Con
đường Pine Ave. bắt đầu từ phía Tây của thành phố San Jose, nơi giáp
ranh với thành phố Campbell. Con đường thật nhỏ so với cái thênh thang
đời sống mới của một thành phố đang trên đà phát triển. Cái nhỏ nhít của
con đường, thêm vào đó hai hàng cây phong và những hàng rào cắt tỉa cẩn
thận tạo cho nó dáng vẽ của một em gái vườn quê đương thì e ấp bên cạnh
cuộc sống ồn ào phố thị.
Con đường nằm trong khu vực mang tên Willow
Glen, nơi đây phố không ra phố, quê cũng chẳng phải quê. Với một chút
tưởng tượng người ta có thể mường tượng nó là Thủ Đức bên Sài Gòn, Nhà
Bè của đô thành.
Mà cũng chẳng phải…có thể nó là An Phú Đông, là Ngã Năm
Bình Hòa, Cây Thị, Cây Quéo, Bình Quới, Bình Lợi….hoặc là nơi nào đó
của Sài Gòn ngày cũ đối với người Việt ly hương. Đừng nghĩ rằng ở Hoa Kỳ
mọi nơi mọi chốn đều giống nhau mà lầm. Nội một Willow Glen nếu bạn lọt
vào đó bạn sẽ có quá dư quá khứ để sống về và thiếu chút tương lai đi
tới.
Các con đường trong vùng mang tên những vị tổng thống Mỹ,
hoặc một nơi chốn nào của xứ Cờ Hoa…Lincoln, Washington, Minnessota,
California, Newport….
Đây là nơi chốn của những người cao niên (không nên
gọi là già), cao niên như những căn nhà mà nó có trong lòng nó.
Những
căn nhà xây tường gạch đỏ, những căn nhà mái ngói âm dương, những căn
nhà Victorian…nhỏ nhắn, dễ thương, quý phái, sang trọng…mà rất bình dị
gần gủi.Tôi đến thăm một người bạn vong niên trong ngôi nhà
Community Elder House. Hai vợ chồng có quá đủ để sinh sống một nơi khác,
nhưng ông bà chọn nơi đây “Nó yên tỉnh lắm, và đường xe buýt rất tiện.”
.
Căn chung cư có 2 phòng ngủ nho nhỏ, có một khoảng không gian sau nhà
bao quanh là cây cao bóng mát. Đến đây cần phải nói thêm:
Nhìn sân sau
của một căn nhà là người ta có thể đoán biết đó là người Việt hay người
Mỹ. Sân sau người Việt là những luống hành, những bụi cà chua, một vạt
rau thơm, đôi cây húng quế, khóm ớt, bạc hà…và cũng có thể có một vài
cây chuối…không bao giờ có trái. Rau trái ở Mỹ quá rẻ để phải tốn công,
tốn tiền trồng trọt.
Gia chủ cười cười nói như lời tâm sự “Đâu có bỏ
công, nhưng không có nó căn nhà dường như thiếu…” Thiếu cái gì thì người
ta không giải thích được.Nhà ông bà có trồng mấy bụi ớt hiểm,
trái nhỏ li ti, cay xé miệng.
Bà chủ chỉ vào nó “Coi vậy nhưng ngon lắm
nha.
Nhỏ rí mà cay giàn trời, lại thơm nữa chớ. Đâu có như ớt Thai
Chili, ngó thì đỏ au, mà ăn thì xé miệng mà chát ngầm.” Chịu! Không thể
hiểu nỗi lời giải thích của bà. Ông chồng cười móm mém “Người ta nói
người trồng ớt mà cay…thì ghen dữ lắm.
Hổng biết có đúng không?” Bà
không trả lời, nhưng nhìn cái liếc mắt của bà người ta hiểu hết. Phải
công nhận, bà cụ có nét tươi, mặn mòi của một người (già) phúc hậu. Và
cũng nơi ánh mắt, nơi cái nhìn của bà, người đối diện ắt biết ngày xưa
bà cũng phải là người làm “nghiêng thành, đổ nước” làm rơi rụng biết bao
con tim.
Bàn ăn đã dọn ra, trên bàn nào rau, nào cá, nào chén,
nào phụ tùng…đủ cả. Bà chủ nhà chỉ cái chén nhỏ đựng hơn mươi trái ớt đỏ
au, tươi rói còn lấp lánh vài giọt nước trên thân.“Đó cấy ớt đó đó. Ăn món này mà không có nó thì mất ngon.”“Bác mời cháu ăn với hai bác bữa cơm thanh đạm.”Bữa ăn chiều là món Mắm và Rau (có người còn kêu là lẫu bún mắm)“Thiệt ra, ăn mắm phải là ngày mưa mới đã. Nhưng thôi, cứ thèm là ăn chớ biết đợi đến khi nào.”“Hai bác còn ăn được mắm sao? Không sợ cao máu?”
Tôi nhìn ông bà và hỏi.Bà vợ khoát tay:“Úi! Hơi đâu mà sợ. Mà nói nào ngay, cũng không mặn lắm đâu. So làm sao được với ngày xưa ở nhà.”Nhìn cái lẫu mắm sôi lăn tăn, mùi thơm thoảng qua nhè nhẹ. Trên bàn có
một dĩa rau nào húng quế, ngò om, lá rau chua, bắp chuối bào, chuối
chát, khế chua, giá sống, tía tô, kinh giới, hẹ…là đã phát thèm.
Cũng
ngộ, lẫu mắm không nặng mùi như nhiều người nghĩ. Cách nấu ở đây có đôi
chút khác; và, có thể sẽ không làm hài lòng những cái miệng sành ăn,
thích ăn “original” nguyên bổn.Mắm Và Rau xuất xứ từ Nam Kỳ Lục
Tỉnh, ở đó vào mùa nước nổi, khi trời bắt đầu sa mưa giông, những cơn
mưa đầu mùa, là mùa của cá linh “trẩy hội”. Những con cá linh, nhỏ bằng
mút đũa, óng ánh bạc, mập tròn, thịt ngọt và béo...không biết từ đâu
đồng loạt “trẩy hội” tham dự cuộc diễn hành. Nó có khắp nơi, có đồng
loạt; xuất hiện như từ đất chun lên, hay từ trong sóng bạc nhảy ra, hoặc
từ cây bần, cây tràm rớt xuống.
Cá linh nhiều đến nổi người ta tưởng
tượng và kể rằng nó sanh ra từ những lá tràm rụng trong mùa trước. Nhiều
đến nổi chỉ cần một cái rỗ sảo ra mương vớt một cái là có nồi kho mẳn,
nấu xổi ăn liền. Nếu cất bằng vó thì có thể làm mắm để dành ăn hết mùa
mưa. Mắm nấu lẫu là mắm sặc, mắm linh. Hàng năm, từ tháng Bảy
(âm lịch) nước sông Cửu Long (Tiền giang, hậu giang) bắt đầu đổi màu,
nước mang phù sa từ thượng nguồn đổ về lục tỉnh.
Nước trong đồng một màu
đục ngầu, lúc đó là mùa cá linh, những con cá mới nở, theo sông vào
vườn, ruộng, kinh, mương. Người ta nói cá từ Biển Hồ bên Cao Miên theo
dòng nước đổ về Khoảng tháng Mười, theo con nước xuống, cá linh từ kinh
rạch trở ra sông. Vào mùa, cá linh nổi xanh cả nước, người ta kêu là cá
"đua" hay cá "lên".
Dân ruộng vào mùa cá lên thì trên mâm cơm đã có nhiều món ăn với cá: cá linh kho sả , cá linh nấu chua, kho mắm ... Cá
nhiều đến nổi người ta làm mắm, và có năm đổ đống trong đồng làm phân
cho lúa.
Cách làm mắm Linh rất đơn giản, bất kỳ gia đình nào cũng có thể
làm vài khạp để ăn suốt năm đợi mùa sau. Cách làm như vầy: Hai giạ cá,
một giạ muối, 3 kg đường. Lớp cá, lớp muối đem phơi nắng khi cá “ngứu”
chắt lọc lấy nước, pha trộn thêm đường sẽ được vài chục lít mắm nước rất
ngon.Ngoài cách làm mắm nước, người dân quê còn gài mắm-một
loại mắm sống còn nguyên con..
Cá làm sạch, cho vô hũ ướp muối, ba ngày
sau dùng vỉ tre gài chặt xuống. Một tháng sau, vớt ra trộn thính rồi cho
trở lại vô hũ gài chặt như trước. Một tháng sau, lại vớt ra trộn đường
gài chặt lạị Thêm một tháng nữa là mắm có thể ăn được.Mắm Linh
có thể chưng với hột vịt, ăn sống, hoặc kho. Cá linh kho với tép đồng,
cá bông lau, thịt ba rọi, sả và cà tím thành món mắm kho ăn với rau
đắng, rau dừa, bông súng, bông thọ, lục bình, kèo nèo, điên điển, đinh
lăng, giái mít, rau nhút ... là Mắm Và Rau.
Thử làm như vầy: Gắp vô chén
các thứ rau, múc một khứa cá, ít thịt heo, chan nước kho ngập đến
miệng...chén….rồi lùa hổn hợp đó vào miệng …của mình, cắn miếng ớt đỏ
cay xè, vừa chảy nước mắt, vừa xuýt xoa để thấy mọi hương vị đậm đà thấm
vào đầu lưỡi…nhai…từ từ…để thấy (hay nghe) mùi mắm, mùi rau, mùi cá,
thịt….tất cả hương vị đó thêm đắng của rau, cay của ớt, béo của thịt,
bùi của cá; chát của mít…
Tất cả cho ta một cảm giác ... ăn rồi mới
biết, mới cảm nhận được hương vị đồng quê . Bà
chủ nhà cười rất nhẹ, giọng ấm như tơ đồng: “Nỗi nhớ về những tháng
ngày ngọt ngào xa xưa chỉ còn lại nơi vị giác, nơi cây cải, cây hành…cây
bông vạn thọ” Ánh mắt bà mơ màng hướng về cõi xa xôi, giọng bà như hư
như thực:
“Bông điên điển màu vàng, bông lục bình màu tím, bông súng
trắng tinh tuyền, bông sen hồng phơn phớt…tất cả nằm trên cánh đồng nước
nổi vào mùa.
Có xa mới nhớ.”“Ừ, có vậy người ta mới nói “xa
thương gần thường”. Tui cứ nhớ như vầy….những thứ rau đồng, hoang dã nằm
bên nhau. Nào là rau ghém bắp chuối trộn với rau răm, những cọng rau
nhút sánh vai với đọt xoài, đọt cốc, kèo nèo, tuy không thơm như húng
cây, húng lủi, nhưng cũng chẳng tanh tanh mùi rau dấp cá, bông điên điển
giòn giòn, ngòn ngọt, hơi đăng đắng, còn lục bình xôm xốp ... bên cạnh
cái lẩu đang sôi.
Mọi người quây quần bên nhau thấm đậm trong cái không
gian nghi ngút, trong khi đó bên ngoài giọt mưa sa, còn gì ấm áp hơn? Giữa phố phường đất Mỹ, giữa thời đại văn minh, cái ăn cái mặc đầy đủ
đến dư thừa…vậy mà cũng có người thấy thiếu. Cái thiếu bất chợt đến
trong ngày, đến như kẻ trộm, đến không báo trước.
Cuộc sống quá hối hả,
quá tranh đua. Cái nợ nhà, chiếc xe, tiền hưu dưỡng đã có mấy ai, mấy
gia đình có được bữa ăn….trong không gian rất cũ…vừa ăn vừa nói chuyện,
nào tiếng cười, tiếng nói râm ran, tiếng chan, tiếng húp xì xụp, chén
đủa khua vang, tiếng con nít ré lên…Mùa mưa đến đúng hạn kỳ,
mùa nào thức đó.
Cái ăn trời đã dành cho. Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa…xa quá đỗi là xa.Ở đây một
bước lên xe hơi, căn nhà đóng im ỉm suốt ngày. Người hàng xóm cả năm
chưa thấy mặt. Đi tìm những bữa cơm mà gia đình còn được đoàn tụ bên
nhau đã trở thành nỗi nhớ mặn mà.
Lê Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét