Nhà thơ Phạm Thiên Thư quê ở Kiến Xương - Thái Bình nhưng sinh ở Lạc Viên - Hải Phòng. Vào năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo gia đình di cư vào Nam, ngụ tại căn nhà gần khu Tân Định - Sài Gòn.
Theo lời nhà thơ Phạm Thiên Thư tâm sự :
- “Tôi vẫn nhớ căn nhà những ngày ấy, đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định. Cha tôi xin cho tôi học tại trường trung học Văn Hiến cách nhà không xa. Tôi đã học hết tú tài ở đó. Cũng trong những năm học tú tài này, tôi để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương, ở gần nhà. Nhưng chỉ là để ý thôi chứ không dám ngỏ lời.
“Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật với mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Tôi chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, tôi lại là kẻ lẽo đẽo theo sau.
“Cô ấy ôm cặp đi trước còn tôi theo sau nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết…".
Sau khi học xong tú tài, nhà thơ Phạm Thiên Thư chọn cửa Phật làm chốn dừng chân. Ông theo học tại trường Đại học Vạn Hạnh, một trường vừa đạo vừa đời, chỉ mong gửi hồn trong lời Kinh tiếng Kệ. Nhưng về sau ông thôi không chọn đường tu và sau này gia đình ông dời về khu Ông Tạ. Còn bây giờ ông mở quán cà phê Hoa Vàng sinh sống với quá khứ nhiều kỷ niệm.
Ngày gia đình dọn đi nơi khác không còn ở sau chợ Tân Định, mỗi khi đi ngang con đường xưa, nhìn về mái trường xưa, hình ảnh người con gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông. Và trong một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã cầm bút viết lên bài thơ “Ngày xưa Hoàng thị”.
- “Đây không phải là bài thơ đầu tay của tôi. Cha tôi tuy làm nghề thuốc nhưng ông có làm thơ, tôi còn nhớ ông đã từng đoạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở Hà Nội trao tặng. Nên khi còn tuổi học trò, tôi làm vài bài thơ và được cha tôi khen hay.
Nhưng tôi làm thơ chủ yếu để trải lòng mình chứ không làm thơ chuyên nghiệp. Mãi đến năm 1968, tôi mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên. In ít thôi, chủ yếu để mình đọc và tặng một số bạn bè thân quen. Tôi chẳng muốn nhiều người biết về mình.
“Còn về bài thơ “Ngày xưa Hoàng thị”, là khi nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài “Đạo Ca” do tôi viết lời, Phạm Duy tình cờ đọc được. Tôi cũng không nghĩ Phạm Duy lại thích bài thơ này đến như thế, nhạc sĩ đề nghị được phổ nhạc bài thơ đó. Dĩ nhiên được một nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng.
Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sĩ Phạm Duy đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng”.
“Vào những năm 70, nhạc phẩm “Ngày xưa Hoàng thị” đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam. Nữ ca sĩ Thanh Thúy là người đầu tiên thể hiện bài hát này và sau đó nhiều ca sĩ khác cũng chọn bài “Ngày xưa Hoàng thị” để hát, tạo thành trào lưu. Thậm chí báo chí Sài Gòn thời bấy giờ cũng vào cuộc, nêu câu hỏi “Nhân vật chính trong “Ngày xưa Hoàng thị” là ai ?”
. Một số người tự nhận mình là nhân vật của bài thơ, số khác thì phân tích bài thơ rồi cho rằng nhân vật chính trong bài thơ là cô A, cô B nào đó... Ngày đó báo chí cũng gặp tôi hỏi chuyện, tôi nói rằng đó là cô Hoàng Thị Ngọ nhưng không biết tại sao nhiều người vẫn không tin”. .
Ngoài bài “Ngày xưa Hoàng thị”, nhạc sĩ Phạm Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của nhà thơ Phạm Thiên Thư như Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa tình sầu, Em lễ chùa này…
Còn bây giờ căn nhà của nhà thơ đang ở nằm trong khu cư xá Bắc Hải thuộc Quận 10 gần ngã ba Ông Tạ, đây cũng là một quán cà phê nhỏ mang tên “Hoa vàng”, có lẽ nhà thơ lấy từ bài “Đưa em tìm động hoa vàng” để đặt tên. Quán nhỏ nhưng bài trí khá đẹp nên khá đông khách.
Dư luận trong giới thi văn hải ngoại trước đây thường xôn xao về việc “đã phát hiện ra bà Hoàng Thị Ngọ”, nhân vật trữ tình trong bài thơ nổi tiếng “Ngày xưa Hoàng Thị” của nhà thơ Phạm Thiên Thư, bài thơ này càng nổi tiếng hơn sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trước 1975 ở Sài Gòn.
Đi tìm "Hoàng thị..."
Bởi vì lúc đó sau khi bà Hoàng Dược Thảo từng là vợ của nhà thơ Du Tử Lê (đã ly dị) đang có tờ báo Sài Gòn Nhỏ trong tay, bà tự nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, thì Tuần báo Việt ở Mỹ vào năm 2005 đã đăng tải một bức thư của nhà thơ Phạm Thiên Thư do chính tay nhạc sĩ Phạm Duy chuyển cho báo chí, nhà thơ phủ nhận “nhân vật nữ” đó – bà Hoàng Dược Thảo tên thật Huỳnh Thụy Châu – không phải “Hoàng thi…” của mình.Gần đây nhất cũng tại quận Cam bên Hoa Kỳ, lại xuất hiện một người đàn ông khẳng định rằng mình có liên hệ tới cô Hoàng Thị Ngọ “thứ thiệt” (?).
Tuy thực hư còn phải kiểm chứng. nhưng xét thấy đây cũng là một câu chuyện khá thú vị về một thi phẩm nhạc phẩm đang vang dậy lòng người, nên chúng ta hãy cùng theo dõi các thông tin dưới đây và đây là bài phỏng vấn của phóng viên NQM với nhân vật vừa nêu trên.
Người đàn ông này là một nhân vật kín đáo, không muốn khoe khoang về mình, cũng không muốn làm chuyện “giựt gân”. Tuy nhiên như ông nói, rất muốn được gặp lại “cố nhân” tức cô HoàngThị Ngọ. Theo ông, Hoàng Thị Ngọ hiện đang có mặt tại Cali (?).
Người đàn ông này nói tiếp, dù ông đã có vợ con đang sống rất hạnh phúc, nhưng vì có bài báo phủ nhận tin bà Hoàng Dược Thảo là Hoàng Thị Ngọ, nên ông chỉ muốn được gặp lại Ngọ, để có thể giúp gì được cho tri kỷ đã không gặp nhau từ mấy chục năm qua. Nhân vật xin được giấu tên nên được viết tắt là H.H.
Khi phóng viên NQM hỏi, ông quen với cô Hoàng Thị Ngọ, nhân vật trong thơ/nhạc của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy trong trường hợp nào? Được ông H.H. trả lời:
- “Đó vào khoảng năm 1963, 1964. Nhà của Ngọ ở đường Trần Quang Khải, gần trường Văn Hiến (gấn ngã ba Hai Bà Trưng – Cầu Kiệu)…
Mỗi lần cô đi học phải đi ngang nhà tôi. Nhà tôi ở số 90 trên đường Trần Quang Khải. Trường Văn Hiến cách nhà tôi chỉ độ 100 thước.
Tôi thấy cổ thiệt là hiền hậu, dễ thương nên mới viết thư làm quen. Năm đó tôi đang học Đệ thất, còn Ngọ cũng chỉ độ bằng tuổi tôi thôi. Gốc Hải Dương, gia đình Công Giáo.
“Tôi viết thư gởi cho Ngọ, cổ đáp ứng, mời tới nhà chơi. Ba của Ngọ là một nhà thầu khoán, gia đình rất khá, có anh chị em đi du học, làm bác sĩ, kỹ sư thời đó.
Thành thật mà nói, Ngọ không phải là một thiếu nữ có nhan sắc lộng lẫy.
Ngọ có mái tóc dài ngang lưng. Thường khi đi học, chỉ mặc hai màu áo vàng và đen. Nhưng rất là dễ thương…
Một vài năm, tôi trở về thăm Ngọ, cổ kể lại cho tôi nghe về một người con trai theo đuổi Ngọ, viết thơ cho Ngọ, nhưng cô ấy từ chối, không nhận mối tình đó. Người đó sau này cạo đầu đi tu, đó chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư như chúng ta ai ai cũng biết. Và bài thơ “Ngày xưa Hoàng thị” làm ra lúc Phạm Thiên Thư đã đi tu.
Sau này, bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở nên một bài hát có một thời vang bóng. Nói tóm lại, Hoàng Thị Ngọ không có gì với nhà thơ họ Phạm kia.
- Như vậy, Hoàng Thị Ngọ là người yêu của ông ?
- Nói là người yêu, tôi e là cũng không đúng. Nó lưng chừng thôi. Chúng tôi có đi xem phim với nhau, nhưng rồi tôi đi lính, trở lại… do đó chuyện liên hệ giữa tôi và Hoàng Thị Ngọ cũng không liên tục. Cho tới sau 75, mỗi người phải bươn chải riêng.
Tới năm 1978, tôi mới liên lạc gặp lại Ngọ tại nhà. Lúc đó, tôi đã có gia đình.
Tôi nói: “Ngọ à, bây giờ tôi có tổ chức tàu đi vượt biên, đây là cơ hội cuối cùng tôi muốn giúp Ngọ, nếu Ngọ muốn đi vượt biên với tôi, tôi sẽ cho Ngọ cùng thêm 1 người nữa cùng đi. Lúc đó Ngọ chưa có gia đình. Chỉ có tôi là có vợ con.
Ngọ nói để cổ suy nghĩ vài ngày. Sau đó tôi trở lại, Ngọ cho biết gia đình cô ấy có tới 4 người, nếu đi 2, bỏ lại 2 thì không được.
Do đó, nếu đi thì đi hết, còn không thì thôi. Trong hoàn cảnh đó, phần tôi chỉ có thể lo cho 2 người, nên không thể làm gì hơn được. Tôi đi được… còn Ngọ ở lại.
Từ đó chúng tôi mất liên lạc luôn. Mới đây tôi có về Việt Nam, tôi có ghé lại khu nhà Ngọ ở hồi trước, đó là căn nhà số 19E, đường Lý Trần Quán (tên cũ, bây giờ đổi Thạch Thị Thanh) gần khu chợ Tân Định.
Khi vào khu nhà Ngọ, bà hàng xóm vẫn nhận ra tôi. Bà cho tôi biết là gia đình Ngọ đã bán nhà, dọn đi nơi khác từ lâu lắm rồi. Nghe nói hiện ngay Ngọ đang ở Mỹ, ở California ! Tôi nghe thì cũng buồn, nhưng lại vui vì biết cổ đang ở Cali.
- Xin ông mô tả lại chân dung của Hoàng Thị Ngọ theo trí nhớ của ông ?
- Ngọ chỉ là một thiếu nữ tầm thước, cỡ 5’2” (cao cỡ thước rưỡi), ốm, da mặt không đẹp lắm, rơm rơm một chút. Tóc dài, chải thẳng ra phía sau mà không rẽ ngôi. Mặt hơi xương xương, dài dài.
Ngọ có một cái mụn ruồi cũng hơi lớn lớn dưới cánh mũi bên phải. Một nhan sắc trung bình.
Chỉ có dáng mặc áo dài rất đẹp. Tôi mê vóc dáng và mái tóc đó, đúng là một cô gái Việt Nam. Đi đứng nghiêm trang, không ngó qua ngó lại. Mặt nhìn thẳng, nhìn lên chút xíu. M Một mẫu người con gái có bị mưa cũng không dám chạy. Rất Việt Nam.
Bây giờ có gặp lại chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng tôi rất muốn gặp lại Ngọ. Hồi đó chúng tôi viết cho nhau những câu đùa vui, rất dễ thương, như lúc tôi đi lính đã từng viết là : “Nếu mà anh tử trận, hồn anh sẽ về báo tin cho em biết, em có sợ không?”.
Ngọ trả lời tôi rằng : “Em sẽ không sợ đâu. Dù anh là lính chết trận, là ma, nhưng với em, anh là con ma dễ thương !”Cổ (H.H. nói giọng Nam, tức nói về cô Ngọ) là một trí thức, tiếng Pháp giỏi, có khả năng viết văn bằng tiếng Pháp.
Hình như cổ sau nay cũng học tại đại học Vạn Hạnh cùng thời với nhà thơ Phạm Thiên Thư nữa.
Theo Ngọ kể, nhà thơ si tình Ngọ dữ lắm, đi theo chọc, làm thơ, rồi thất tình dữ lắm v.v... Nhưng Ngọ không đáp lại mối tình si này.
Còn tôi, cũng không biết Ngọ thích tôi ở điểm gì. Tôi nghĩ nếu không phải thời chiến, chuyện tình cảm của chúng tôi không chừng sẽ tiến xa thêm.
Vì thời của chúng tôi, khoảng cách giữa nam và nữ rất nghiêm túc, nên hầu như giữa chúng tôi không có vấn đề gì khác ngoài kỷ niệm. Tôi viết cho Ngọ khoảng 10 lá thư, và Ngọ cũng trả lời cho tôi khoảng bằng đó lá thư
Thư viết cho nhau cũng không phải là người yêu viết cho người yêu, mà như hai người bạn thân. Tôi nghĩ, có lẽ tình bạn này mới là bất diệt.
Nhân chuyện Tuần báo Việt nhắc tới bài thơ và nhạc “Ngày xưaq Hoàng thị”, rồi có người ngộ nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, rồi nhạc sĩ Phạm Duy phải đi đính chính v.v..., tôi thấy mình cần lên tiếng.
Tuy nhiên, về phía Ngọ, nếu Ngọ có mặt ở Cali, tôi là người rất muốn được gặp lại bạn xưa, xem nhau như tri kỷ mà thôi, chứ không dám mong gì hơn.
Câu chuyện trên đây như một chút “gia vị” thêm vào thi phẩm “Ngày xưa Hoàng Thị” của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Nếu như HoàngThị Ngọ là một Việt kiều hiện đang định cư tại California, và tình cờ đọc được bài viết này thì mong nhận được thông tin từ bà để xác tín về một “nhân vật trữ tình” trong một thi – nhạc phẩm từng gây những cảm xúc cho những người hâm mộ thi ca và âm nhạc. Là lời Tuần báo Việt kết thúc bài viết trên.
Sự thật về Hoàng Thị Ngọ ?
Có lẽ nhân vật nữ Hoàng Thị Ngọ không ở California, càng không phải là bà Hoàng Dược Thảo; hay như ông H.H. cho biết Ngọ là con gái của một nhà thầu khoán.
Bởi giới văn nghệ sĩ Sài Gòn ai cũng biết Hoàng Thị Ngọ là ai, con của ai và nhất là nhà thơ Phạm Thiên Thư càng biết rõ hơn.
Tuy nhiên chính “nhân vật nữ” này không bao giờ tự nhận mình là “Hoàng thị..” ngày xưa của Phạm Thiên Thư, nhưng “nhân vật nữ”này từng sống chung với nhà thơ từng muốn đi vào cửa Thiền.
Vì “Hoàng thị…” không phải là tên họ của “nhân vật nữ” này, đấy chỉ là một ẩn dụ từ một cảm xúc của nhà thơ khi sáng tác ra bài thơ “Ngày xưa Hoàng thị”.
Tại sao “nhân vật nữ” này biết đến tình cảm của nhà thơ Phạm Thiên Thư nhưng không tự nhận mình là nhân vật Hoàng Thị Ngọ, theo sự tưởng tượng của nhà thơ đã cố giấu tên vì một nguyên nhân khác, và chính “người ấy” đã có thời gian sống cùng với nhà thơ.
Vậy “nhân vật nữ”này là ai ?
Mọi người nói chính là nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị, con gái của nhà văn Hoàng Ly. Lúc biết nhà thơ Phạm Thiên Thư, bà vẫn còn đang cắp sách đến trường, chưa biết làm thơ.
Sau này theo hiện tượng “văn nghệ trẻ” đang bộc phát trong giới học đường, bà bắt đầu đi theo nghiệp văn chương như cha của bà, tức nhà văn nổi tiếng chuyên viết tiểu thuyết đường rừng, có tên tuổi từ miền Bắc trước năm 1954 và sau khi gia đình vào Nam ông vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết đăng báo hàng ngày. Mai Trinh là con gái của người vợ đầu của nhà văn Hoàng Ly (nhưng lại sinh sau con của bà hai). Bà cũng viết văn nhưng lại nổi tiếng về thơ.
Mai Trinh Đỗ Thị hay Phạm Thiên Thư bây giờ đều là nhà thơ, mà nhà thơ nào cũng mang thứ tình cảm lãng mạn trong người, không thích phô trương, nhất là trong tình cảm nam nữ, nói xa hơn cả hai đã ly dị, mỗi người tìm lấy cuộc sống riêng (nhà thơ Phạm Thiên Thư giờ đã có gia đình khác, có vợ có con riêng). Cũng bởi do cả hai từng biết nhau qua cuộc sống, còn bây giờ tình cảm chỉ còn là kỷ niệm, nên nhà thơ Phạm Thiên Thư chỉ tâm sự
: “Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Tôi chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, tôi lại là kẻ lẽo đẽo theo sau”.
Vì sao giới văn nghệ sĩ Sài Gòn lại cho rằng Mai Trinh Đỗ Thị chính là “Hoàng thị ngày xưa” của nhà thơ Phạm Thiên Thư Dù Mai Trinh một thời từng là vợ của nhà thơ.
Xin thưa “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, trong những lúc nhà thơ không đè nén được cảm xúc nhất thời đã bộc bạch ra thân phận của “nhân vật nữ” trong bài thơ “Ngày xưa Hoàng thị”, tên họ chỉ mang một ẩn dụ tức có nghĩa “bà Hoàng” hay “Hoàng hậu” trong tâm hồn nhà thơ; và nói cô gái đó tên Hoàng Thị Ngọ để mang sự lãng mạn, bí ẩn, cũng như không đánh mất kỷ niệm đẹp trong lòng mọi người.
Còn với Mai Trinh Đỗ Thị trước đây và bây giờ, dù tình chung không còn và bà thuộc giới phụ nữ trầm lặng, kín tiếng; không hề lên tiếng phủ nhận hoặc chấp nhận mình từng là “Hoàng thị” của nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhưng bà không thể phủ nhận mình từng là vợ của nhà thơ Phạm Thiên Thư !
Nguyễn Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét