Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Tôi Nghe Ca Nhạc (2)

                                  Ảnh  chỉ có tính minh họa cho chủ đề 

Tôi …ru em ngủ, Hạ cũng vừa sang”. Cũng với ý hướng như câu trên, chữ “Tôi” và chữ “Hạ” được tách rời đứng một mình trong một vài giây để tạo nên một “effet” tâm lý rồi chữ “Hạ” lại được thốt lên như một tiếng thở dài, buông trôi tất cả những ý tình tha thiết đượm một chút chán chường mệt mỏi.
Rồi, “Em hôn lên tay mình để chua xót tình trần” được hát đi hát lại 3 lần trong hơi thở mong manh như tơ trời.
 Muốn nghe được lời ca, ta phải mở “volume” thật lớn, nếu không muốn chỉ nghe tiếng thều thào trong hơi thở.
Tiếp theo là một tiếng thở ra não nuột, phát âm thật rõ bằng chữ “Ha!” mệt mỏi chán chường.
 Và tiếp nối lại là câu “Em hôn lên tay mình” nhẹ thật nhẹ như hoa tuyết bay trong nắng, như không muốn cho thính giả nghe. Như vậy thì Thanh Lam đâu có gào thét như một số thính giả đã phê phán khi cô ta trình bày ca khúc của họ Trịnh. Ca sĩ chuyên về gào thét là Phương Thanh.
Nhưng nếu quý vị nghe Phương Thanh hát nhạc êm dịu, xuống giọng “xề” thì chất giọng khàn đặc của cô ta cũng hấp dẫn truyền cảm, lọt lỗ tai lắm đấy, thưa quý vị.
Thú thật, tôi không biết Thanh Lam có diễn tả đúng tâm trạng của Trinh Công Sơn khi nhạc sĩ ru người em gái nhỏ của mình hay không.
 Nhưng nghe Thanh Lam hát, tôi bỗng cảm nhận như đang nghe được một cái gì thật mới lạ mà từ lâu tôi không tìm thấy trong các ca khúc của họ Trịnh khi được các ca sĩ khác trình diễn trước đây, nhất là Khánh Ly, một “chuyên viên” của những ca khúc Trịnh Công Sơn.
Cái mới lạ mà Thanh Lam thổi vào trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn nếu Thanh Lam “gào thét” đúng lúc, đúng chỗ , không cường điệu thái quá, theo tôi, là một nét độc đáo trong phong cách trình diễn ca nhạc của nữ ca sĩ xinh đẹp mỹ miều và duyên dáng này.
Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống chắc ông sẽ mĩm cười chấp nhận cái “khác thường” của giòng nhạc do chính ông sáng tác và ông sẽ “phái chí” vì không ngờ nhạc của ông lại có thể “biến dạng” độc đáo như thế.
Tôi cũng xin mời quý vị nghe CD của Thanh Lam mang tên “Lá thư” trong dó quý vị sẽ nghe Thanh Lam rất “điệu nghệ” và rất đa dạng với nhiều biến thái hoàn toàn mới lạ khi trình bày những ca khúc tiền chiến bất hủ trong nền ca nhạc Việt Nam như “Tà áo xanh”, “Suối mơ”, “Lá đổ muôn chiều” vv…. Quý vị đã thưởng thức Thanh Lam trong 2 CD tôi vừa giới thiệu rồi, chứ gì?
 Bây giờ, xin mời quý vị cùng tôi xem và nghe Thanh Lam trình diễn trong DVD nhan đề “Em và Tôi”.
Duyên dáng, ngọt ngào và rất dễ thương! Thanh Lam là hiện thân của “Thẩm âm” và Thẩm mỹ” trong con người của một ca sĩ nhất là khi cô ta ca những bài “ruột” của cô như “Giọt nắng bên thềm”, bài ca đã mang đến cho cô một giải thưởng ca nhạc và các bài ca khác như “Em và Tôi”, “Như cánh vạc bay” vv…. Thanh Lam không gào hét như các ca sĩ thuộc thế hể trẻ ngày nay đâu, không múa may quay cuồng như các vũ công hay các ca sĩ nặng phần trình diễn đâu.
Thanh Lam ca với tất cả tâm hồn, diễn xuất thật tự nhiên, làn hơi phong phú và có nhiều câu ca Thanh Lam lên cao vút để rồi đột ngột rơi xuống trong tĩnh lặng, âm thanh gần như không ra thoát khỏi vành môi để khán thính giả chỉ nghe được bằng mắt khi nhìn môi nàng, y hệt như người điếc nhìn người đối thoại để nghe âm thanh vậy. Rất có thể quý vị bảo rằng như thế thì Thanh Lam đâu có hát, và như vậy thì ai làm chẳng được.
Không, cô ta đang hát đấy chứ, cô ta đang nhập hồn vào bài ca. “Như cánh vạc bay” đã được Thanh Lam ca rất “đạt’ bằng một phong cách mới, qua một kỷ thuật hòa âm mang nhiều tính sáng tạo, với tiết tấu nhịp điệu hoàn toàn mới lạ nhưng vẫn giữ được những nét hay và đẹp của Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ Thanh Lam khi đổi mới nhạc Trịnh Công Sơn bằng một phong cách trình diễn mới lạ, là muốn phổ biến nhạc họ Trịnh theo một đường hướng mới, hoàn toàn không có ý phá hư một giòng nhạc được đại chúng yêu thích.
Vậy ta hảy cứ để cho Thanh Lam khám phá những nét hay đẹp và mới lạ trong giòng nhạc Trịnh Công Sơn để chờ một ngày nào đó giới thưởng ngoạn sẽ phê phán khi họ đã chín muồi trong cảm nhận thật vô tư và hảy chờ xem đường hướng mới trong phong cách trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn có còn được hưởng ứng nồng nhiệt hay không.
 
Thời gian sẽ phê phán chính xác T. Lam trong xu hướng mới của cô và lúc bấy giờ T. Lam sẽ chấp nhận lời phê phán đó, tâm phục và khẩu phục, tôi nghĩ như thế.
Để chấm dứt bài “loạn bàn” của tôi về “kỹ thuật” thưởng thức nhạc và đặc biệt là tiếng hát Thanh Lam qua các ca khúc Trịnh Công Sơn, tôi xin mượn lời của ca sĩ Hồng Nhung, một thời rất thân thiết với nhạc sĩ họ Trịnh trong giai đoạn cuối đời, đến dộ nhạc sĩ đã đưa tên móc nôi của cô là “Bống” vào trong một ca khúc của ông.
Đây ca sĩ Hồng Nhung phát biểu: “Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc của tất cả mọi người, người chuyên có thể hát dở, người không chuyên có thể hát hay.
Mỗi người sẽ hát nhạc Trịnh bằng cảm nhận của họ.Tôi hoàn toàn tôn trọng những lối thể hiện khác nhau của những đồng nghiệp của mình” .
Một lần nữa, xin thưa rằng:
Đây chỉ là vài giòng loạn bàn cho “vui thôi mà!” (chữ dùng của cố thi sĩ Bùi Giáng).
 Tôi không quảng cáo cho T.Lam cũng như cho giòng nhạc của Trịnh Công Sơn.
Quý vị xem xong rồi cố quên đi như Lệnh Hồ Xung (trong “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung) khi học kiếm pháp của Phong Thanh Dương phái Hoa Sơn thì mới đạt được kiếm pháp vô thượng “Vô chiêu thắng hữu chiêu.”

Hoàng Đức 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét