ra đi, lần này là lần thứ tám, và thành công đến được trại tỵ nạn Galang bên xứ Nam Dương, một quần đảo nằm trên Thái Bình Dương. 

 Hắn bâng khuâng hồi tưởng những ngày sau Tháng Tư Đen khi cuộc đổi đời bắt đầu tại miền Nam, nhất là tại Saigon nơi hắn đang sinh sống êm đềm, hứa hẹn nhiều thăng tiến trong nghề nghiệp vì hắn vừa bắt được một học bổng của UNESCO đang chờ ngày sang Pháp du học.
 Một tương lai sáng lạng đang mở rộng chờ đón hắn.Hắn mơ ngày về nước trở thành một chuyên viên của UNESCO, một chuyên viên quốc tế mà nhiệm sở có thể là ở tại các nước chậm tiến.
 Với số lương của chuyên viên, hắn sẽ dành giùm được một số tiền lớn để lúc hồi hương có thể xây được nhà, tậu được xe. Hắn nghĩ đến một chức vị khá cao, cở giám đốc, phó giám đốc hay ít nhất cũng là chánh sự vụ trong các nha sở của chính phủ miền Nam nếu hắn không làm việc tại quốc ngoại trong chương trình UNESCO.
 Nhưng, tai ương khôn lường đã đổ ập xuống miền Nam Viêt Nam. Dân Việt Nam mất nước vào trong tay của người Việt Nam! Hắn ngậm ngùi vì mất tự do, mất tương lai. 
Trắng tay, hoàn toàn tay trắng, vừa nghĩa đen vừa nghĩa bóng. Nhà cao cửa lớn, quăng xe hai bánh, nhảy lên xế bốn bánh vi vút trên đường phố đến sở làm, đi Vũng Tàu , về miền Tây ăn nhậu tôm cá, trái cây ngon ngọt, tất cả giấc mơ sang giàu đó đã một sớm một chiều tiêu tan thành mây khói. Chỉ là mơ thôi! Hắn tự an ủi rằng hắn chỉ đánh mất những gì hắn chưa có trong tay, nên không đau khổ bằng những người đánh mất những gì họ đang sở hữu.
 Từ xe Honda hai bánh, hắn xuống đến xe đạp như hầu hết người dân Sai Gòn vì không có tiền mua xăng, vì muốn giấu cái giàu sang .....
Ngày ngày, đạp xe đến sở làm, bỗng dưng hắn nghĩ rằng cuộc đời hắn đã có những giai đoạn thăng trầm gắn liền với chiếc xe đạp. Hắn nhớ đến chiếc xe đạp đầu đời,
  Mẹ hắn cho tiền mướn để hắn đạp loanh quanh trong xóm lúc mới biết đạp xe. Hắn còn nhớ tên ông chủ cho thuê xe đạp mà khách hàng đa số là lũ trẻ con như hắn.
 Ông ta làm nghề hớt tóc kiêm nghề cho thuê xe đạp, những chiếc xe cũ mèm long ốc, long vít thường xuyên sút xích hay đứt xích, tay lái lỏng le, lỏng lè, xiêu vẹo mỗi khi quẹo phải, quẹo trái.
Thế mà vẫn đăt khách như tôm tươi. Hắn đã suýt là nạn nhân của sự bảo trì xe cộ hơ hỏng, cẩu thả, thiếu trách nhiệm, vô lương tâm của ông ta.
 Một hôm, hắn hí ha hí hửng thuê xe của ông ta, đạp về nhà và dựng xe ở hàng hiên, hắn mời Mẹ hắn ra xem xe và xem thằng con trai của bà trổ tài lái xe.

 Mẹ hắn âu yếm đứng nhìn hắn dắt xe ra đường và hắn tái mặt muốn khóc khi chiếc bánh trước của cái xe đạp thổ tả bỗng như một phép lạ, rời khỏi thân xe trong nỗi hốt hoảng ngao ngán của Mẹ hắn.
 Nhưng sau đó Mẹ hắn đã tươi cười trở lại, vui mừng vì đứa con trai cưng đầu lòng của Bà vừa thoát khỏi một tai nạn có thể dập mặt hay gãy cổ nếu còn cỡi trên lưng con ngựa sắt khi “hai chân” trước khuỵu xuống vì già nua còm cõi.
Nhưng rồi, nhờ vào giai thoại hi hữu này mà Bố Mẹ hắn đã quyết định dùng số tiền dành dụm từ đồng lương khiêm nhượng của công chức để mua cho hắn một chiếc xe đạp mới cáo cạnh hiêu Peugeot của Pháp.
 Xe màu đỏ hào nhoáng, tay lái và niềng xe bóng loáng có thể soi mặt vào như gương.
 Bố hắn bắt hắn hứa hẹn sẽ bảo trì xe cẩn thận tối đa để xe không bị trầy sơn và không bị rỉ sét vì khí hậu ẩm ướt nhất là sau những ngày mưa, mặc dầu hắn chẳng bao giờ được phép đạp xe dưới mưa mà sau này hắn mới biết là lãng mạn như rứa thì thôi.
 Hắn phải hứa học hành chăm chỉ để cuối năm thi đậu Tiểu học và được vào trường Trung học công lập.
  Thầy giáo dạy hắn ở lớp Nhất (Lớp 5 bây giờ), bạn đồng nghiệp với Mẹ hắn còn khuyên hắn phải có tinh thần tự lập, không ỷ lại, phải học cách sửa chữa khi xe hư lặt vặt.
 Có được chiếc xe đạp, hạnh phúc hơn tất cả các bạn học trong trường nhưng hắn không được đạp xe đến trường vì Mẹ hắn muốn hắn sống hòa đồng với mọi người.
 Có được chiếc xe đạp, niềm mơ ước đầu đời nhưng vì bị ràng buộc vào những hứa hẹn, những chăm lo khá phiền toái và mất thì giờ nên cũng chẳng sung sướng gì lắm, ngoài những lúc hạnh phúc đạp xe song song bên cạnh Mẹ hắn trong những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ thường niên. Hắn nhớ Mẹ hắn vô vàn vì Người nay đã ra đi về nơi miên viễn. 
Mẹ dạo non Tiên nương cảnh Phật và hắn buồn khóc Mẹ một trời thương! Cuộc đời hắn trải qua nhiều thăng trầm và mỗi giai đoạn dường như đều gắn liền với chiếc xe đạp.
 Hắn nhớ dạo hắn bước chân vào trường Trung học, mặc dầu đã có một kinh nghiệm trầy da, tróc vảy, trợt chân, sưng đầu gối trong nghề cỡi ngựa sắt, thế mà Bố Mẹ hắn vẫn không cho phép hắn lái xe đến trường, viện cớ hắn còn “trẻ người non dạ” lơ đễnh, dễ gặp tai nạn lưu thông. 
 Hàng ngày, Bố hắn đèo hắn trên chiếc xe Mobylette của ông, đưa hắn đến trường bên kia hữu ngạn sông Hương và lúc chiều về, hắn phải lội bộ từ trường về nhà trong khu Thành Nội, đoạn đường xa tít mù khơi, e cũng đến 5 cây số. Hắn nhớ là để đở buồn và khỏi mất thì giờ, hắn thường “nịnh” một thằng bạn học cùng lớp để thằng này cho hắn quá giang xe đạp một đoạn đường vì thằng này cũng ở trong vùng Thành Nội. 
Khi vui thì tên bạn này cho hắn ngối sau lưng và cùng nhau đạp xe về.Gặp lúc bạn hắn làm bài điểm ít hơn hắn, thế là trả thù hắn, không cho hắn quá giang.
  Ghét thế thì thôi! Sau này, gặp lại nhau, hắn thường nhắc lại kỷ niệm này và không quên đùa dai rằng vì bạn hắn không vui vẻ cho hắn qúa giang nên chiều cao của bạn hắn khiêm nhường, không cao ráo như hắn. 
 Thằng bạn này thường ao ước cao hơn được ít phân để có lợi thế khi cua đào vì hắn ta nhảy đầm rất bay bướm và có giọng ca thật truyền cảm không thua gì ca sĩ nhà nghề, chỉ phải một nỗi hơi thiếu thước.
Trong vô tình mà hắn đã áp dụng đúng phương pháp thể dục “Đi Bộ” hơn hai năm ròng, phương pháp được cổ súy rộng rãi ngày nay trên đất nước Hoa Kỳ nơi hắn giờ đây, xế hộp 4 bánh phom phom trên “Xa lộ không đèn”, trên đường phố thênh thang cho bõ những ngày còng lưng đạp xe từ Saigon vô Chợ Lớn mánh mung buôn bán thuốc Tây, những ngày tháng lênh đênh sau một chín bảy lăm, quê hương xơ xác điêu tàn.
 Mãi cho đến năm hắn học lớp Đê Ngũ (Lớp 8 bây giờ) hắn mới được Bố Mẹ cho phép đi xe đạp đến trường, sau một cuộc “briefing” căn dặn cặn kẽ như trước giờ xuất phát hành quân truy lùng vixi .
  Nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, hắn buồn cười, thương nhớ mênh mang dâng ngập hồn.
 Bố hắn giao cho hắn xử dụng chiếc xe đạp hiệu Saint Etienne chế tạo tại Pháp, một chiếc xe đạp đàn ông với chiếc đòn dông dài mút mùa Lệ Thủy, vướng chân vướng cẳng mỗi khi lên xuống trong lúc hắn thèm được cỡi xe đạp đầm  Bố hắn bảo xe đạp của Tây chắc chắn, vững vàng và đạp nhẹ không tốn sức. 
Ông làm việc với Tây nên “mê” Tây, cái gì của Tây cũng tốt, cũng đẹp, cũng ngon.
 Mà cũng đúng thật! Nhưng, trong lúc bạn bè cỡi ngựa sắt cái, xe đạp đầm, hắn lại phải ngồi trên con ngựa già lỗi thời, thì thật chẳng thích thú tí nào! 
Mẹ hắn thông cảm nỗi khổ của hắn nên bà nhường lại cho hắn chiếc xe đạp hiệu Peugeot của bà, một chiếc xe đã một thời là nỗi đam mê của nam thanh nữ tú đất Thần Kinh. Nhưng, lại chữ nhưng quái ác, cái dáng vẽ của chiếc xe này không còn hợp thời trang và nỗi buồn vẫn âm ỉ trong lòng hắn khi nhìn các bạn của hắn trên những chiếc xe đạp sản xuất tại Việt Nam, tuy phẩm chất không bằng xe của Pháp nhưng đúng “mốt”thời trang.
Hắn phải đợi đến năm cuối cùng bậc Trung học, lúc hắn lên Đà Lạt mới được sở hữu một chiếc xe đạp như lòng mong muốn.
Tha hồ bay lượn trên những con đường dốc đứng, hoa anh đào phơi phới gió Xuân. 
Lúc nào xung độ thì còng lưng đạp xe lên dốc. Lúc nào xìu xìu ễnh ễnh thì dắt xe thong thả lên đỉnh dốc rồi thả dốc vùn vụt, nghe gió lộng ào ào bên tai. 
Hết bậc Trung học, hắn về Saigòn, đời sống sinh viên, Bố, Mẹ hắn thưởng cho chiếc xe gắn máy “second-hand” mua lại của một thằng Tây con.
 Lại Tây, đời hắn sao cứ gắn liền với Tây!
 Tưởng đâu hắn đã giã từ vĩnh viễn chiếc xe đạp, ai ngờ sau Tháng Tư Đen lại còng lưng cỡi ngựa sắt! 
Duyên may đưa đẩy, cũng nhờ chiếc xe đạp mà hắn làm quen được một cô nàng xinh đẹp duyên dáng cỡi ngựa sắt đàn ông với chiếc đòn dông hắn ghét cay, ghét đắng thời Trung học. 
Sáng nào, hai đứa cũng đạp xe song song trên đường phố, đến sở làm.
 Bao giờ, gần đến sở, hắn cũng ý tứ đạp xe chậm lại để nàng vào trước rồi mới tà tà vào sau, vì vậy các bạn đồng nghiệp chẳng ai biết và nghi ngờ cuộc tình của hai đứa hắn. 
Cô nàng có chiếc áo màu hoa cà với hai cánh tay áo rộng xòe ra như đôi cánh tiên, tóc xõa ngang lưng, ăn nói dịu dàng, mềm mõng và nhỏ nhẹ, thế mà nàng ta lại ngự trên chiếc xe đạp kiểu đàn ông của chồng nàng đi “học tập” để lại cho nàng. 
Thật là hai thái cực chửi nhau chan chát! Sự kiện ngỗ ngược này đã là đề tài khôi hài cho hắn:- Con người em là cả một sự mâu thuẩn “vĩ đại”!
 Mặc áo cánh tiên, hiền dịu, cắn cơm không bể, mắt nai tơ ngơ ngác mà lại cỡi ngựa sắt mà lại ngựa đực nữa chứ! Anh thật chẳng biết Em là tiên nữ giáng trần hay Chằng tinh, Chằng lửa. Em ngỗ ngáo thật đáng yêu!
- Anh chế nhạo em phải không? Ngày mai, em không cho anh đi bên cạnh em nữa! Kỷ niệm này, hắn đã viết thành thơ, sau này lúc hắn ra hải ngoại, niềm nhớ người xưa nung nấu trong tim:Theo em sáng sáng tinh sương,
Qua con phố Thị thẳng đường Thánh Tôn
Sầu dâng từ thuở trao hôn
Duyên tình đến muộn nên hồn lao đao

Áo em màu tím hoa cà
Bay bay trong gió như là cánh tiên
Em đi dáng ngã nghiêng nghiêng
Cô miên, chiếc bóng, một thiên tình buồn.

Chiếc xe đạp theo hắn cho đến ngày hắn vượt thoát khỏi quê hương đang dần dần nhuộm đỏ, tìm về vùng đất hứa nơi hầu như vắng bóng chiếc xe đạp trên đường phố thênh thang Năm thì mười họa mới gặp được một anh chàng Mễ cỡi ngựa sắt, hình ảnh của hắn những ngày xưa hoang dại. Lòng chùng xuống thương nhớ mông lung!

                                    Hoàng Đức


                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét