Trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Lăng Ba Vi Bộ



Vốn liếng Hán tự của tôi đưng chắc cũng vừa đủ một cái lá tre, chưa đầy một cái lá mít và nằm lỏng lẻo trong một cái lá đa.
 Tôi biết được dăm ba chữ Hán nhờ mê đọc truyện kiếm hiệp vì trong loại truyện võ hiệp này các tiểu thuyết gia thường hay “phịa” ra nhiều chiêu võ thuật có cái tên thật văn hoa bằng chữ Hán như: “Yến tử xuyên liêm”, con én bay qua mành, nhanh như chớp hay “Lạc diệp ngộ thu phong”, ngọn lá vàng rơi trong gió Thu, một thế phi hành nhẹ nhàng như chiếc lá rơi hay là Đồng tử bái Quan Âm, chấp hai tay vái Phật, tôn kính nhưng không kém phần hung mãnh vì chưởng phong phát ra ào ào như lốc cuốn. ...
Có một thời, chúng tôi ở tuổi thiếu niên thường tụ họp nhau chia phe đánh trận kiểu Đinh Bộ Lĩnh phất ngọn cờ lau và trong lúc giao chiến bằng tay chân hay kiếm tre, chúng tôi cũng đánh giặc miệng bằng tên những thế võ. Chẳng hạn như bạn tôi chấp tay đánh thế “Đồng tử bái Quan Âm” vừa ra bộ thế vừa hét lớn tên thế võ thì tôi phải xuất chiêu “Song long qúa hải” tức là hai con rồng vượt biển để chống lại ..
Còn nhớ, tôi có thằng bạn cốt đột, to con, không mê truyện kiếm hiệp nên chẳng biết tên thế võ nào vì thế nó chuyên phịa những thế võ tào lao xịt bộp.
Tôi xuất thế “Kim kê áp noãn” tức gà vàng ấp trứng, ôm lấy nó vật xuống đất và nằm đè lên người nó như gà mái ấp trứng thì hắn ta lăn tròn tránh né và mồm thét oang oang: “khúc gỗ lăn tròn”, một thế võ mà ngay các sư tổ trong làng võ thuật cũng không biết hắn học từ đâu ra. Phải công nhận thằng bạn này nhanh trí và có óc sáng tạo! 
Thế võ của hắn cũng hay ra phết khi dùng để chống lại thế “Kim kê áp noãn”.
Sau này, các tiểu thuyết gia Trung Hoa viết truyện chưởng không còn xài các thế võ riêng lẻ nữa mà họ sáng chế ra những pho chưởng pháp hay quyền pháp, kiếm pháp thật độc đáo và các dich giả cứ để nguyên con chữ Hán Việt nên tôi cũng học thêm được đôi ba chữ Hán làm giàu thêm vốn liếng Hán tự của tôi tuy rằng cũng chỉ đựng đầy một cái lá tre.
 Nhà văn Kim Dung là người sáng chế ra các pho võ thuật một thời làm say mê độc giả trên thế giới như Hàng Long Thập Bát Chưởng, Đả Cẩu Bổng Pháp, Độc Cô Cửu Kiếm , Lăng Ba Vi Bộ vv…
Mỗi pho võ thuật gắn liền tên tuổi của một hiệp khách chẳng hạn nói đến Hàng Long Thập Bát Chưởng là độc giả nghĩ ngay đến ba nhân vật kiệt xuất giang hồ Hồng Thất Công, Quách Tỉnh và Tiêu Phong.
Đả Cẩu Bổng Pháp là môn võ công dùng gậy đánh chó của Bang trưởng Cái bang.
 Độc Cô Cửu Kiếm nhắc ta nhớ đến anh chàng lãng tử hào hoa Lệnh Hồ Xung và Lăng Ba Vi Bộ là bộ pháp lừng danh của anh chàng thư sinh con Vua cháu Chúa mê gái quên cả thân mình, thế tử Đoàn Dự của nước Đại Lý, vùng Vân Nam kế cận tỉnh Lào Kay của ta ngoài miền Bắc.
Ai răng tui không biết, chứ tui mê cái môn Lăng Ba Vi Bộ này quá trời đất!
   Anh chàng Đoàn Dự, thế tử nước Đại Lý, chơi bời lêu lổng, chỉ học văn, không thèm học võ để nối võ nghiệp giòng họ Đoàn với môn Nhất Dưong Chỉ lừng danh thiên hạ. Rồi, vui bước giang hồ, Đoàn Dự lạc vào hang động, cấm địa của Vô Lượng phái và vì mê nhan sắc của pho tượng ngọc chàng đã học được môn Lăng Ba Vi Bộ lấy ý từ bài Lạc-Thần-Phú:
Lăng ba nhón gót
Chẳng nhiễm bụi trần
Chuyển mình lấp loáng
Mặt tựa hoa Xuân,
Miệng cười chúm chím
Lặng lẽ xuất thần
Nhìn người yểu điệu
Quên ngủ quên ăn

Đây là một bộ pháp tức là cách thức di chuyển thần kỳ chiếu theo 64 quẻ trong Kinh Dịch. Có thể nói đây là môn phi hành hoàn toàn nằm trong thế thủ chẳng hại đến ai mà lại tránh được kẻ hung ác võ công cao cường hơn mình, muốn giết mình.
Thật là một môn võ công không hại đến ai mà còn rất lợi ích khi mình muốn tranh đấu trong ôn hoà, môt môn võ chí nhu còn hơn cả môn Nhu Đạo của người Nhật vì Nhu Đạo còn dùng để bẻ tay, ngóeo chân, vật ngã đối thủ trong lúc Lăng Ba Vi Bộ chỉ là cách thức chạy loanh quanh để tránh đòn mà không hề đánh lại đối phương, tha hồ đối phương ra đòn gì cũng “dê kêu” chỉ việc nhắm mắt di chuyển theo đúng bộ pháp là đối phương không đụng đến được chéo áo của ta. Còn gì hay cho bằng!
Lăng Ba Vi Bộ mà được áp dụng đến mức tuyệt đối thì không còn sợ bất cứ một đich thủ nào. Lỡ theo bạn bè đi du hí, mần ăn sớm, sáng về sớm mà bị 
 Bà chủ cầm chổi chà đứng chực trước cửa nhà, hăm he cho mình “homeless” thì cứ đưa một đường Lăng Ba Vi Bộ bằng chân thì lo gì mà không tránh né được những võ công cắn xé, mè nheo, cào cấu kiểu miêu quyền tức là dùng mười chiếc móng đỏ của mèo lưu dấu vết trên mặt mày thân xác ta.
Chẳng những ta dùng Lăng Ba Vi Bộ bằng chân mà ta cũng có thể dùng Lăng Ba Vi Bộ bằng mồm nghĩa là cứ hoàn toàn dùng thế thủ, chối loanh quanh, tươi cười, nịnh hót, tán tỉnh “thì rồi mọi chuyện cũng OK.


 Đàn bà yêu qua lời nói mật ngọt tức là yêu bằng tai chứ không như liền ông mình yêu bằng đôi mắt 
vì đã mấy ai yêu cái nết mà quên cái đẹp, dù rằng đôi khi cái nết đánh chết cái đẹp, nhưng cũng phải cam go lắm mới đánh chết được.
Tôi viết lăng nhăng thế này chắc thế nào cũng bị các nữ độc giả phản đối .
Nhưng không sao, tôi đã có môn Lăng Ba Vi Bộ làm bùa hộ mạng cũng như theo binh thư Tôn Tử:
“Tam thập lục kế, tẩu đào vi thượng sách”. Nếu nhắm không mần ăn chi được thì trong 36 chước, chạy trốn là phương thức hay hơn cả.
 Quý vị thấy chưa, tôi học Hán tự bằng cách đọc truyện Tàu và truyện chưởng đấy thôi!
Nói thì vanh vách nhưng viết thì chỉ viết được mấy chữ: nhất, nhị, tam và chữ nhân vì trông giống như anh chàng đứng dạng hai chân. Ngoài ra tôi mù tịt!
Lăng Ba Vi Bộ, vì thế, không những là một môn võ công mà lại còn là một triết thuyết tuyệt vời, một nhân sinh quan thật trong sáng trong cuộc đời bon chen trên cõi Ta Bà này.
 Theo Kim Dung tiên sinh, không phải ai cũng có thể luyện thành công môn Lăng Ba Vi Bộ, ai cũng có thể áp dụng các phương cách xử thế rập khuôn theo Lăng Ba Vi Bộ vì Lăng Ba Vi Bộ là một môn võ công để cho những người đã có bản lãnh vào hạng thượng thừa rèn luyện. Đoàn Dự vốn không có một chút căn bản võ công nào.
Lúc tập luyện, chàng tiến lên một bước, rồi đứng lại suy nghĩ theo những bài học chàng đã học trong Kinh Dịch, hoặc lùi lại một bước, rồi dừng lại suy nghĩ.
Chàng cứ thế, khi lùi, lúc tiến, huyết mạch trong người chu lưu một cách bình thường nên đã không xảy ra cảnh “tẩu hoả nhập ma”.
 Nhưng, lúc học thuộc xong bộ pháp, Đoàn Dự đột nhiên toan phóng thẳng ra khỏi hang động, các mạch máu trong người chàng không thể từ từ luân lưu nên đã chạy ngược lên một cách cấp bách, do đó toàn thân chàng ta bị tê liệt, suýt biến thành cái xác không hồn của một tay mê gái thượng thặng.
Đấy là trên phương diện võ công!
Còn trong đời sống thường ngày, nếu ta ham mê luyện Lăng Ba Vi Bộ mà không đủ trình độ trí thức, không đủ bản lãnh và kinh nghiệm sống thì cũng sẽ lâm vào trường hợp của Đoàn Dự, sống dở chết dở hay là thân bại danh liệt. Không phải lúc nào cũng xài Lăng Ba Vi Bộ, tranh đấu ôn hoà như thánh Gandhi, hay theo đức Chúa Kito bị tát má trái thì chìa má phải xin được thêm một cái tát nữa cho khỏi bên trọng, bên khinh.
Đoàn Dự lúc đấu võ với Nam Hải Ngạc thần cũng đã theo chỉ điểm của phụ vương, dùng Lăng Ba Vi Bộ đưa tay nắm vào huyệt đạo “Đản Trung và “Khí Hộ” của tên đệ tam ác trong giang hồ.
Lăng Ba Vi Bộ do đó là một quan niệm sống ôn hoà nhưng cũng phải biết tuỳ cơ ứng biến để xử dụng phương thức ôn hoà chứ không phải nhắm mắt tuân theo răm rắp những bước đi uyển chyển của bộ pháp.
Vì đây là một môn võ hoàn toàn thủ chứ không có công nên lắm lúc cũng gặp nhiều hoàn cảnh không xử dụng được như ý. Cái tâm của ta phải hoàn toàn trong sáng không tạp niệm, trí óc phải minh mẫn mới thi hành được pháp môn nay.
Đoàn Dự vì trong một lúc không chuyên chú bước theo bộ pháp đã luống cuống gặp hiểm nguy, bị móng vuốt của Ngạc Thần cào rách mặt.
 Cũng đã có lúc vì chàng nhìn bộ mặt cô hồn, các đảng của Nam Hải Ngạc Thần mà sợ hãi nên đã bước sai bộ pháp và suýt lâm nguy.
May mà chàng ta nhanh trí đã nhắm nghiền đôi mắt không nhìn vào bộ mặt kinh tởm của Nam Hải Ngạc Thần nên chân bước như hành vân lưu thuỷ và đã chiến thắng được tên ác nhân trong giang hồ.
Kim Dung tiên sinh khai sáng môn Lăng BaVi Bộ chắc cũng muốn đưa ra một phương thức sống cho người đời để phần nào giảm thiểu được những tham sân si trong lòng nhân thế.
Theo tôi, bộ pháp Lăng Ba hay lối sống ôn hoà này cũng có thể goi nôm na là “Loanh Quanh Vi Bộ” vì nếu ta không đi theo đường thẳng để đến đích vì đường thẳng đôi khi nhiều chông gai khó thể vượt qua thì ta nên đi loanh quanh, dù xa xôi nhưng ít gặp chướng ngại vật và vì :
”Tous les chemins mènent vers Rome”,
 Đường nào cũng đưa về La Mã, nên có quanh co, mất thời giờ nhưng cuối cùng cũng đến đích.
 Nhân Sinh Quan này cũng có thể xem như là lối sống tà tà, không bon chen, không tham vọng của kẻ sĩ, hay của ẩn sĩ, xa lánh cảnh chợ đời, thong dong, tự tại, nhìn ngày tháng trôi theo giòng đời, vô tư, vô lự theo phương châm Tây phương:
 “Muốn sống hạnh phúc nên sống ẩn dật
( “Pour vivre heureux, vivons cachés” )
Bài loạn bàn về Lăng Ba Vi Bộ đến đây xin chấm dứt theo tinh thần Lăng Ba Vi Bộ.

Hoàng Đức
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét