Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Những Cánh Én Trên Bầu Trời Thành Phố


Trong lòng em còn có chỗ cho một mùa chim én bay?”Đối với Nguyễn, và những ai nữa ở bên trời này, thì Sài Gòn và Đà Lạt là nơi cư ngụ của một thời thanh xuân, của tình yêu và mộng ảo.Ở đó, có những bóng dáng rực rỡ của ngày nào và có bầu trời với nhiều chim én...
Sau này, trên bước đường lưu lãng, như một giấc mơ sống lại, Nguyễn còn được gặp chim én ở San Juan Capistrano.
Xin bắt đầu với những câu thơ sau đây:

Trong lùm cây phỉ, họ yêu nhau
dưới mặt trời của đám sương mù
với lá nhầu trong mái tóc
và mặt đất là căn nhà
Hỡi trái tim én
hãy ưu ái với họ...
Và én ơi, hãy làm thế nào để họ
đừng bao giờ lãng quên...

Những câu thơ trên là trích từ bài Cánh Én của Wislawa Szymborska, nhà thơ Ba Lan được giải Nobel năm 1996.
 Ai chuyển ra ngôn ngữ thơ Việt, Nguyễn tôi cũng không còn nhớ nữa. Bạn nào biết xin chỉ giùm.
A, những con chim én! Không hiểu sao anh yêu chúng thế. Như yêu những con ve của mùa hè ở phượng thành. Như yêu những cánh hải âu trên bờ biển Laguna và Destin ngày nọ. Bây giờ, ngồi ở đây, nơi xứ nắng, tình cờ đọc bài thơ của Wislawa Szymborska lòng anh lại bồi hồi tưởng nhớ.
Thanh Tâm Tuyền, trong một bài thơ viết cho Vũ Đạo Ánh và Trần Lê Nguyễn ở những năm cuối thập niên 60, có nói về những con chim én trên bầu trời thành phố Sài Gòn:
Vũ Đạo Ánh...
mùa này gió biển thổi điên vào lục địa
... khóc đi Nguyễn
chim én vẫn bay đầy đàn trên bầu trời chiều đường phố ở Sài Gòn

      Ở Sài Gòn, muốn nhìn thấy chim én bay đầy trời như thế có lẽ phải ra chỗ công viên nhà thờ Đức Bà hoặc bến Bạch Đằng.
Mà phải là buổi chiều mới có nhiều chim én bay. Ở đó, nhất là trên những kè đá ở Bến Bạch Đằng, ta có được một không gian rộng rãi cho tầm nhìn.
Hãy nhìn, kìa, những cột buồm nồng mùi muối biển xa nhô lên trên vàm sông, gió lồng lộng thổi về, làm chao đảo trong ráng chiều đỏ rựng.Khách sạn Majestic với vòm mái cao và những ngôi nhà của những năm đầu thế kỷ vừa qua. Và những "quai de brume" - cầu tàu mù sương, những vỉa hè buổi chiều thả rơi từng bông sứ máu. 
 Ô, những con chim én bay vun vút trong không, trên những cột buồm nhấp nhô theo triều lên, bên những mái nhà là nơi chúng làm tổ.
Ở đó, có gã thi sĩ bụng đói, mắt sâu, buổi chiều đi dạo chơi chuyện trò cùng chim én.
Ở một nơi nữa cũng có nhiều chim én.
Chắc em còn nhớ, trong một truyện ngắn (hình như của Phan Thị Như Ngọc) có tựa đề Thành Phố Sương Mù, cô sinh viên mắt nâu một ngày đã ghé qua viện đại học và trường Yersin.
Nơi đó cũng là thành phố thời xanh của anh và em: Đà Lạt.
 Ở đây chim én nhiều vô kể. Chúng bay, vòng lên lượn xuống, thật nhanh, và trẻ con tha hồ dùng cành trúc khua đập.
Nóc mái đài phát thanh, nhà thờ con gà và tiệm sách Nhân Văn là nơi trú ngụ của bầy chim én. Không ở đâu chim én và người gần nhau như ở thành phố trên cao này.
Gần như những mái nhà san sát. Gần như những con đường quanh co lên xuống, nồng hương cà phê và mùi nhựa thông trong nắng mới.
Và em còn nhớ, hôm ấy mới từ Sài Gòn lên, đôi mắt nâu của cô sinh viên nhân vật truyện đã mở rộng nhìn trời, thấy chim én bay thật gần thật gần trên mái đầu và những cành thông.
Ngày ấy, cô đã nhặt đem về miền nắng những trái thông khô để tạo thành hình những chú gà trống mào đỏ cất tiếng gáy trên bàn học.
 Nay còn không những chú gà làm bằng trái thông khô?
Ô, đã xa, xa như trời và đất.
Thế mà năm nào những con chim én cũng đã về lại, vô cùng đông đảo và rộn ràng trên mái nhà thờ vùng biển San Juan Capistrano - điểm hẹn giữa San Diego và Santa Ana.
 Chúng về trong tiếng kèn tiếng trống vang lừng khi cư dân vùng bông giấy đỏ này cử hành những đám cưới thật lộng lẫy.

 Đây, em hãy đọc chuyện những con chim én trở về dưới mái nhà thờ Mission ở thành phố San Juan Capistrano: Hàng năm vào khoảng cuối tuần lễ thứ ba của Tháng Ba, ngày Mùa Xuân bắt đầu ở Bắc bán cầu là hàng ngàn hàng ngàn chim én trốn Mùa Đông từ Goya, Argentina (Á Căn Đình) cách đây hơn 6,000 miles bay về thánh đường.
Loài chim thiên di này có tên là Cliff Swallows, chúng làm tổ bằng loại bùn màu xám trên tường ngay dưới mái nhà thờ bị sụp đổ, mỗi tổ chim có một cái lỗ để ra vào phía dưới. "Đất lành chim đậu", tu viện nằm gần hai con sông nên có nhiều côn trùng làm thức ăn cho chim quanh năm và làm tổ dưới mái giáo đường rất kín đáo và an toàn.

Linh Mục O'Sullivan theo dõi sinh hoạt của loài chim và ghi nhật ký từ Mùa Xuân cho đến Thu suốt hai thập niên ông ở đây.
Ngày 13 Tháng Ba năm 1939 để loan tin chim én đã trở về, chương trình phát thanh đã trực tiếp truyền thanh từ sân nhà thờ bài nhạc "When the Swallows Come Back to Capistrano" của Leon René đã ngẫu hứng sáng tác.
Bài hát đứng đầu nhiều tuần trên làn sóng phát thanh thời ấy.
 Ngày nay trong tu viện có gian phòng lưu giữ bản chụp bản gốc nhạc phẩm trên, cây đàn dương cầm ông dùng để sáng tác và một số đồ gỗ như bàn ghế do gia đình ông René hiến tặng.
Hàng năm chính quyền thành phố San Juan Capistrano bảo trợ 2 tuần lễ hội "Fiesta de las Golondrinas" được tổ chức tại tu viện San Juan Capistrano vào khoảng 19 Tháng Ba (Lễ Thánh Joseph) để đón chim trở về và 23 Tháng Mười (Lễ Thánh John) để tiễn chim bay về Nam. Đây xin mời em và bạn nghe lại ca từ của bài "When the Swallows Come Back to Capistrano" của Leon René:
When the swallows come back to Capistrano
That's the day you promised to come back to me
When you whispered, "Farewell," in Capistrano'twas the day the swallows flew out to sea.
Khi những con chim én
bay về San Juan Capistrano
Tôi nhớ đó là ngày
em hứa sẽ trở về
khi thì thầm bên tai tôi
lời giã biệt
ở Capistrano
ngày đàn én bay ra biển xa

Chuyện trên được đăng trong tờ Los Angeles Times cách đây dăm năm. Giờ đây chim én không về San Juan Capistrano nữa.
 Dẫu sao, lòng anh vẫn rộn lên khi nghĩ tới em và những câu thơ đã viết năm nào.
 Vậy xin chép ra đây biết đâu ở nơi nào đó (ở ngoài trái đất này?) em đọc thấy:
ơi. chim én
đã về. dưới mái nhà thờ ngói đỏ
thành phố biển
San Juan Capistrano
như niềm vui của trời
này. chim én
hãy là những chú bé cô bé
cười reo
chúc phúc mọi người
bởi cuộc đời
những giọt lệ long lanh
và xin hãy dệt
những chiếc áo bằng cỏ tơ
cho hai người
lỡ khi mùa thu biển động
người với người xa nhau

                  
TimN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét