Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Sao Thiên Thu Không Là ...


Sao thiên thu không là...
(tưởng nhớ Nguyễn Tất Nhiên)

Khi gọi Minh Thủy để nhắc về buổi hẹn đi ăn trưa vào ngày Chúa nhật hôm sau, tôi nghe giọng Thủy thật nhẹ nhàng ở bên kia: “Dung à, mày đi với tao thăm mộ anh Nhiên trước khi đi ăn một chút được không?
Hôm qua là giỗ của anh ấy đó, chắc lâu lắm rồi mày đâu có đi đến đó hả nhỏ?”.
 Tôi giật mình như vừa được nhắc nhớ đến một người bạn thân, một kỷ niệm quen thuộc, rất gần gũi, rất tự nhiên mà mình đã có và vô tình quên khuấy đi mất.
     Ừ nhỉ, đời sống bên này với những bận rộn, hối hả từng ngày, đôi khi có ai tình cờ nhắc đến những người bạn nào đó đã có một thời thân thiết, giao thiệp qua lại với nhau thật lâu bỗng dưng “mất tích” không gặp nữa vì hoàn cảnh, công việc hoặc dọn đi xa, tôi vẫn mừng rỡ, háo hức, chờ được nghe thêm tin tức hoặc gặp lại.
Huống chi là anh Nhiên, vừa là người anh, vừa là người bạn đời quá cố của đứa bạn thân thiết nhất của tôi từ dạo còn đi học cho đến giờ. 
    Trong phút chốc, hình ảnh cao gầy, lỏng khỏng với hai cánh tay dài quá khổ hay quơ quơ để diễn tả và gương mặt cứ… nhăn nhó, bậm môi, mỗi khi nói chuyện với tôi của anh hiện ra, rõ ràng trong trí nhớ.
Anh Nhiên và tôi đã có một thời gian thân thiết và cũng có một thời gian… thù nhau quá sức. Nhớ tới mối quan hệ rất ngộ nghĩnh, đầy “hỉ, nộ, ái, ố” của chúng tôi trong chuỗi ngày xa xưa ấy, tôi thật không biết phải vui hay buồn.
 Thời gian quả thật đáng sợ, mới đó mà anh mất đã 15 năm rồi. Lần này đến thăm anh, chắc chắn tôi có rất nhiều điều để nhắc nhớ.
Khi Thủy bắt đầu quẹo xe vào cổng của nghĩa trang Peek Family, cái âm thanh náo động ngoài đường phố bỗng dưng chìm dần, rồi tắt hẳn.
 Trước mặt tôi là con đường nhỏ vòng theo những vòm cây rợp bóng mát, thinh lặng, nhẹ nhàng…
Mặt đất là những thảm cỏ xanh mượt mà được chăm sóc cẩn thận.
 Ngồi cạnh Thủy đang chầm chậm lái xe đến chỗ an nghỉ của anh Nhiên, tôi thong dong ngắm nhìn một khoảng không gian an bình, thoát tục đang trải rộng quanh mình, chỉ có tiếng gió rì rào trên các tầng cây, tiếng xào xạc của những chiếc lá khô đang uốn mình trên mặt đất khi bánh xe nghiến lên.
 Không khí yên lành, thanh tịnh dễ khiến lòng người lắng đọng.Những lo buồn, ray rứt của đời sống, của những ngày trước kia đã có bỗng dưng chìm xuống, ngủ yên. Tôi như lịm người đi với cái cảm xúc lạ lùng chợt ùa tới, cái cảm giác mà từ lâu tôi không có được… bình yên và thanh thản.
 Không thấy bóng người lai vãng, buổi trưa cuối tuần thế mà vắng vẻ quá!
 Dường như những người nằm đây đã bị đời lãng quên?
Lâu lắm rồi từ ngày tiễn anh ra đến phần mộ trong nghĩa trang này, tôi chưa bao giờ có dịp để trở lại viếng thăm, kể ra là cũng quá tệ! Nhưng biết làm sao hơn?
Thôi thì nhờ Thủy hôm nay cho tôi cơ hội để được thăm lại người mà tôi đã từng xem như một người anh và có lúc đã xem nhau như “kẻ thù”
 (như tôi và anh đã từng nghĩ về nhau sau một trận cãi vã kịch liệt).
Tiếng Thủy kéo tôi trở về với thực tại:
“Chịu khó đi bộ một chút nha nhỏ, mộ anh Nhiên ở trong kia, không cho xe vô được.”
Tôi cười:
“Ừ thì có dịp đi excercise một chút, có sao đâu!”
Tôi xuống xe với một tâm trạng nao nức, kích động như sắp sửa đi gặp lại người quen đã lâu rồi… thất lạc. 
Hai đứa chia nhau cầm bó hoa, nhang và hộp quẹt bắt đầu lần bước tìm bia mộ anh Nhiên.
Nghĩa trang ở đây không choáng đầy mắt với những ngôi mộ xây cất đủ hình đủ kiểu, chằng chịt như ở Việt Nam.
 Các ngôi mộ ở Mỹ đều giống như nhau.
 Một khoảng đất cùng kích thước, nằm san sát, có hàng lối rõ ràng, tấm bia được đặt nằm phẳng phiu ngay trên mặt đất, vì thế cũng khó mà định hướng mộ của thân nhân mình nếu không biết trước.
Thủy nhắc tôi:
“Coi chừng đạp lên mộ người ta đó nha, có khi mộ cũ quá rồi mày không thấy rõ cái mặt bia đâu.”
“Ừ, tao biết mà.”
Tôi vừa đi vừa nhẩm đọc thử tên tuổi của những bia mộ gần bước chân mình nhất, có nhiều người chết thật trẻ, nằm bên cạnh những ông bà cụ tuổi thật cao. Nắng chói chang trên từng dòng chữ, trên những tấm ảnh đã phai màu với thời gian.
Chúng tôi dừng lại ở dưới một bóng cây với những tàn cao, to rộng, đầy bóng mát. Thủy nói:
“Đây rồi, mộ của anh Nhiên may là được nằm ở chỗ này, có bóng mát lại cũng gần chỗ có nước, thoáng và lý tưởng, chứ mộ của ông Mai Thảo ở đàng kia, trơ trụi, không có cây cối gì cả nắng nóng cả ngày, mày ơi!”
Tôi rảo mắt nhìn quanh, cố nhớ lại hình ảnh của mười mấy năm về trước.
     Cũng nơi này, gia đình, bạn bè, người thân của anh Nhiên có mặt đông đủ lúc hạ huyệt, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, mà lần đầu tiên tôi mới gặp mặt đã đứng ở đây đọc điếu văn, chia buồn, nhỏ lệ xót thương. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều nhân vật nổi tiếng cùng một lúc như thế.
Tôi nhớ là mình đã rất xúc động khi nghe ông Phạm Duy với mái tóc bạc trắng ngậm ngùi, từ tốn nhắc đến những kỷ niệm với anh Nhiên và những bài thơ mà ông đã phổ nhạc. Tôi nhớ ca sĩ Việt Dũng đứng ở góc kia và một số người nữa nhìn tôi với đôi mắt hiếu kỳ khi thấy Thủy cứ gục đầu vào vai tôi khóc nức nở.
Chắc họ thắc mắc không biết tôi là ai và có quan hệ gì với gia đình người quá cố.
 Và nơi đây, mẹ anh là người cuối cùng sau khi xác thân anh đã thực sự được đặt yên dưới lòng đất lạnh, đã khóc than, hối tiếc về sự ra đi của đứa con mà đến bây giờ trước sự thương tiếc, quý mến của thân hữu, của mọi người đối với anh, bà mới nhận ra con mình quả là một “thiên tài” đích thực.
 Nơi đây, chỗ này đã chứng kiến giờ phút cuối cùng “nghĩa tử nghĩa tận” của anh đấy mà.
Những cành hoa đã thay nhau rơi xuống, phủ đầy trên nắp áo quan, những giọt lệ đã cạn khô trên mắt người đưa tiễn.
 Anh đã thực sự đi vào cõi thiên thu. Nơi mà anh đã cảm nghiệm được và nói đến rất nhiều từ những bài thơ đầu tiên.
Tôi nhớ sau tang lễ của anh, khi mọi người lần lượt ra về, tôi đã đứng trước mộ anh một hồi lâu, nhớ đến bài thơ “Thiên thu” nằm ở trang cuối cùng trong tập “Thiên tai”, một trong những bài thơ mà tôi rất thích ngay lần đầu đọc thơ anh, bấy giờ sao mà thấm thía:

“Sao thiên thu không là xa nhau?
nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
và một con đường cúp điện rất lâu.

Sao thiên thu không là chôn sâu?
nên nắng xưa còn hôn mái tóc nhầu
tôi đứng như xe tang ngừng ngập
và một họ hàng khăn trắng buồn đau…

Sao thiên thu không là thiên thu
Nên những người yêu là những ngôi mồ
tôi đứng một mình trong nghĩa địa
và chắc không đành quên khổ đau!”

Quả thật, sau mọi linh đình đưa tiễn, anh đã ở lại một mình trong nghĩa trang này với những khổ đau, nghiệt ngã của cuộc đời đã được chôn vùi dưới lòng huyệt lạnh, đã cùng anh đi vào tận chốn thiên thu!
 
    Tôi lặng lẽ cắm hoa vào cái bình đã có sẵn ở trước mộ, Thủy đi lấy nước ở một cái vòi cách đấy vài mươi bước và trở về đổ đầy vào bình hoa, tôi ngạc nhiên nhìn Thủy tưới phần nước còn lại lên trên mặt tấm bia, nhưng ngay sau đó lòng lại xúc động, bùi ngùi khi thấy Thủy dùng cuộn giấy mang theo, từ tốn lau sạch đi những bụi cát đang phủ lờ mờ trên đó.
   Bia mộ anh là một phiến đá làm bằng lacquer đen bóng, sau những vệt lau của Thủy đã lại sáng như gương. 
Tấm ảnh của anh hiện ra thật rõ ràng ở trên góc trái cùng với phần đầu của bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng” anh viết từ năm 1972 nằm ngay bên cạnh. 
Tôi ngồi xuống, đọc từng giòng thơ đã được viết với nét chữ khắc thật đẹp với lòng trân trọng pha lẫn xót xa:

“Ta phải khổ cho đời ta phải khổ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định
(Vì thượng đế từ lâu kiêu hãnh
Cầm trong tay sinh tử muôn loài.
Tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
Thì em hỡi ngai trời ta đạp xuống)”

Cũng khá thân và lại rất thích thơ anh Nhiên, nên hầu hết các bài thơ của anh tôi đều biết và thuộc lòng (hoặc ít nhất cũng vài đoạn trong mỗi bài).
 Riêng bài này, khi tình cờ nghe lại, trích trong bài viết “Tìm ở sao trời” của Hoàng Mai Đạt đăng trong tạp chí Văn Học và được đọc một lần trên đài radio Little Saigon hồi tháng 6, tôi đã ngậm ngùi, chợt nhớ ra: anh Nhiên đã mất lâu lắm rồi!
Nghe nhắc đến bài thơ đã buồn, giờ trông thấy, đọc lại càng buồn và thấm thía hơn!
 Anh làm thế nào mà có thể khẳng định rằng cuộc đời mình là “phải khổ”, “phải ê chề” và nhất là “phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định” từ năm mới vừa 20 tuổi?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét