Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Phố cổ Hội An và những ngôi trường cũ


Tôi đến trung học Trần Quý Cáp bắt đầu với hành trình ở chùa Viên Giác. Tôi nhớ rất rõ, ngày cuối mùa hè ở trường Nguyễn Duy Hiệu năm 1968, nơi trường Duy Xuyên  mượn chỗ để dạy cho các học sinh Duy Xuyên vừa tản cư ra sau trận Mậu Thân, thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai cho chúng tôi biết sang năm trường sẽ dọn xuống Hội An.
 Vì một số thầy cô như thầy Nguyễn Phúc Mai, thầy Võ Văn Mạo đều là người Hội An nên việc di chuyển xuống Hội An với các thây không có gì trở ngại. Các học sinh không nhà như tôi là chuyện gian nan.
 Tôi vừa ở Hội An cách đó vài tháng sau ngày cha tôi mất. Tôi bỏ chùa Viên Giác ra đi. Nhưng có thể tôi lại phải vào chùa xin tá túc một lần nữa, và lần này chắc sẽ ở rất lâu. Thật tâm tôi không muốn trở lại chùa, nhưng nếu không rồi tôi sẽ đi đâu.
 Đời tôi thường không có nhiều chọn lựa.
Năm học 1969, trường Duy Xuyên dạy ở đình Cẩm Phô cách chùa Viên Giác không xa. 

Tôi học lớp đệ tứ. Buổi liên hoan chia tay nhau ở trung học Duy Xuyên cuối năm đệ tứ là một ngày đầy cảm động. Trường Duy Xuyên rất tội nghiệp. Không có cơ sở riêng như hầu hết các trường công lập khác, phải dạy nhờ lang thang từ quận này sang quận nọ, từ trường Nguyễn Duy Hiệu ở Vĩnh Điện xuống đình Cẩm Phô ở Hội An. Sang năm sau, chúng tôi chuyển sang trường đệ nhị cấp Trần Quý Cáp.Chiến tranh và tuổi thơ trôi nổi đã làm chúng tôi trưởng thành rất sớm. Buổi liên hoan chia tay được tổ chức long trọng trong phòng rộng phía bên phải đình Cẩm Phô.
 Năm đó, tôi 14 tuổi và đứa lớn nhất trong bọn tôi cũng chỉ mới 15 tuổi nhưng tôi nhớ rất rõ ngôn ngữ trong lời phát biểu của đại diện ban tổ chức rất ư là người lớn, tương tự, diễn văn của anh trưởng lớp rất xúc động và hùng hồn. Chúng tôi tự viết lấy, không ai viết giùm.
 Lá thư gởi thầy cô và bạn bè cùng lớp do tôi viết với những lời đầy hứa hẹn cho mai sau.
 Giáo sư  hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai, giáo sư hướng dẫn Võ Văn Mạo cũng nhắn gởi chúng tôi những lời khuyên nhủ rất chân thành.
Thầy Võ Văn Mạo kể chúng tôi nghe câu chuyện một ông thủ tướng Pháp, tôi không còn nhớ tên, sau khi thành danh trở về trường cũ thăm thầy như một cách dặn dò chúng tôi ra đi nhưng đừng quên nguồn gốc. Chúng tôi trịnh trọng và vui vẻ hứa với thầy sẽ về Hội An thăm các thầy cô dù không phải là thủ tướng. Thầy trò cùng cười.

 Nhưng lời hứa chưa thành sự thật. Bao nhiêu mùa thu qua nhưng những chiếc lá trong sân đình Cẩm Phô vẫn còn tản mát mỗi người một ngả. Nhiều chiếc lá đã khô và rụng ở một góc trời nào đó.
 Suốt đời thầy Võ Văn Mạo gần gũi với học trò và chúng tôi cũng rất gần gũi với thầy. Thầy có tật ở chân nhưng nhờ chiếc xe mobylette màu xám quen thuộc đã đưa thầy lên Duy Xuyên và rồi Vĩnh Điện mỗi tuần. Nghe đâu nhà thầy ở gần rạp Phi Anh nhưng tôi chưa bao giờ đến.Ngoài thầy Võ Văn Mạo, một người thầy tôi quý mến khác và cũng thương tôi nhất trong suốt bốn năm ở trung học Duy Xuyên là thầy Phùng Ngọc Nhựt dạy Việt Văn và Nhạc. 
Thầy có vóc dáng rất nghệ sĩ,  đeo kính đen, tóc bềnh bồng, có vẻ “lập dị” nhưng có một lòng yêu quê hương thấm đậm. Bài hát đầu tiên thầy tập cho chúng tôi hát trong những ngày chưa tản cư ra Vĩnh Điện là bài Những Nẻo Đường Việt Nam. Thầy hát không hay lắm nhưng truyền cảm và chuyên chở tình yêu quê hương bát ngát. 
Tôi cũng thích hát. Dù học rất thường trong những môn khác, tôi luôn đứng nhất trong môn nhạc. Ngày đó tôi đang mang trên vai nỗi buồn quá nặng so với tuổi tác của mình và thầy cũng mang một tâm sự gì đó vô cùng uẩn khúc nhưng không thể san sẻ với ai nên những buổi chiều ở Vĩnh Điện, hai thầy trò thường ngồi trên hành lang hát vu vơ “Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan, ôi những nẻo đường Việt Nam…” Nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ tiếng hát của thầy vang lên trong căn phòng nhỏ ở thị trấn Vĩnh Điện xa xôi. Mới đây, tôi nghe tin thầy đã qua đời.
Dù biết dù còn sống chưa hẳn có thể gặp nhau, nhưng ra đi vĩnh viễn thật là buồn. Tôi không nhớ là thầy theo trường xuống Hội An.
 Sau những ngày ở Vĩnh Điện thầy trò chúng tôi chưa gặp nhau lần nào nữa.Từ giã ngôi đình cổ, chúng tôi bước vào một ngôi trường khang trang, quy cũ Trần Quý Cáp.
 Không giống hai năm trước đây chỉ học cho có vì cả thầy lẫn trò đều lang thang, năm đệ tam là năm tôi thực sự đi học. Theo một tài liệu được tổng kết một cách khách quan về lịch sử trường từ ngày thành lập 15 tháng 9 năm 1952 đến năm 1975 Trung học Trần Quý Cáp chỉ có bốn thầy hiệu trýởng gồm thầy Tăng Dục, thầy Hoàng Trung, thầy Lưu Chí Kiên và thầy Trần Huỳnh Mính. Những năm tháng đầu trường dạy nhờ tại một ngôi chùa của người Hoa trên đường Cường Để. Địa điểm hiện nay chỉ được xây xong trong niên khóa 1955-1956.
 Trong thời gian tôi vào, năm lớp ở dãy giữa chưa có các tầng lầu như hiện nay. Năm 1973 này Kỳ Đài Trần Quý Cáp được khởi công xây do hai kiến trúc sư Nguyễn Hy Văn và kiến trúc sư Đô Thị Gia phác họa. Giống như hầu hết các trường trung học, trường Trần Quý Cáp rộng với những hàng phượng trồng dọc theo hành lang.
 Bên cạnh các cây phượng rất già được trồng sát với dãy lớp giữa là những cây phượng còn non mới lớn ở ngoài sân. Tính từ lối vào, các lớp nhỏ học bên trái và cứ thế lên cao dần cho đến các lớp đệ nhất. Cổng trường ngày đó đơn giản, màu gạch rêu phong với tấm bảng thiếc và hàng chữ Trung Học Công Lập Trần Quý Cáp.Hiệu trưởng của chúng tôi ở Trung học Trần Quý Cáp trong ba năm tôi học từ cuối năm 1969 đến tháng 6 năm 1972 là thầy Lưu Chí Kiên và Tổng Giám Thị là thầy Tống Khuyến.
 Vì là trường lớn nhất của tỉnh nên trường Trần Quý Cáp có một ban giáo sư đông đảo và số lượng thầy cô tăng rồi giảm, đến rồi đi, cũng rất nhanh. Tôi chưa đọc một danh sách giáo sư Trung học Trần Quý Cáp nào đầy đủ. Theo một tài liệu được viết khá sư phạm và khách quan, năm tôi vào học, trường Trần Quý Cáp có đến 2.190 học sinh, trong đó có 27 lớp đệ nhất cấp và 17 lớp đệ nhị cấp.
 Tôi không nhớ hết thầy cô nhưng tên thầy cô mà tôi học trong ba năm vẫn còn nhớ:  Thầy Nguyễn Văn Liêu dạy Việt Văn, thầy Phan Khôi dạy Anh Văn, cô Trần Phương Lan dạy Anh Văn, cô Bích Ty dạy Triết, thầy Phạm Phú Lợi dạy Triết, thầy Nguyễn Ngọc Anh dạy Sử Địa, thầy Đặng Văn Bôn dạy Vạn Vật, thầy Phùng Rân dạy Lý Hóa, thầy Nguyễn Như Thọ dạy Toán, cô Nguyễn thị Nguyệt dạy Việt Văn, thầy Tống Nhạn dạy Pháp Văn, thầy Tăng Kim Lân dạy Sử Địa, thầy Tống Diệu dạy Anh Văn.
Năm đầu ở trường Trần Quý Cáp, thầy Nguyễn Ngọc Anh và thầy Nguyễn Văn Liêu là hai thầy tôi thích nhất vì tôi thích học văn và sử. Tôi nhớ có lần thầy Liêu ra đề luận “Các em học sinh nghĩ gì về chiến tranh”. 

Tôi nhập đề chỉ bằng một câu vỏn vẹn “Chiến tranh đã làm xã hội Việt Nam đảo lộn”. Trong lúc đa số học sinh trong lớp nghe tới chiến tranh là tả những cảnh ánh hỏa châu rơi, tiếng súng xa xa vọng về, tôi nghĩ đến con người và những đổ vở trong xã hội Việt Nam. Thầy Liêu rất thích cách viết đó và đọc bài luận cho cả lớp nghe.
Chiến tranh gây ra bao tang tóc, bao tàn phá nhưng từ lúc học lớp đệ tam cho đến bây giờ tôi vẫn tin cái tàn phá tai hại nhất của chiến tranh không phải là tài sản mà là con người. Bao nhiêu lớp người đã chết, bao nhiêu thế hệ đã ra đi và sẽ không bao giờ trở lại trên đất nước Việt Nam.

 Những mất mát đó không bù đắp được. Những vết thương trên da thịt có thể sẽ lành đi nhưng vết thương trong tâm hồn khó mà phai nhạt.
 Người ta thường nghĩ đến việc tái thiết đô thị, xây dựng nhà cửa, cầu cống nhưng cái cần tái thiết và xây dựng là tình người. Còn tình người Việt Nam chúng ta sẽ còn Việt Nam mãi mãi. Mất tình người Việt Nam, dân tộc này sẽ bị diệt vong. 
Nhiều khi ngồi nhớ lại những bài luận năm xưa và những tiểu luận tôi viết bây giờ, cách viết cũng không nhiều thay đổi. Ước gì thu thập lại được tôi sẽ in thành sách. Thầy Liêu ở Đà Nẵng, chỉ vào trường Trần Quý Cáp dạy một năm đệ tam niên khóa 1970, sau đó hình như thầy không dạy nữa.Thầy Nguyễn Ngọc Anh có kiến thức lịch sử rất rộng. Thầy cũng chỉ dạy tôi năm lớp đệ tam 1970. Thầy dạy sử Việt Nam nhưng cũng hay nhắc đến sử Trung Hoa. Thầy thường mặc áo sơ mi trắng, khuôn mặt trẻ trung và hình như thầy người Huế.
Thầy giảng rất hay vì nghĩ sao giảng vậy một cách tự nhiên, hùng hồn. Rất ít khi tôi thấy thầy để mắt vào sách giáo khoa. Ngay cả cách hỏi bài cũng vậy, thầy thích hỏi câu gì thì hỏi, nhiều khi không liên hệ gì với bài học trong tuần. Đang học chuyện ai thống nhất Việt Nam lần đầu thầy buột miệng hỏi ai thống nhất Trung Hoa lần đầu. Tôi cũng thích lối dạy đó.

 Sử học là một khoa học đối chiếu. Nếu chỉ biết sử nước mình mà không biết sử nước khác rất dễ dẫn đến một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi và ngủ vùi trong vinh quang quá khứ Thầy Nguyễn Như Thọ dạy tôi môn Toán lớp đệ nhất năm 1972.
 Thầy hơi ốm, đẹp trai và vui tính. Nhà thầy ở gần đình Cẩm Phô và đến trường bằng chiếc xe Vespa màu xanh nhạt.
 Thầy dạy trường công và cả trường tư. Ngoài ra, mùa hè thầy còn dạy các lớp luyện thi. Thầy dạy toán nhưng không quá khắt khe. 
Mỗi khi có đứa nào nói chuyện trong giờ học, thầy gọi tên nhưng khi cậu ấy vừa ngẫng lên, thầy ném cho cậu ta một viên phấn nhanh như ném phi tiêu. Thầy trò nhìn nhau cười huề. Thầy viêt trên bảng đen rất đẹp và ngay cả vẽ được một vòng tròn 360 độ chỉ bằng một nét không dừng tay. Có lúc vẽ thành công nhưng giống như cuộc đời cũng nhiều khi vòng tròn không được kín. Khi nghe thầy trải qua nhiều gian truân và đã sang đến Mỹ, tôi thầm mong có một ngày được viếng thăm thầy. Cô Nguyễn Thị Nguyệt dạy tôi môn Việt Văn lớp đệ nhất năm 1972.
 Cô Nguyệt có vóc dáng mảnh mai, mái tóc thề đen lánh bao giờ cũng chải mượt mà. Trong mắt tôi cô Nguyệt đẹp nhất trong số các cô mặc dù cô Phương Lan quý phái và cô Bích Ty hiền hòa.
 Ngày đó cô Nguyệt vừa tốt nghiệp sư phạm về dạy Việt Văn ở trường Trần Quý Cáp nên tuổi cô cũng chỉ mới ngoài hai mươi. Cô thường mặc áo dài xanh. Tôi hay đứng trên hành lang nhìn cô đi trong sân trường. Một cảm giác thật dịu dàng nhưng không đủ để thành thơ nên tôi không có bài thơ nào viết tặng cô ngày đó. Cách đây hai năm cô sang Mỹ, anh Nguyễn Hồng Hà, một cựu học sinh Trần Quý Cáp của thập niên 1960, giới thiệu và tôi may mắn được đến thăm cô ở Boston. 
 Cô Nguyệt là người duy nhất trong số các thầy cô dạy ở Trung học Trần Quý Cáp tôi được gặp lại. Mấy chục năm qua, đứa học trò ngẫn ngơ năm xưa nay đã già nhưng cô Nguyệt trong tâm hồn nó vẫn còn rất trẻ. Từ cổng vào, lớp học của tôi là lớp thứ hai, dãy bên phải. Nhìn sang phía bên kia là Ty Cảnh Sát Quảng Nam chỉ cách một hàng rào. Tôi không biết phòng sát với lớp học tôi có phải là phòng thẩm vấn hay không nhưng thỉnh thoảng tôi nghe tiếng la hét, khóc than, van xin, hăm dọa. Tôi hay tò mò nhìn sang và thắc mắc chuyện gì đang xảy ra bên đó nhưng tất cả bị che khuất bằng một hàng rào kẽm gai cao. Trong lớp, chỗ tôi ngồi sát cửa sổ. Nhiều khi tôi muốn đóng lại để khỏi nghe tiếng la hét khóc than. Bên kia ô cửa, những con chim sẻ thường bay về cất tiếng líu lo trên những bụi cây. Sau này, mỗi khi đọc lại những câu thơ của anh Trần Hoài Thư  “Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ, những cánh chim từ xa vắng lạc bầy” tôi hình dung cảnh cũ và chợt nghe lòng xót xa thương thầy cô, nhớ bạn bè. Trong những ngày ở Mỹ, họa hoằn lắm mới nghe tin một người bạn cũ.
 Thỉnh thoảng mới biết tin một thầy cô nhưng phần lớn chỉ để chia buồn như trường hợp cô Phương Lan vừa qua đời năm ngoái. 
 Nhiều lần tôi tự hỏi, sau bao khói lửa chiến tranh, nghèo nàn tù tội, biển cả mênh mông, bạn bè tôi, những con chim sẻ với đôi cánh nhỏ nhoi lớn lên trong một tỉnh lỵ buồn hiu ngày đó bây giờ phiêu bạt về đâu ! 
 Viết về trường Trần Quý Cáp không thể nào quên nhắc đến Hội An. Dù bây giờ là thành phố UNESCO hay gì đi nữa tôi luôn gọi Hội An là thành phố của tôi. Thành phố trầm lặng có những ngôi chùa tên nghe rất lạ, chùa Ngũ Bang, chùa Âm Bổn, chùa Cầu, nhưng nghe riết nên cảm thấy vô cùng thân thiết.
 Hội An trong tâm hồn tôi chẳng khác gì một căn nhà riêng, nơi đó, từng góc phố, từng con đường, từng mái ngói, từng giọng nói êm đềm của cô bé bưng cà phê, từng giọng rao cao vút của chị bán cao lầu rong đã gắn liền trong một phần đời. Ngày đó Hội An cũng đã có nhiều quán cà phê nhưng chúng tôi thích uống cà phê  ở quán phía trước Tiểu khu Quảng Nam và gần nhà nhất là Cà phê Số Một sát bên con hẽm nhỏ đi vào khu Khổng Miếu.

Hội An những ngày tôi sống buồn và vắng vẻ. Thành phố buồn đến nỗi trong một phóng sự đăng trong trang địa phương của báo Sóng Thần, tôi đã gọi Hội An là ”Thành phố chết”. Không những con người chẳng ai ngó ngàng đến Hội An mà cả chiến tranh cũng bỏ sót Hội An. 
Thật vậy, ngoại trừ trận Mậu Thân và những lần pháo kích, trong suốt mấy mươi năm của cuộc chiến, thành phố của tôi như rơi vào quên lãng.
 Điều rất lạ, ngay cả Mỹ, trong thời cao điểm với cả trăm ngàn quân đóng ở Đà nẵng, cách đó vài chục cây số, không có đơn vị nào lớn đóng ở Hội An. 
Các đơn vị Đại Hàn thuộc sư đoàn Thanh Long hay Mãnh Hổ gì đó đóng ở Cẩm Hà, Lai Nghi chứ không đóng ở Hội An. Hẳn nhiên lý do chính vì Hội An không còn giữ một ví trí kinh tế chiến lược như 300 năm trước.
 Dù sao, nhờ những lãng quên đó mà ngày nay những mái ngói cong còn nguyên vẹn, những cột nhà chạm trổ tinh vi đã giúp thu hút du khách để nuôi sống người dân phố Hội sông Hoài.Những năm chiến tranh, Hội An rất nghèo.
 Một lần, có người hỏi tôi bây giờ Hội An sống nhờ du khách, ngày xưa sống bằng gì.
 Tôi trả lời nửa đùa nửa thật, ngày xưa Hội An sống bằng thơ. Ngoài thơ, tôi không nhớ Hội An sống bằng gì khác. Không ruộng đất, không nhà máy. Không du khách. 
 Mặc dù đất Hội An sản xuất ra hàng trăm nhà thơ nhưng nhà thơ nỗi tiếng nhất Hội An không ai tranh cãi, là Bùi Giáng. Nhà thơ quê Duy Xuyên nhưng học trường Minh Viên ở Hội An và cưới vợ, bà Phạm Thị Ninh, cũng người Hội An. Ông đã rời Hội An 30 năm trước, nhưng để lại những câu lục bát nuôi sống tâm hồn người xứ Quảng qua nhiều thế hệ. Tên Bùi Giáng ở xứ Quảng quen thuộc đến nỗi nhiều khi người ta cứ tưởng ông chưa bao giờ rời khỏi xứ. Một bài thơ của Bùi Giáng về Hội An:
Mơ màng phố cũ hoang liêu
Cánh buồm con sóng sương chiều Hội An
Tờ mây chan chứa mộng vàng
Tuổi đời em kết mấy ngàn cánh hoa
Mừng vui giọt tuổi chan hòa
Bước đi từ đó gió xa bay về
Ngậm ngùi đàn lệ ai nghe
Cội nguồn bên tháng năm thề xẻ chia
Dấu mờ hoen hận còn kia
Hồn trăng soi bóng sầu khuya một bờ.
Hầu hết các nhà thơ Hội An có ít nhất một bài viết về thành phố cổ này và thường là những bài thơ được yêu thích nhất của tác giả như trường hợp Bữa Say Ghé Chùa Ông của Hoàng Lộc, Nụ Hoa Cho Người Em Hội An của Luân Hoán, Trưa Ở Hội An của Hoàng Quy, Ngọn Quế Viễn Phương của Thái Tú Hạp, Hồi Âm của Thành Tôn v.v..
Những người từ Hội An ra đi đều có một nhận xét giống nhau: “Hội An là thành phố để về thăm chứ không phải nơi để ở”. Tuy buồn bã như thế, hàng năm, tôi vẫn về.
 Ngay cả những năm khó khăn sau 1975, tôi vẫn cố gắng về. Đi xa, nhớ Hội An da diếc nhưng khi vừa bước chân về lòng lại muốn ra đi. 
Trong những năm ở Sài Gòn, tôi về Hội An chỉ để đi một vòng phố cổ, đứng trước trường Trần Quý Cáp đảo mắt nhìn các em học sinh để tìm lại chính mình thời học trò, rồi lại ra đi trên những chiếc xe Renault màu xanh đậm và già nua không thua gì thành phố.
Chào cô gái học trò đang tới lớp

Cho tôi làm viên sỏi dưới chân em
Ðể xào xạc hồn tôi khi mới lớn
Chút men tình năm tháng ấy chưa quên.
(Giấc mơ nhỏ của tôi, thơ Trần Trung Đạo)
Hội An của tôi là những buổi chiều ngồi trước cửa nhà thơ Phạm Đình Nguyên ở Ngã Ba Tin Lành ngâm nga “ Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt” và nhìn các em nữ trung học Hội An đi học về trong cơn mưa.

Em về phố Hội chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng
Ta như giọt nước mùa mưa đó
Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông.

(Em về phố Hội, Trần Trung Đạo)


 
@@ nếu không có khách du lịch ắt hẳn  Hội an sẽ trầm lặng ,buồn bã lắm
 Riêng phần ẩm thực món Cao lầu thật ngon và ăn chỉ một lần sẽ không quên và khi mua bất cứ món quà kỷ niệm nao đó thậm chí may 1 bộ quần áo trong vòng 24-48hr bạn cũng sẽ hài lòng với cung cách xem khách hàng như thượng đế của người dân Hội an xứ Quảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét