Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Tiếng nẫu dấu yêu


Thằng Cún con tôi vừa lên hai tuổi. 
Hằng ngày, lật quyển sách hướng dẫn thi lấy bằng lái xe mô tô mà vợ tôi đang học để chuẩn bị thi, chỉ vào các hình vẽ trên đó, bập bẹ tự hỏi: “Xe lam của ai đây?”, vợ tôi không biết nói sao với nó nữa, đành trả lời: “Xe lam của nẫu á!”, và khi thằng nhóc hỏi “Nẫu là ai?” thì vợ tôi không thể giải thích với nó được, bèn nổi xung lên, hét: “Nẫu là nẫu chứ còn ai nữa!”.
 Thằng Cún chấp nhận cái khái niệm “nẫu là nẫu” ấy, và cũng kể từ khi biết nói này, nó có thêm một từ vựng mới trong kho từ vựng ít ỏi mà nó bắt đầu thu nạp.Tôi cũng chẳng nhớ mình bắt đầu nói từ “nẫu” bao giờ trong đời, chắc ngày xưa tôi cũng hỏi má tôi như thằng Cún hỏi vợ tôi bây giờ, và chắc là má cũng giải thích khó hiểu như vậy. 
Lớn lên, tôi mới biết, cả đất nước này, chỉ có Phú Yên (và một phần của hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa) là “xài” từ “nẫu”, tôi và nhiều người khác cùng quê được gọi là “dân xứ nẫu”.
 Hồi đi học đại học ở Saigon, giọng nói đặc trưng “dân nẫu” của tôi không lạc vào đâu được.
 Thay vì nói “vào tận trong đó” thì tôi lại bảo “dô tuốt trỏng”; thay vì nói “đừng phá người ta”, tôi lại bảo “đừng chọc nẫu”...
 Đối với lũ bạn tôi ở đại học, mỗi khi tôi nói là hình như chúng tìm thấy được một chút gì đó dị biệt trong cách dùng từ.
 Nhiều khi tôi cũng “cải tiến” cách nói của mình đôi chút để khỏi làm khó cho người (lạ) nghe, nhưng hình như cái cách nói của quê - cách nói mà từ khi tôi vừa bập bẹ như con tôi bây giờ tôi đã biết - từ trong xương trong thịt, cứ đợi tôi sơ hở là vụt ra khỏi miệng.
 Dĩ nhiên, tôi không ngượng ngùng vì điều đó. Tôi vốn cũng là người rất ghét cái thói đi đến đất khác vài ngày, khi về lại quê lại trở giọng “người lạ” ra khoe, thường không được khen mà còn bị khinh, lạc lõng lắm! 
Tôi nhớ, hồi tôi viết một bài báo về việc Phú Yên đầu tư xây dựng đường đi bộ lên đỉnh Đá Bia đăng trên một tờ báo ở Saigon, một báo điện tử dịch nó ra tiếng Anh, đến câu ca dao “Mất chồng như nẫu mất trâu” thì cái từ “nẫu” đã khiến người dịch “bó phép”.
 Anh ta điện thoại cho tôi nhờ giải thích giúp, cho biết là lục khắp các từ điển tiếng Việt rồi mà không thấy có từ “nẫu”.
 Tôi cũng chỉ giải thích cho anh ta rằng “nẫu” là tiếng địa phương của Phú Yên, có nghĩa là “họ”, là “người ta”, hiểu số ít cũng được mà số nhiều cũng được.
 Tất nhiên, đấy chỉ là cách hiểu suy đoán của tôi, tôi tự thấy là chưa đủ nghĩa, nhưng biết làm sao được! Ngày trước má tôi thì giải thích “nẫu là nẫu”, còn thầy cô giáo của tôi từ tiểu học đến đại học chưa ai giải nghĩa cho tôi cái từ mà tôi quá quen thuộc này cả! Mà tôi cũng đâu hỏi họ bao giờ, bởi từ xưa nay, dân quê tôi vẫn dùng nó và đã hiểu tường tận về nó rồi. Đấy, như cách vợ tôi biết từ “nẫu” và “truyền” lại cho thằng con hai tuổi của tôi vậy.

                              Nguyễn Quốc Khương


                       **********************
   @  tks t/g mới nghe không quen chưa thấy dễ thương chút nào ,khi nghe lâu rồi cũng nên đồng ý với t/g

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét