Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Sao Thiên Thu Không là..(end)


Mãi cho đến một buổi chiều kia, tan học về, Thủy báo cho tôi biết: “Ông Hải (tôi và Thủy vẫn quen gọi anh bằng tên thật là Hải, dù anh đã nổi tiếng và mọi người luôn gọi anh bằng tên Nguyễn Tất Nhiên) nói chiều thứ Sáu hàng tuần có chương trình giới thiệu nhạc mới ở radio, thứ Sáu này nhớ đón nghe vì sẽ có bài thơ “Hai năm tình lận đận” ổng làm cho tao được Phạm Duy phổ nhạc, hát lần đầu.” Tôi nhìn Thủy ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Ông này coi vậy mà cũng… khôn, biết cách giải mã “độc đáo” thiệt, như thế này thì Thủy có… chạy đàng trời.”
Tôi tuy còn ấm ức vì… mối hận lòng, “oan Thị Kính” vẫn còn đầy ứ mỗi khi nhớ tới, nhưng cũng thấy vui và hãnh diện lây với bạn.
 “À há, như vậy mi đã bắt đầu được đi vào văn học sử rồi đó nha”.
Cũng nhờ vậy, chiều thứ Sáu đó, tôi đã được thưởng thức trọn vẹn bài hát “Hai năm tình lận đận” với âm điệu nhẹ nhàng, buồn rầu đến tội nghiệp qua tiếng hát dễ thương, nồng nàn của Duy Quang:
“Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Mùa đông hai đứa lạnh
Cùng thở dài như nhau.
 Tôi đã bật cười khi nghe Thủy kể lại, hai câu cuối của bài thơ này đã làm… động lòng Lâm Diễm, một đứa bạn cùng lớp với chúng tôi, khi nó đọc thấy bài thơ đăng trên báo trước khi được phổ nhạc.
 Diễm vào lớp báo ngay với Thủy: “Thủy ơi, ông Hải làm thơ chê mày… già”.
Sau khi nghe bài hát này tôi thầm nghĩ, Thủy đã không thể thoát khỏi lưới tình nữa rồi.
 Thủy vốn yêu thích thơ văn, cũng như tôi và số đông bạn bè cùng lứa lúc ấy, rất hâm mộ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Thủy đã được làm “nàng thơ” của thi sĩ, nay lại được dòng nhạc của Phạm Duy đưa hình ảnh “thắt bím” của mình chắp cánh bay xa.
Còn gì hơn! 
Nhưng chúng tôi không có thời giờ để hỏi han những chuyện vớ vẩn nào khác nữa. Tất cả thời gian còn lại là học thi, thi Tú tài II.
 Tôi quên bẵng đi chuyện tình của anh Nhiên và Thủy để lo học.
Rồi đến lúc lên Sài Gòn vào đại học, tôi và Thủy lại cùng ở trọ với nhau, chắc Thủy nghĩ là tôi còn giận anh Nhiên lắm, vì mỗi lần Thủy nhắc tới anh là cứ nghe tôi châm chọc: “Ông ấy là ai? 
Tưởng mình là nhà thơ lớn… ngon lắm hở?”.
Không nhớ tôi có nói gì nặng hơn nữa không mà Thủy càng ngần ngại, dè dặt tránh nói về anh trước mặt tôi. Tôi học bên Văn khoa, Thủy học ở Đại học Vạn Hạnh, bên kia cầu Trương Minh Giảng. Bởi thế, bài “Chở em đi học trường đêm” có đoạn:
“Chở em đi học mưa, chiều
Tóc hai đứa ủ đôi điều xót xa
Mưa thánh thót, mưa ngân nga
(Hình như có bão băng qua thị thành)
……………………………………
Đèo nhau qua đoạn đời này
Cầu Trương Minh Giảng nghe đầy hoàng hôn...”

Tôi cứ tưởng là viết cho Thủy, nhưng sau này khi hỏi lại, Thủy nói: “Ổng viết cho… con nhỏ khác mày ơi!”.
 Tôi giật mình và cảm thấy bất mãn vì nghĩ rằng các ông văn thi sĩ chắc không chỉ có bốn ngăn tim, nên mới có thể chứa đựng được một lúc nhiều hình bóng đến như vậy!
Bài thơ “Khởi tự mê cuồng” anh viết năm 74, mới là bài anh viết cho Thủy, nên vẫn thấy bóng dáng Thủy đâu đó, mặc dù lúc này Thủy và anh đã không còn liên lạc với nhau.
“Trời mưa, không lớn lắm
nhưng đủ ướt đôi đầu!
Tình yêu, không đáng lắm
nhưng đủ làm… tiêu nhau!
Sau 30 tháng 4 năm 75, chúng tôi chia tay nhau, Thủy tiếp tục học và về làm việc ở Biên Hòa.
 Tôi thì lưu lạc đến Long Thành làm nghề “gõ đầu trẻ”. Công việc bận rộn nên chúng tôi cũng liên lạc ít hơn. Thủy và tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những ngày cuối tuần khi tôi trở về nhà.
Tôi không biết rõ mối quan hệ của anh và Thủy bắt đầu lại từ lúc nào, mãi cho đến khoảng giữa năm 78, một hôm, Thủy đột ngột đến tìm tôi vào buổi trưa, chúng tôi kéo nhau lên lầu nói chuyện.

 Thủy ngần ngại, rào đón một lúc lâu mới báo tin là sắp đám hỏi với anh Nhiên. Thấy tôi lặng thinh, Thủy hỏi: “Mày bất ngờ không?... thất vọng không?”.
Tôi biết Thủy vẫn còn nhớ “mối thù” của tôi với anh Nhiên lúc trước, nên cười và lắc đầu: “Chuyện cũ, chuyện nít nhỏ, tao quên rồi.

 Đừng nhắc tới nữa. Vậy là “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” rồi.
Mày có cần gì tới tao không?” 
Thủy thở phào nhẹ nhõm: 
“Có chứ, mời mày tới dự đám hỏi, nhớ tới sớm sớm để phụ tao nha nhỏ.”
Không hiểu sao lúc đó, tôi vừa mừng lại vừa lo cho Thủy, Thủy dịu dàng, yếu đuối và sống “kín cổng cao tường” trong mái ấm của đại gia đình từ bé, còn anh Nhiên, đời sống luôn quay quắt với dư luận khắc nghiệt và lang bạt kỳ hồ, như trong thơ anh vẫn thường khẳng định: “Em có một đời rong xanh mơ đá. Tôi có ngàn năm say khước hận thù”
(Bài thấm mệt đầu tiên) hay “Chim trong tổ biết chi đời giông bão. Em con cưng nào biết tuổi lưu đày” và “Em gia giáo phải lòng anh lang bạt” (Uyên ương). 

Liệu Thủy sẽ được bình yên, hạnh phúc hay sẽ lao đao với sóng gió cuộc đời?

Thời gian này, bài “Nụ hôn đầu” với những câu:
“Gian truân lắm mới hôn người
Chiếc hôn tình lớn đem đời theo nhau.
 Đến ngày đám hỏi của Thủy và anh Nhiên, tôi mới biết chỉ có tôi là đứa bạn duy nhất được Thủy mời trong đám đông của gia đình hai họ.
Lần gặp lại đầu tiên sau mấy năm không nhìn mặt nhau ở đám hỏi, được coi như là một nhịp cầu nối lại mối quan hệ giữa tôi và anh Nhiên.
 Anh tỏ vẻ quí mến tôi hơn và thỉnh thoảng hay ghé nhà tôi để hỏi thăm hoặc nhắn tin cho Thủy
 Có một chuyện khiến tôi cảm động và nhớ mãi là một buổi trưa vừa từ trường về nhà trọ sau mấy giờ dạy, thay chiếc áo dài xong thì nghe tiếng gõ cửa và sau đó là giọng của Thảo, chị bạn cùng nhà gọi: “Dung ơi, có ai kiếm kìa.”
Nhà chúng tôi ở là một căn biệt thự khá lớn của một chị bạn dạy cùng trường, mấy ngày trước 30 / 4, chợ Long Thành bị pháo kích, sập gần hết, nhà chị cạnh đó nên cũng bị một quả ngay vào giữa, căn nhà như bị cắt ra làm đôi. Phần phía trước chỉ còn cái mặt tiền và khung cửa sắt là nguyên vẹn, hai phòng phía sau, sâu vào trong, nơi không bị hề hấn gì, là nơi mà nhóm giáo viên chúng tôi chia nhau ở, được nối bằng một khoảnh đất nhỏ mà trước đó dùng để trồng hoa kiểng và một cánh cửa lớn bằng gỗ.
Tôi vội chạy lên và ngạc nhiên khi thấy anh Nhiên đứng sừng sững ngay khung cửa với chiếc xe đạp bên cạnh.
 Anh nhìn tôi đang ngó anh trân trối, nhe răng cười hỏi: “Sao? không mời vô à?”
Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất ngờ của anh. “Ủa, anh đi đâu đây? Sao biết Dung ở chỗ này?”
 Anh dựng xe sang bên, một tay giở nón, một tay lau mồ hôi trán và nói:
 “Nghe Thủy nói Dung dạy học ở trường Long Thành, nhà anh có rẫy cũng gần đây, sẵn đi ngang ghé vô trường hỏi, họ nói Dung mới đi về, rồi chỉ nhà cho anh đó chứ.” 
Tôi mời anh vô trong uống nước và giới thiệu với chị Thảo: “Anh này là thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đó!”.
Chị Thảo tròn xoe mắt nhìn anh:
“Vậy hả? 
Trời ơi, nghe tiếng quá chừng mà bây giờ mới gặp đó nha.”Anh Nhiên chỉ cười và không nói năng gì. Hỏi thăm nhau được một chút, anh từ giã ra về còn hỏi tôi: “Dung có cần nhắn gì về nhà không? Anh ghé qua nhắn cho”.
Bỗng dưng tôi nhớ tới chục ký gạo vừa đươc lãnh sáng nay ở trường theo tiêu chuẩn công nhân viên nhà nước, và tôi đã làm một việc vô cùng tệ hại mà sau này lúc kể cho Thủy nghe hoặc nhớ tới, tôi vẫn còn áy náy và rất xấu hổ là : “Anh Hải chở dùm bao gạo này ghé qua nhà đưa cho má Dung được hông?”. 
Tôi thấy đôi mày anh cau lại, trán nhăn nhăn, môi mím chặt, nhưng cũng gật đầu: “Ừ, thì để anh chở cho”.
Tôi giúp anh khuân bọc gạo lên để phía sau “boọc ba ga”, cột dây cẩn thận, cám ơn anh, chào tạm biệt và… tỉnh bơ, mãi cho đến khi đưa anh ra tới cửa ngoài thấy anh bắt đầu gò lưng trên chiếc xe đạp tôi mới giật mình.
Tiếng chị Thảo phía sau tôi vang lên: 
“Trời ơi, mày ác quá trời đi người ta tới thăm mà còn bắt chở bao gạo về dùm nữa, nặng lắm đó, một chút lên tới dốc 47 làm sao ổng lên nổi!”
 (Dốc 47 là cái dốc rất cao ở gần ngã ba Thái Lan giữa đường đi Biên Hòa và Long Thành). 
Tôi mới bắt đầu hối hận và thấy mình…vô duyên quá đỗi!
Cứ tưởng mọi việc sẽ được tiến hành êm đẹp như đã định, Thủy và anh Nhiên sẽ làm đám cưới cuối năm đó. Nhưng không ngờ, bao ngang trái cuộc đời không hẹn mà cứ đến đe dọa cho mối tình của hai người, lý do từ việc có nhiều dư luận về anh Nhiên đã đến tai gia đình Thủy. 
Lúc này, tôi đã đổi về Biên Hòa để đi học lại, nên Thủy thường gặp tôi sau những giờ làm việc, tâm sự, thở than về những ngăn cấm của gia đình và đôi khi nhờ tôi làm “bình phong” để Thủy và anh Nhiên hẹn hò nhau.
Bài “1978 ở Việt Nam” chắc anh đã viết trong lúc tâm trạng u uất, chán chường về sự đổi thay của xã hội lẫn hoàn cảnh riêng tư của chính mình:

“Phu thê nếu phải nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra
Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương.

 ...Nhưng rốt cuộc, Thủy đã quyết định cùng với gia đình anh Nhiên rời khỏi Việt Nam cuối năm 78, sau những tháng ngày dài nổi trôi cùng vận nước và cả vận mệnh của chính mình.
Một năm sau, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên có kèm theo hai tấm hình của Thủy và anh Nhiên chụp ở vườn Luxembourg trong mùa thu, đầy lá vàng, lãng mạn, tuyệt đẹp, mới biết là hai người đã định cư ở Pháp. 

Nhờ địa chỉ đó nên tháng tư năm 81, sang đến đảo Ga Lăng, Indo, tôi đã liên lạc được với Thủy.
Không ngờ, Thủy vẫn nhớ và gửi quyển “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” gồm những bài từ tập “Thiên tai” và những bài thơ sáng tác từ 1970 đến 1980, đã được ấn hành lại ở Pháp, làm quà sinh nhật cho tôi trên đảo. 


Tập thơ này quả là một món quà vô cùng quí báu lúc bấy giờ đối với bọn chúng tôi gồm một đám thanh niên cùng mê thơ Nguyễn Tất Nhiên, cả mấy tháng trời, đêm nào cũng mang ra vừa đọc vừa bàn luận, thật sôi nổi, hào hứng.Đến tháng mười, tôi được các em bảo lãnh sang Mỹ, về ở Missouri. Anh Nhiên và Thủy cũng đã dọn về Cali từ tháng tư.
Chúng tôi thư từ, điện thoại thăm hỏi nhau nhưng vẫn chưa gặp mặt, Thủy và tôi cùng bận rộn với đời sống mới mà lại ở xa nhau, nên ngay cả đám cưới tôi tổ chức ở Utah, Thủy cũng không có dịp sang dự.
 Cho mãi đến hôm tôi sinh cô con gái đầu lòng khoảng một tuần, thì Thủy gọi phone báo tin là sẽ đi xe bus Greyhound sang thăm tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại bạn sau 6 năm xa cách. Thủy không thay đổi tí nào, vẫn dáng dấp học trò, vẫn gầy gầy, nhỏ nhắn, gương mặt, nụ cười vẫn hệt như thời còn đi học, mặc dù bây giờ đã có thêm hai chú nhóc, Tí Anh đã ba tuổi và Tí Em sắp lên hai, lúc nào cũng quấn bên chân mẹ.
Trong dịp này, Thủy đã kể cho tôi nghe hết về cuộc sống từ ngày rời Việt Nam, với những ngày đầu vất vả nhưng hạnh phúc ở Pháp, đến những khi sóng gió vì đời sống nghệ sĩ lang bạt, bất đắc chí của anh Nhiên ở Mỹ

 cả đến những cay đắng mà Thủy phải chịu đựng để chu toàn cái hình ảnh của “một người vợ, một người đàn bà thuần túy Á Đông, chỉ biết phục tùng chồng và tuyệt đối không nên để ý hoặc thắc mắc gì về những quan hệ công việc bên ngoài của chồng.” mà anh Nhiên vẫn luôn nhắc nhở Thủy mỗi khi có chuyện bất đồng.
Tôi ngạc nhiên và không ngờ đứa bạn với bề ngoài yếu đuối như Thủy mà có thể chịu đựng được ngần ấy thứ đau khổ, trắc trở trong cuộc đời làm vợ của nhà thơ. Thủy nói lần này, sau khi trở về, hai người sẽ quyết định chia tay.
Thoạt tiên, tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng sau đó, khi nhìn thấy hai đứa bé đang hồn nhiên, quấn quýt bên Thủy, tôi giận anh Nhiên quá sức, tại sao có mái gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc thế này mà anh không chịu gìn giữ?
Tôi muốn an ủi Thủy, nhưng an ủi thế nào khi tôi cũng không biết phải xử trí làm sao trong hoàn cảnh ấy. Thủy định là sẽ ở chơi với tôi đến hai tuần nhưng chỉ một tuần Thủy đã đổi vé về lại Cali, sau những cú phone dồn dập của anh Nhiên.
Mấy hôm sau, Thủy gọi để báo tin là sóng gió đã tạm dừng, dù không biết là chàng sẽ giữ lời hứa đến bao lâu. Tôi mừng cho Thủy và thầm cầu nguyện cho cái tổ ấm của Thủy sẽ bình yên, sáng sủa hơn sau cơn bão tố vừa qua.
Năm 86, gia đình tôi dọn về Cali, căn nhà nhỏ của chúng tôi ở Gardena, thỉnh thoảng đón tiếp Thủy và hai cậu con trai đến chơi, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh Nhiên đi cùng.
Thủy tâm sự: “Tao chỉ là một người đàn bà bình thường, mơ có một mái ấm gia đình rất bình thường như những người đàn bà khác, nhưng với tao sao nó khó khăn, xa vời quá mày ơi!”.
Nghe Thủy nói, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của cái thuyết “hồng nhan bạc phận”, của “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, càng thấy xót xa và thương bạn hơn. Có lúc, tôi đã phải nói với Thủy: “Tao thì chỉ biết “yêu thơ” thôi chứ không có “can đảm” để “yêu nhà thơ” như mày, sao mà khổ quá đi!”



Từ lúc sang Mỹ dù đã xuất bản được tập thơ “Chuông mơ” (1987), “Tâm Dung” (1989) và cả việc sáng tác nhạc để ra đời băng nhạc “Tình khúc Nguyễn Tất Nhiên” nữa, nhưng anh vẫn là một người “bất đắc chí”, cay đắng với cuộc đời, hờ hững với trách nhiệm gia đình và đó có phải là nguyên nhân khiến anh trở thành một con người khác, một hình ảnh bất toàn hơn trong đời sống gia đình chăng?
Có lẽ vì biết quá nhiều về những bất hạnh từ đầu của hai chữ “nợ duyên” giữa anh Nhiên và Thủy, nên tôi đã đứng về phía bạn khi Thủy dứt khoát đoạn tuyệt với những khổ đau, oan nghiệt của quá khứ, hiện tại và có thể sẽ mãi còn tiếp diễn ở tương lai, để chọn một cuộc sống bình an hơn cho Thủy và nhất là hai đứa con, nên tôi đã lặng thinh khi anh Nhiên gọi tôi để hỏi về tung tích của Thủy. Và đó là lần thứ hai, tôi lại bị anh mắng nhiếc thậm tệ, bằng những lời nhắn nặng nề trên máy answering.

 Lúc đó, tôi nghĩ, cứ để cho anh nghiền ngẫm, rồi tỉnh thức, nhận ra và biết quí báu những gì mình đã có, ân cần với đời sống và trách nhiệm hơn để có thể định hướng lại tương lai của mình.
Nhưng không ngờ, anh đã quá yếu đuối và dễ tuyệt vọng đến độ phải chọn sự kết thúc bi thảm đến vậy! Lúc nghe tin anh mất, là lúc tôi đang trong giờ lunch ở một hãng điện tử.

 Sửng sốt, kinh ngạc… tôi nuốt không trôi miếng cơm còn đang nhai dở trong miệng.
Tôi muốn về nhà ngay để gọi cho Thủy…
Thời gian qua nhanh như cơn gió thoảng, mới đó mà đã mười mấy năm. Cuộc sống vẫn nối tiếp với những định mệnh đã được an bày. Các con anh nay đã khôn lớn, trưởng thành. 
Thủy đã tìm được bờ bến bình yên và đang có một đời sống hôn nhân hạnh phúc, điều mà trước kia tưởng chừng sẽ không bao giờ có được.
Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi. Có những điều khi còn sống chúng ta chưa có dịp phân trần, tỏ bày cho hết thì đến lúc lìa đời, cũng xin được có cơ hội để hòa giải, thứ tha.
 Chỉ tiếc một điều là những câu thơ anh viết lúc còn trẻ, khi đọc lên cứ tưởng sẽ là “lá bùa hộ mạng” cho anh, đã không nâng đỡ, vực dậy anh trước khi anh quyết định đi về một đời sống khác:
“Nếu vì em mà thiên tài chán sống
thì cũng vì em ta ngại bước xa đời”.
Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ thứ 15... của anh, 
8/2008
Tưởng Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét