Đúng là luôn luôn trong óc tôi thưở ấu thơ, Chợ Lớn là một phố khách. Người Tầu sống trong đó là những người khách, nhiều người Việt thích gọi họ là “khách trú” hơn “các chú”. Gần sát nách đó, nhưng vẫn là khách.
Một thế giới hoàn toàn khác biệt. Những bảng hiệu người Việt đọc không hiểu, cách ăn mặc (áo xẩm, áo xường xám …) khác biệt. Ngôn ngữ khác biệt, nếu họ muốn nói tiếng Tầu với nhau, người Việt không hiểu, nhưng người Việt nói gì, phần đông họ hiểu.
Những ngõ ngách trong Sàigòn thân quen với tôi bao nhiêu, thì trong Chợ Lớn lại kỳ bí, đáng ngại bấy nhiêu.
Có lần đi xe Honda tìm nhà trong vài xóm tại Chợ Lớn, tôi có cảm giác có hàng chục con mắt theo dõi mình ngay từ đầu xóm, dù rằng phần đông đều là những ánh mắt hiền lành, nhưng cảm giác mình là kẻ xa lạ rất rõ rệt. Cảm giác thực của sư “tha hương trên chính quê hương”.
Ngay cả cách thờ phượng cũng khác người Việt. Những bức tượng Quan Công, Châu Xương, Quan Bình đặt ở đâu là tờ giấy khai nguyên quán của chủ nhà gần như trúng trên 90%.
Người Việt ít ai thờ Quan Công lắm, có thể nói là người Việt gốc thì hoàn toàn không .
Kiến trúc nhà cửa tại Chợ Lớn giống những Phố Tầu trên khắp thế giới nhiều hơn là giống kiến trúc người Việt.Nhất là từ sau khi người Pháp đặt sự cai trị tại Miền Nam, thì Sài Gòn có nhiều khu nhà kiến trúc theo kiểu thực dân Pháp, dần dần được Việt Nam hóa, phân biệt rạch ròi hai lối ở khác hẳn nhau.
“Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Giới anh chị Chợ Lớn cũng có trùm riêng cai trị, tên là Mã Thầu Dậu
Chợ Lớn đã có những trường Tầu, mà vài người bạn Tầu hồi nhỏ trong xóm tôi, phải về đó “du học”. Trường nổi tiếng nhất là trường Bác Ái.
Với nhiều tiệm ăn Trung Hoa, Chợ Lớn đương nhiên là nơi ăn uống rất ngon, và với tài năng buôn bán của cộng đồng Hoa Kiều, cộng với hệ thống mạng lưới kinh doanh chằng chịt trong nước, lẫn Đông Nam Á. Chợ Lớn đương nhiên có những chi phối nhất định trên nền kinh tế cả nước Việt Nam.
Trên lãnh vực chính trị, Chợ Lớn hồi đó, nghiễm nhiên được đa số người dân Việt Nam, hiểu ngầm là có những quan hệ sâu xa với Hồng Kông, Đài Loan và Trung Hoa Lục Địa.
Không rõ 10 bang người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn vào giai đoạn ông Mã Tuyên làm tổng bang trưởng, là gì, nhưng 5 bang chính gọi là “ngũ bang” gồm Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam, và Phước Kiến.Nhiều người Hoa (Tầu) đến từ những tỉnh miền duyên hải phía Nam Trung Hoa (từ sông Dương Tử trở xuống) định cư tại Chợ Lớn. Họ họp nhau, sống chung với nhiều phân khu từng bang hội, tùy theo gốc tích cố hương, vừa vui sống mà vừa dễ sống.
Trong giai đoạn phát triển Chợ Lớn, dưới thời Pháp thuộc, họ được người Pháp cho nhiều dễ dãi, thoải mái, điển hình là việc xây dựng nhà cửa, phố xá, quy hoạch những khu dân cư, cho phù hợp với lối sống truyền thống của họ, miễn là hòa nhập vào môi trường địa lý, sinh hoạt mới .
Do đó, những tên hẻm được đặt với những từ cuối như Lý, Hạng, Phường đã được thấy, như hẻm Tuệ Huê Lý (làng Tuệ Huê) ở bên hông hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông, còn sót lại cho đến năm nay (2012), sau nhiều biến cố đổi thay “thương hải biến vi tang điền”.
Lý như trong “lý trưởng” có nghĩa tương đương với làng, hoặc thôn. Đó là một quần thể tập hợp khoảng vài chục nóc nhà, họp thành một đơn vị cư trú.
Hạng như trong câu thơ “Từ Ô Y Hạng rủ rê sang” của nhà thơ Quách Tấn, có thể dịch là xóm, qui tụ khoảng mươi nóc nhà cận kề nhau.
Thường ra, một ông đại gia nào đó, mua một khoảng đất lớn sát một con lộ lớn.
Trên miếng đất đó ông cho xây ngoài mặt tiền những cửa hàng xoay cửa chính ra ngoài lộ.
Giữa những cửa hàng đó, có một con hẻm dẫn vào một khu xóm nhỏ, được lập ở phần sau khu đất, khoảng 7-8 căn nhà, cho họ hàng, con cháu của chủ nhân ở.
Đầu con hẻm thường đắp chữ nổi, hay có bảng gỗ nói lên nơi chốn cố hương của chủ nhân, chẳng hạn “Thái Hồ Hạng”, “Xóm Thái Hồ” vì quê cũ của ông ta ở Hàng Châu Còn Phường lại là nơi qui tụ những người cùng chung một nghề với nhau.
Thường là một hẻm cụt, gồm vài chục căn nhà mà những người làm cùng nghề, hoặc chung một ông chủ, chung tiền ra mua, hoặc được chủ cho ở.
Thí dụ như hẻm “Hào Sỹ Phường” là nơi có 34 căn nhà của những công nhân làm nghề chế tạo xà phòng (xà bông) , chà gạo cho một ông tên là Hào Sỹ.
Phố Tầu tại Nhật không nằm ngay thủ đô Edo (Tokyo), mà nằm tại thị trấn cảng Yokohama. Phố Tàu tại Pháp nằm tại quận số 13, bao bởi 3 con đường rue de Tolbiac, avenue de Choisy và boulevard Masséna.
Cả hai khu Phố Tầu này không lớn, không được nằm ở khu trung tâm thành phố, nhưng cũng như hầu hết mọi khu Phố Tầu nào khác trên thế giới, đều phải có một cái đền, mà nhiều người gọi là chùa Tầu. Thiếu đền Tầu, chùa Tầu thì không thể gọi là Phố Tầu.
Đương nhiên là Phố Tầu lớn hạng nhất trên thế giới như tầm cỡ Chợ Lớn phải có một cái đền, đó là Đình Minh Hương. Chữ “hương” mới đầu viết Hán tự theo nghĩa là “hương hỏa” tức “cúng kiếng”, sau viết theo nghĩa “làng” từ năm 1827. (1).
Đền này với cái tên không, cũng đủ cho thấy sự khác biệt với các đền Phố Tầu khác.
Đình chứ không phải là đền. Đình trong văn hóa Việt Nam là đơn vị quan trọng dính liền với làng.
Đình Minh Hương được dựng cho làng Minh Hương, chứ không phải cho một phố buôn bán, như những Phố Tầu mà ta thấy tại khắp nơi trên thế giới.
Người Tầu qua Chợ Lớn (Việt Nam) sinh sống không phải vì sinh kế như tại Úc, hoặc Mỹ (phong trào đổ xô kiếm vàng), hay vì lý do thương mại như tại Nhật…
Họ qua vì lý do chính trị (như họ đến Canada, Vancouver sau này, khi Hương Cảng phải trả lại cho Trung Hoa Lục Địa).
Chợ Lớn dã được xây dựng bởi những con người tỵ nạn chính trị. Minh Hương có nghĩa là những người dân Tầu đi theo những di thần-di tướng, dưới triều Minh (1368-1644), vì không chấp nhận nhà Thanh toàn chiếm nước họ (1662), nên đã phải bỏ qua Việt Nam, sau cái chết của vua Vĩnh Lịch Chu Do Lang.
Qua tới Việt Nam, bất kể nguồn gốc cố hương, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ, hay Phước Kiến…, nói phương ngữ khác nhau, các di dân nhà Minh cũng quây quần sống chung với nhau, tổ chức thành làng xã, theo kiểu Việt Nam, và cũng xây cái đình như người Việt Nam.
Trong đình, thay vì họ thờ Phật, Thánh hay Quan Công như mọi Đền Tầu nơi khác, mà thờ Thành Hoàng, các bậc tiên hiền, hậu chủ, và các danh nhân gốc Minh Hương, như vị võ tướng Trần Thượng Xuyên, một trong những di tướng nhà Minh, sau thành doanh nhân, khai phá Cù Lao Phố.Hay một ông tướng học trò của Võ Trường Toản, mà ông nội đã có mặt trong nhóm 3000 người tỵ nạn tại Đàng Trong, tên là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), người đã có công lớn phò tá vua Gia Long,Trịnh Hoài Đức lại là tác giả những bộ sách địa dư chí nói về vùng đất Gia Định (sáng tác bộ Gia Định Thành Thông Chí, đồng sáng tác Gia Định Tam Gia Thi).
Nhưng đặc biệt nhất là Đình Minh Hương có thờ Vị Thống Suất VN là Nguyễn Hữn Cảnh
Tóm lại, vào mùa xuân năm 1679, tức là năm mà các tướng quân thuộc lực lượng “Kháng Thanh Phục Minh” của Trịnh Thành Công (Hán tự Giản thể:郑成功, Phồn thể: 鄭成功, bính âm: Zhèng Chénggōng) trước đây, từ Trung Hoa mang 3000 di thần, di dân nhà Minh di tản trên 50-60 chiến thuyền tới các cửa tại Thuận An, Đà Nẵng xin tị nạn, thì ông phó vương Miên trấn thủ vùng Thủy Chân Lạp là Nặc Ông Nộn, đang có kinh thành tại Prei Nokor (Sài Gòn), lại là con ruột của công chúa Ngọc Vạn, và là anh em họ với Chúa Hiền (cháu gọi Sải Vương là ông nội).
Chúa Hiền liền viết thư cho Nặc Ông Nộn, yêu cầu Nặc Ông Nộn chia cấp đất cho 3000 di dân Minh Hương làm ăn sinh sống quanh vùng Prei Nokor, nhân thể trở thành lực lượng bảo vệ cho triều đình phó vương Chân Lạp lai Việt này. Phó vương Nặc Ông Nộn đồng ý.
Có lẽ, Chúa Hiền lúc đó đang ngần ngại về việc phải đưa quân đi xa mang tiếng. “Ngặt cái, nếu không đỡ đần người anh em họ, thì chắc Nặc Ông Nộn sẽ khó mà trụ lâu.
Nay nhân gặp chuyện khó xử, chuyển xui thành hên, phân nhóm 3000 người tỵ nạn ra làm hai, cho họ tới khai khẩn đất, tự sống, không tốn tiền ai cả”.
Hơn nữa, với võ công đã có, hai nhóm người này dư sức tự bảo vệ, và bảo vệ cho cả triều đình phó vương Nặc Ông Nộn.
Nhưng, Chúa Hiền cũng ngại, nếu cho họp hết 3000 người vào một nơi, họ có thể tạo thành thế lực lớn, gây nguy hiểm cho phó vương.Do đó, giải pháp tốt đẹp nhất là phân ra làm hai nhóm, cho người hướng dẫn đưa họ tới hai miền đã có người Việt sinh sống, hơi xa khu triều đình tại Prei Nokor, tránh được nguy cơ chính trị, nhưng lại là hai cửa chắn tầm mức chiến lược quân sự quan trọng để bảo vệ Đàng Thổ.
Còn những toan tính “xâm thực” dần dần, có thể có hay không, trong lòng Chúa Hiền, và các đại quan người Việt…, lại là một chuyện khác, thật khó có bằng cớ để luận bàn những “toan tính lịch sử”.
Như vậy, coi như đã sáng tỏ việc tại sao, viên cựu tổng binh nhà Minh ở thành Long Môn, Quảng Tây, Dương Ngạn Địch (楊彥迪,-1688), đã được phép triều đình Huế đem thuyền chở người đến vùng đất Peam Mesar (Mỹ Tho) tiến vào cửa Lồi Lạp, theo cửa Đại, cửa Tiểu, qua Xoài Rạp để khai khẩn, sinh sống. và viên cựu tổng binh ba châu Cao, Lôi, Liêm, Quảng Đông, Trần Thượng Xuyên ((陳上川, 1655–1720)) đem thuyền chở người vào cửa Cần Giờ, đến ở vùng Kâmpéâp Srêkatrey (Biên Hòa) định cư tại Bàn Lân.
Ba ngàn người Minh Hương, coi như những người “Việt vừa nhập tịch”, đã được triều đình Chân Lạp, đại diện là một vị Phó Vương, đầu tiên chính thức cấp đất, làm chủ tại Miền Nam.
Khác với đoàn thuyền của cựu tổng binh Zhèng Chénggong (hay Yang Andi hay Dương Ngạn Địch) đi tới một nơi không có đồn lũy của nhà Nguyễn được ghi rõ lại trong sử (dù rằng người Việt đã tới sinh sống tại đây từ trước, do đó triều đình Huế mới chỉ định chỗ đến).
Đoàn thuyền của cựu tổng binh Chen Shang Chuan (Trần Thượng Xuyên) đi qua cửa Cần Giờ, vào đến Bến Nghé, không thể nào không tiếp xúc với người Việt đang sinh sống ở đó, nơi có hai cơ sở hành chánh là hai trạm thu thuế đã được Chúa Sải lập từ năm 1623, một ở Bến Nghé
(Quận I vào năm 2012, hồi đó có tên là Kas Krabei, sau là Bến Nghé), và một ở Phiên Trấn (Quận 5 vào năm 2012 hồi đó có tên là Prei Nokor, sau là Sài Gòn rồi Chợ Lớn).
Người Việt sống tại đây được một đồn dinh bảo vệ, được lập cùng năm, tên là đồn binh Tân Mỹ, gần chợ Thái Bình ngày nay.
. Khu vực giữa Kas Krobei và Prei Nokor là nơi các thương nhân Việt Nam sinh sống, khi họ đi làm ăn với các nước Xiêm, Chân Lạp…
Mười chín năm sau đó, tức vào năm 1698, ngay tại vùng Phiên Trấn này, đã thấy hình thành làng Minh Hương đầu tiên tại Việt Nam. Đến đây, ta có thể đặt ra câu hỏi: “Tại sao làng Minh Hương đầu tiên không được thành lập tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), một nơi cưc kỳ phồn hoa đô hội, hay vùng Mỹ Tho là nơi dân Minh Hương đang canh tác, và phát triển nông- công-ngư nghiệp ?”.
Câu trả lời có thể, đây là đầu cầu liên lạc chính thức giữa những người Minh Hương và người Việt.
Đó là nơi mà người Minh Hương đã gặp quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam lập phủ Gia Định (1698), xác nhận quyền sở hữu chính trị của người Việt, để xin thành lập làng Minh Hương ngay trên vùng lãnh thổ mới khai sinh.
Những nhân vật đại diện người Minh Hương tại đây phải là những người cự phách, được sự tin cẩn của mọi bang hội người Minh Hương, không những từ trong trăm lúc trước& ( theo Gia Định thành thông chí)
Những người Minh Hương còn sống sót bồng bế nhau lánh nạn về Bến Nghé, và Phiên Trấn.
Họ hợp với nhóm người Hoa Kiều tỵ nạn họa Tây Sơn từ Mỹ Tho, và những vùng khác, thành đợt di cư lớn năm 1788, tới vùng mà sau này gọi là Chợ Lớn (trước 30/04/1975; quận 5, quận 6 sau 1975).
Họ lập chợ, biến vùng này thành trung tâm thương mại lớn nhất Miền Nam sau này, khi Cù Lao Phố tàn tạ, còn Mỹ Tho dần bị Việt hóa, dù nền sản xuất nông - ngư sản và kinh doanh hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển ngoạn mục, đặc biệt là ngành buôn bán, giao thông đường thủy.
Người Việt đánh nhau là một chuyện, việc mua bán với nước ngoài, và bên trong nước vẫn tiếp diễn.
Về chuyện Chợ Quách Đàm( theo lời kể Vương Hồng Sển ) ngày 12-4-1961, ông Bác sĩ Diên Hương, về ẩn trên Đà Lạt (nay đã từ trần), có viết cho tác giả một bức thơ, nay xin đăng nguyên văn để công lãm: "
... Lúc đó Chánh Tham Biện Chợ Lớn thấy Chợ Cũ (ở chỗ nền nhà Bưu Điện Chợ Lớn hiện thời) nhỏ hẹp, không đủ cho bạn hàng nhóm chợ, và cũng muốn mở mang châu thành, mới kiếm đất xa Chợ Cũ cất một cái chợ mới cho rộng cho lớn.
Ông biết có một ông điền chủ ở châu thành, người Việt Nam dân Pháp, có đất rộng lớn, mới mời đến hỏi mua.
Ông điền chủ nầy không thấy rộng nghe xa, tưởng là gặp cơ hội, liền ưng thuận mà với một giá mắc quá tưởng tượng.
Ông Quách Đàm nghe chuyện đó, liền cho người đến dâng một miếng đất rộng hơn (chỗ chợ ngày nay) không đòi tiền, chỉ đòi được phép cất phố và sập chung quanh chợ, để sau này cho mướn... ông Chánh lẽ tất nhiên chịu liền..."
Chợ Bình Tây được khởi công từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930, do ông Quách Đàm - quê quán ở Triều Châu, Trung Quốc - bỏ tiền xây dựng.
Chợ được xây cất bằng xi-măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc.
Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông.
Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.
Tại đây ông Quách Đàm cho đặt một bệ đá ghi ngày xây chợ cùng bức tượng đồng đen của mình.
Bốn xung quanh bệ đá có 4 con sư tử ngậm châu và 4 con rồng (đều bằng đồng) đang phun nước, hai phía có hồ nước nuôi cá, thả sen…
Lúc sinh thời ông là một doanh nhân làm ăn phát đạt.
Ông đã từng được chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh vì đã mua đứt một nhà máy đường của Pháp đang làm ăn thua lỗ.Chợ hoạt động suốt từ 2 - 3 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm..
Bùi Thụy Đào Nguyên, tổng hợp tư liệu .
Diên Hương+Vương Hồng Sển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét