Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Tôi Nghe Ca Nhạc (1)


Không biết bây giờ mà lại nói về nhạc sĩ họ Trịnh thì có làm nhàm tai độc giả và giới thưởng thức ca nhạc hay không. Trịnh Công Sơn được nhiều người khen và cũng lắm kẻ chê ....Tôi do dự khi đặt bút viết bài này, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy không có gì phải thắc mắc vì các bài viết của tôi xưa nay đâu có gì là nặng phần văn hóa nghệ thuật. Tôi chỉ vung vít loạn bàn vô thưởng, vô phạt, ước mong mang đến cho độc giả một niềm vui nhỏ bé chỉ trong một vài phút giây lúc trà dư tửu hậu ý mà.
Vì thế, tôi nghĩ tôi cứ viết cho những ai nhàn rỗi, xem xong cứ hồn nhiên hay “vô tư” (văn chương sau 75) “vứt xác vô thùng rác” không bận tâm suy nghĩ làm gì cho rách việc.
Số là cách đây khá lâu, ca sĩ Thanh Lam, một trong những “diva” của ngành ca nhạc tại Việt Nam đã trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn với một phong cách độc đáo chẳng giống ca sĩ nào từ trước đến nay.
Thú thật là tôi chỉ biết giai thoại này qua báo chí mô tả và những phê bình của bạn bè mến mộ Trịnh Công Sơn.
 Ngoài ra tôi chưa hề được sờ bằng tay, nhìn tận mắt và nghe tận tai rồi thưởng thức bằng tâm hồn đa cảm, đa sầu thiên thu vạn cổ buổi trình diễn của Thanh Lam đã từng gây nhiều tiếng vang trong giới thưởng ngoạn ca nhạc trong cũng như ngoài nước Việt Nam của chúng ta.
 Nhân cơ hội này tôi muốn loạn bàn về cách thức thưởng thức ca nhạc do các ca sĩ trình diễn trực tiếp trên sân khấu hay qua DVD.
Xin thưa với quý vị rằng thì là những ý kiến của tôi sau đây thật thô thiển và không mang một tí ti tính cách chuyên môn về nhạc lý vì kiến thức của tôi về âm nhạc chỉ là một con “Zẻro” tròn vo như quả trứng gà.
Tôi chỉ đơn thuần là một thính giả bình thường, một phó thính giả y chang một phó thường dân trót ham mê ca nhạc, biết nghe và biết rung cảm theo những bản nhạc hay mà không biết giải thích tại sao lại hay, chỉ biết là rất thuận lỗ nhĩ, thế thôi, biết chê những bản nhạc không hay (một cách chủ quan) vì nghe không lọt lỗ tai bình thường của một người tầm thường nghe nhạc, nghĩa là không hạp ý thích của tôi, cũng tương tự như một món ăn không hạp khẩu vị.
Thế thôi và chỉ thế thôi! 
Từ thuở còn cắp sách đến trường, trên bàn học của tôi luôn có một cái “radio” đang phát thanh những bài ca tân nhạc hay cải lương, hay hát bội hay là những buổi truyền thanh tường thuật các trận đấu bóng tròn do ký giả thể thao Huyền Vũ đảm trách.
Thường thường là tôi nghe tân nhạc.Tôi nghe ca nhạc như một sự cần thiết để giúp tôi khỏi “lo ra”, để tôi tập trung tư tưởng vào công việc tôi đang làm, để trí óc tôi khỏi lang bang từ sự việc này qua vấn đề khác, nói theo tiếng Tây là “battre la campagne” tức là “bát” đồng quê cũng như là “bát “phố đấy mà.
 Quả thực là mâu thuẩn! Nghe nhạc để tập trung tư tưởng thì thật là kỳ dị!
Nhưng đúng là như vậy! Tuổi học trò, tôi đã thường xuyên nghe ca nhạc trong lúc đang giải các bài toán đại số hay hình học, trong lúc đang tìm ý tứ cho một bài luận văn.
Lời ca tiếng nhạc đi vào tâm trí tôi, tạo cho tôi một sự thăng hoa của trí óc, giúp cho tôi lắng đọng tâm tư để tập trung vào công việc.
 Nếu không có ca nhạc thì tâm hồn tôi sẽ đi hoang. Vì vậy mà tôi nghe nhạc gần như suốt ngày đêm, trong lúc làm việc, trong lúc nghỉ xã hơi, trong lúc lái xe, trong lúc ngủ và thậm chí cả trong lúc làm tình.
Dĩ nhiên là có loại nhạc tôi thích nghe và có loại nhạc tôi ghét, ghét cay, ghét đắng.
 Sở thích của tôi là loại nhạc êm dịu, nhạc thính phòng và dân ca. Vì thế mà mỗi lần tôi đi dự tiệc cưới là mỗi lần tôi đau khổ ,vì phải chịu cực hình lỗ tai bị tra tấn bằng tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ những cái loa thịêt là “loa”.
Những tiếng trống, tiếng xập xõa vang tai điếc óc thật là một đại họa cho tôi.
Tại sao lại không có một ban nhạc tiệc cưới nào chịu làm một cuộc cách mạng bằng cách chơi nhạc êm dịu trong tiêc cưới.nhỉ? Đấy cũng là lý do tại sao tôi chỉ mua những DVD của Thúy Nga Paris mà không mua DVD của Trung Tâm Asia chuyên trị nhạc mới. 
Có lẽ tôi chuộng cổ và bảo thủ qúa chăng?
Thì đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ gì nữa!
Nhạc cổ điển thuộc thời kỳ tiền chiến và nhạc êm dịu trữ tình của các nhạc sĩ như Đan Thọ, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên và Trịnh Công Sơn vv…là loại nhạc tôi yêu thích.
i thích âm điệu nhẹ nhàng, du dương, tôi mê lời ca đẹp như thơ, tình tứ như ca dao. Không phải ca sĩ nào cũng có thể hát “đạt” các bài ca của các nhạc sĩ do tôi mến mộ. Vì thế, tôi cũng “kén” ca sĩ lắm!
 Nhạc của Từ Công Phụng mà do chính tác giả trình bày thì tuyệt cú mèo vì ý tình dễ dàng thấm nhập vào hồn người thưởng thức, vì ca sĩ đã thực sự nhập hồn vào sáng tác của chính mình. 
 Từ Công Phụng hát thật từ tốn, nhẹ nhàng, truyền cảm và dễ dàng, phát âm rõ ràng từng chữ một.
 Nhìn ca sĩ kiêm nhạc sĩ này trình diễn nhạc của chính ông  sáng tác, ta có cảm tưởng như ai cũng có thể ca được vì phong cách của ông quá khoan thai, phong lưu, nhàn nhã, không một tí cố gắng lúc lên giọng hay xuống giọng, không cần phải trương gân, trương cổ. Nhưng ca được như ông, tưởng cũng chẳng có mấy ai!
Đấy là vấn đề “thẩm âm” lúc thưởng thức ca nhạc. Ngoài ra, trình diễn một bài ca cho “tới bến” còn cần có một yếu tố khác, không kém phần quan trọng.
Đấy là vấn đề “thẩm mỹ”!

 Vì là người của sân khấu, ca sĩ dĩ nhiên cần phải có một chút nhan sắc, nhan sắc đây không hẳn chỉ thuần túy là nét hài hòa duyên dáng của dung mạo mà còn là phong cách trình diễn duyên dáng tự nhiên, nhàn nhã, khoan thai, dễ dàng và thoải mái.
Tôi muốn nói đến kỷ thuật phát âm hay xướng thanh, không biết tôi có dùng đúng những từ ngữ chuyên môn không.
 Ý tôi muốn nói là khi ca sĩ lên giọng hay xuống giọng hay luyến láy, khán thính giả không thích nhìn thấy những cố gắng gần như đau khổ hay tuyệt vọng của ca sĩ qua hình ảnh những đường gân cổ nổi lên cuồn cuộn như những chiếc đũa, hay đôi mắt nhắm nghiền, nét mặt nhăn nhó không diễn tả đúng tâm tình của nhạc sĩ mà lại cho thấy một sự cố gắng tột cùng của ca sĩ khiến khán giả có thể hiểu lầm là ca sĩ làn hơi không được phong phú.
Đấy chỉ là những cảm nhận của khán thính giả hay của riêng tôi, rất có thể sai lầm vì tính cách chủ quan. Nhưng ở đây, tôi muốn nêu lên một quan niệm thuộc về vấn đề thẩm mỹ trong nghệ thuật. 
Tôi còn nhớ một hôm tôi đi nghe nhạc thính phòng trình diễn các ca khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng, một khán thính giả ngồi cạnh tôi đã bực tức phát ngôn:”Trời ơi, sao lại nhắm tít mắt như thế kia!”
Tôi suýt bật cười, nhưng cũng phải công nhận rằng cô ca sĩ này hát rất “tới”, nhưng giá cô đừng làm điệu nhắm mắt lại, ra cái điều quá “phê” thì chắc chắn là “tới” một trăm phần trăm em ơi, không thể nào chối cãi được, “tới bến luôn bác tài ạ”.
Đấy, hát “đạt” không chỉ là do kỹ thuật mà còn cần đến vấn đề thẩm mỹ trong lúc trình diễn nữa. Hát tự nhiên, không làm dáng thái quá lúc muốn diễn tả ý tình của câu ca như một nữ ca sĩ đã`một thời là đề tài “chọc quê” của một nhóm hài kịch, tưởng cũng là một điều các ca sĩ cần lưu ý. Nét mặt đau khổ, mồm méo, mắt nhắm nghiền, chân tay giật lia lịa như lên cơn động kinh, nhăn nhó khổ sở dù lời ca đang tươi vui, tình tứ thì thật là làm nản lòng khách thưởng lãm.
Còn nhớ ca sĩ L.T.của một thời xa xưa trong cuốn phim: “Mưa lạnh hoàng hôn”, cô ca bài ca này thật khó có ca sĩ nào đạt đến mức thành công như cô.
Nhưng tiếc thay mỗi lần cô lên giọng cao, thật cao, vút tận mây xanh thì hai hàm răng cô nghiến lại khít rịt khiến người xem thầm tiếc cho một tài năng quý hiếm trong nền ca nhạc Việt Nam.
Và tôi nghĩ là cô cũng ý thức được nét kỹ thuật hơi thiếu thẩm mỹ này nên cô đã giã từ sân khấu thật sớm để lại sự tiếc nuối cho thính giả và cho riêng tôi.
Thử tưởng tượng Trần Thái Hòa hay Ngọc Hạ trong lúc trình diễn mà nhắm nghiền đôi mắt, nét mặt nhăn nhó, khổ đau thì quý vị có còn hâm mộ giọng ca của hai ca sĩ này như hiện nay không, hay là quý vị chỉ muốn nghe mà không thích xem trình diễn. Đấy là trường hợp điễn hình đã đi vào huyền thoại của tiếng sáo Trương Chi.
Nãy giờ tôi đã lang bang đi ngoài đề quá xa, có lẽ vì thiếu tiếng nhạc để cho tôi tập trung tư tưởng như tôi đã thưa trình cùng quý vị trên đây.
Bây giờ mời quý vị nghe giọng ca của Thanh Lam trong CD mang tên:” Cho em một ngày”.Tôi chọn CD này vì trong số 10 bản nhạc do Thanh Lam ca trong CD đã`có ca khúc:” Tôi ru em ngủ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Thanh Lam bắt đầu bản nhạc với lời ru à ơi mượt mà, âm vang tiếng ru ngọt ngào êm ái của một trời tình tứ thương yêu.Nhạc lướt đi thật trầm bổng và thật chậm như nghẹn ngào trong khắc khoải.
 Nếu tôi nhớ không lầm thì các ca sĩ khác khi trình diễn bản nhạc này đã không kéo dài âm điệu lê thê như một ngày mưa dầm xứ Huế, nơi sinh trưởng của nhạc sĩ họ Trịnh.
Tôi xin cố gắng mô tả lối trình diễn uyển chuyển và “fantaisie” của Thanh Lam trong đoản khúc cuối của bài ca:
“Tôi ru em ngủ một sớm mùa Xuân, em hôn một nụ hồng, hỏi thăm về giọt nắng.
Tôi ru em ngủ, Hạ cũng vừa sang, em hôn lên tay mình để chua xót tình trần”
 Thanh Lam đã rất “điệu” khi ngắt quảng chữ “Tôi” với chữ “ru em”, tạo nên một tiếng thổn thức não nề.
Tiếng “em” cũng bị cố ý tách rời khỏi chữ “hôn” để thính giả phải đợi chờ diễn biến của một hành động tình tứ được mô tả qua lời ca đẹp như một tiếng thơ (một nét độc đáo trong ca khúc Trịnh Công Sơn) tạo nên một tiết tấu và một tình cảm thật khó diễn đạt bằng ngôn từ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét